Lao động nữ trong thời đại robot

Như Hoa| 14/09/2018 15:27

KHPTO - Mới đây, tại TP.HCM, Hội nữ trí thức TP.HCM và Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 – Nhìn từ quan điểm giới”.

PGS.TS.Trương Thị Hiền, Chủ tịch Hội nữ trí thức TP.HCM cho rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) tạo cơ hội để người phụ nữ có tri thức, có óc sáng tạo, có khả năng làm thay đổi các quan hệ xã hội, làm thay đổi nhanh chóng nền kinh tế, nhưng cũng khiến phần đông chị em phụ nữ ngày càng tụt lại phía sau.

Phụ nữ yếu thế trước quá trình robot hóa

PGS.TS.Trương Thị Hiền nhận định: “Nguy cơ trước mắt chúng ta sẽ phải đối mặt là sự phát triển của CMCN 4.0 dẫn đến một số ngành nghề như thủy hải sản, may mặc, giày da… có thể bị thay thế bằng tự động hóa, robot hóa dẫn đến tình trạng mất việc làm cho đội ngũ lao động phổ thông mà phần lớn là lao động nữ. Trong khi đó, đối tượng này trình độ thấp nên rất khó để họ có thể tìm kiếm công việc mới”.

PGS.TS.Nguyễn Thị Vân Hạnh, Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết, báo cáo về công việc trong tương lai của Diễn đàn kinh tế thế giới đã đưa ra một dự báo không sáng sủa đối với thị trường lao động dành cho nữ giới. Theo đó, phụ nữ được cho là sẽ phải đối mặt với sự canh tranh không chỉ với nam giới mà còn với cả người máy, với trí tuệ nhân tạo.

Nhiều công ty đã có thể sản xuất những khối l­ợng hàng rất lớn mà không cần nhiều nhân công, trong nhiều lĩnh vực, công nghệ đã và đang thay thế dần nguồn nhân lực lao động. Điều này đã tạo ra những ảnh hưởng mạnh mẽ tới tầng lớp trung lưu trong lĩnh vực việc làm và thu nhập. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, đến năm 2020, sẽ có khoảng 7,1 triệu người bị mất việc làm do robot thay thế và phụ nữ sẽ là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Tại Việt Nam, ước tính của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy có đến 86% nhân công các ngành dệt may, giày dép có nguy cơ mất việc khi xu thế tự động hóa trong ngành ngày một gia tăng. Hiện nay, đã có nhiều công ty, nhà máy thay thế lao động con người bằng máy móc, robot. Chẳng hạn như một công ty gốm sứ đã tự động hoá dây chuyền sản xuất, giảm số lượng công nhân từ 400 còn 20 người; một công ty cổ phần sữa cũng khánh thành một “siêu nhà máy” sữa với rất ít công nhân và chỉ có hệ thống sản xuất tự động cùng với robot; hay một công ty cồ phần bột giặt và hóa chất, công ty bóng đèn và rất nhiều công ty khác cũng thay thế công nhân bâng robot khiến nhiều công nhân phải nghỉ việc.

Theo PGS.TS.Nguyễn Thị Vân Hạnh, những công việc được đề cập đến trong số những công việc có nguy cơ "biến mất" do sự thay thế của robot hầu hết là những công việc mà nữ giới đảm nhận nhiều; và trong tương lai, robot được xem là dễ tìm được việc làm hơn cả phụ nữ. Diễn đàn kinh tế thế giới ước tính khoảng 5% lượng công việc hành chính văn phòng sẽ giảm từ nay đến 2020 do sự xuất hiện của công nghệ hoá và robot, trong khi 3/4 số công việc này vốn được đảm nhận bởi nữ giới. Chính vì vậy, ngoài nguy cơ đối với thị trường lao động nói chung, nguy cơ đối với lao động nữ tồn tại hiện hữu một cách rõ rệt. Theo một công bố của Viện phân tích kinh tế không gian (Spatial Economic Analysis), nguy cơ bị mất việc do quá trình tự động hoá của phụ nữ cao gấp đôi nam giới.

Thực tế và những hạn chế hiện tại đang cho thấy rất nhiều phụ nữ không có kỹ năng mà những công việc trong tương lai đòi hỏi và đó là một trong những lý do khiến họ sẽ thua trong cuộc chiến cạnh tranh với nam giới và với cả robot trong tương lai. Bên cạnh đó, giáo dục là một trong những nhân tố mang tính quyết định đối với cơ hội tìm việc làm trong tương lai của thời đại công nghệ. Tuy nhiên, cơ hội giáo dục của phụ nữ và trẻ em gái trên phạm vi toàn cầu lại bị hạn chế hơn so với nam giới.

Đào tạo nguồn nhân lực nữ phải được xem như một yếu tố mũi nhọn quan trọng

PGS.TS.Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho rằng, trong đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng và làm chủ CMCN 4.0 thì vấn đề giới cần phải được lưu tâm hơn bao giờ hết. Đặc trưng của cuộc CMCN 4.0 gắn liền với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, một lĩnh vực thường được cho là dành cho nam giới. Như vậy, trong công cuộc này, nếu không có những lưu tâm về vấn đề loại bỏ những rào cản đối với sự tiếp cận của phụ nữ đối với khoa học công nghệ thì chỗ đứng của giới nữ trong cuộc cách mạng lần thứ tư này sẽ rất hạn hẹp.

Để đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0, cũng như định hướng phát triển trong giai đoạn tới, PGS.TS.Trương Thị Hiền khẳng định, việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực nữ phải được xem như một yếu tố mũi nhọn quan trọng, phải được xem xét, đổi mới căn bản toàn diện, cụ thể như phải đổi mới toàn diện trong công tác đào tạo, cả về nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, . . . chủ động đón đầu các xu thế, yêu cầu mới của thị trường lao động để đội ngũ lao động nữ có thể đáp ứng yêu cầu đào tạo trong bối cảnh mới. Đội ngũ trí thức nữ tham gia hoạt động giảng dạy phải chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực quản trị, trang bị ngoại ngữ, tin học; bồi dưỡng chuyên môn trên cả diện rộng và sâu; tích cực tham gia nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức, gắn nghiên cứu với hoạt động thực tiễn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động giảng dạy.

Cần phải đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu thị trường nhân lực lao động nữ, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp để có định hướng, kế hoạch chiến lược cụ thể trong đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt chú ý đến đào tạo đối tượng lao động nữ trong một số nghề có thể tiếp cận, đáp ứng thị trường lao động ở các n­ớc phát triển trong khối ASEAN và trên thế giới.

Ngoài ra, PGS.TS.Trương Thị Hiền đề nghị nên tăng cường các hoạt động giao lưu, hội thảo để phụ nữ có thể học tập lẫn nhau. Phải tìm tòi học hỏi trang bị kiến thức, nâng cao kỹ năng, giỏi về công nghệ thông tin để có thể đáp ứng tốt nhất những thay đổi hàng ngày hàng giờ mà cuộc CMCN 4.0 đang tác động lên toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lao động nữ trong thời đại robot
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO