Làng nghề làm ông Táo vào mùa tết

VŨ HÀO| 09/02/2018 10:42

KHPT - Bạn hẳn không xa lạ với phố cổ Bao Vinh ở Huế, một khu phố nhỏ một thời phồn thịnh, nay vẫn còn nét đài các xa xưa giống như Hội An. Phía tây phố cổ là cánh đồng làng Địa Linh, đất đai phì nhiêu, đặc biệt đất sét rất tốt để làm gạch, ngói và một món hàng không thể thiếu ngày tết: ông Táo. Làng nghề làm ông Táo ở đây tồn tại hàng trăm năm, hiện nay vẫn còn một số hộ giữ nghề, như một nét chấm phá truyền thống độc đáo đất cố đô.

Theo sách “Ô châu cận lục”, cái tên làng “Địa Linh” là do vua thấy đất tốt mà ban cho. Thời nhà Nguyễn đặt tại đây “Nê ngõa tượng cục”- chuyên làm gạch, ngói phục vụ việc xây dựng kinh thành, lăng tẩm, công thự triều Nguyễn... Về Địa Linh những ngày tháng chạp, sẽ thấy những sân phơi ông Táo đất, thu hút ánh nhìn hiếu kỳ của khách nước ngoài.

Do quan niệm coi trọng bộ tượng thờ ba ông Táo đất nung, hết một năm cũ, cần phải mua lại bộ mới, nên nghề làm ông Táo làng Địa Linh chưa mất đi, dù mưu sinh bằng nghề này bây giờ không đủ ăn tết thoải mái. Theo nhà nghiên cứu Huế Trần Đại Vinh, phong tục tập quán lâu đời của người Huế là coi trọng giá trị phong thủy của cái bếp, không kém gì bàn thờ tổ tiên và cái cửa ngõ. Cả ba yếu tố này nếu tốt đẹp, tổng hợp lại sẽ cấu thành sự hưng thịnh, may mắn, hạnh phúc cho mọi người trong gia đình. Dù khá giả hay nghèo khó, 23 tháng chạp hàng năm đều làm lễ nhỏ, lớn để cúng đưa ông Táo về trời. Đối với những gia đình kinh doanh, buôn bán thường tổ chức lễ cúng linh đình, cỗ bàn thịnh soạn.

Mâm cỗ cúng ông Táo của người Huế thường có một dĩa xôi trắng, miếng thịt nọng heo luộc, ít hoa quả, nếu nhà nào có trẻ con thì cúng thêm một con gà trống luộc nữa. Người Huế không bao giờ cúng cá chép vì “kiêng” (đa số đi chùa không ăn thịt cá chép) và những người thờ cúng tổ tiên thì lại tin sự tích cá chép hóa rồng, mà rồng là con vật linh thiêng, không được đụng đến.

Ra chợ Đông Ba, mua một bộ đồ giấy (hàng mã) cúng Táo quân gồm có hai cái mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà không có. Ba cái áo thụng màu sắc sặc sỡ và ba đôi hia, đặc biệt không có quần cho Táo ông. Vì vậy, trong các phim hài tết, diễn viên thủ vai ông Táo thường chỉ đội mũ cánh chuồn, mặc áo thụng, chân đi hia mà không mặc quần dài.

Sau khi lễ cúng hoàn tất, ba ông bà Táo cũ được chủ nhà đem bỏ ở một góc đình, miếu hoặc cây cổ thụ nào đó, nói chung là những nơi hẻo lánh ít người đến.

Sản phẩm ông Táo làng Địa Linh theo truyền thống có hai hình thức. Thứ nhất là ba ông Táo rời, kích cỡ lớn và tầm trung bình. Bộ cao lớn có thể dùng thay kiềng bắc xoong, nồi nấu nướng hàng ngày. Nông dân ưa chuộng loại này, tiện dụng để đun thổi bằng củi hay rơm rạ. Thứ hai là bộ ba ông Táo liền nhau, nhỏ cỡ bàn tay, để thờ mà thôi. Kiểu thức bộ ông táo Địa Linh vẫn trung thành với truyền thống ngày xưa. Bà Táo bao giờ cũng ở giữa, để nhận ra nhờ cái lỗ rốn sâu hơn cả. Thấy vui vui, tôi hỏi chuyện này, các gia đình làm ông Táo cũng không giải thích được, chỉ nói xưa bày nay làm...

Ông Táo chỉ bán được trong tháng chạp, nhưng phải làm từ những tháng hè, phơi nắng tốt. Để hoàn thành được một bức tượng ông Táo, đòi hỏi thực hiện nhiều công đoạn tỉ mỉ. Thông thường, công đoạn nhồi đất sét cho mịn nặng nhọc nhất, sau khi đúc khuôn phơi một nắng, các ông Táo được đưa vào lò nung từ 1 đến 2 ngày đêm. Cuối cùng là công đoạn tô, vẽ cho tượng, phụ nữ và trẻ em làm được.

vov_11_VTSI

Phơi thành phẩm ông Táo - Ảnh: T.L

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng nghề làm ông Táo vào mùa tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO