Lẩn khuất giữa làng tái định cư

VỸ PHƯỢNG| 25/04/2020 14:22

KHPTO - Dù được Nhà nước bố trí cho vào ở trong các khu tái định cư vàm Lung Ranh, Hương Mai, khu dân cư xen ghép xã Khánh Hội (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) để an cư, nhưng rất nhiều hộ dân tại đây muốn rời các khu này để tìm công việc ở các nhà máy, xí nghiệp. Trong khi đó, một số hộ dân khác muốn được giải quyết việc làm ngay trên quê hương để ổn định cuộc sống.

Chuyện u sầu ở U Minh

Một chiều cuối tháng 3, trong tiết trời oi ả, nắng như đổ lửa, tôi tìm đến khu tái định cư vàm Lung Ranh (xã Khánh Hội).

Xuất hiện tại một nơi chỉ có vài chục nóc nhà, nên hầu như ai cũng nhận ra tôi là người lạ.

Chưa vội hỏi thăm ai, theo thói quen nghề nghiệp, tôi lấy máy ảnh để nghi lại cảnh sinh hoạt đời thường của khu này.

Tôi tiếp cận một nhóm phụ nữ đang trò chuyện rôm rả.

Khi biết tôi đến đây với thiện chí “phản ánh ý chí, nguyện vọng của người dân”, nhóm phụ nữ đón tiếp tôi rất niềm nở.

Sau khi tìm hiểu hàng chục hoàn cảnh gia đình, tôi đã có thể phát họa bức tranh cho nơi này với gam màu tối, bởi cơ hội để họ “đổi đời” còn khá xa vời.

Chị Lê Thị Dung bị mắc chứng bệnh “lạ”, toàn thân run rẩy, không thể lao động nặng nhọc. Éo éo le hơn, chị không có nhà để ở. Chị đang tá túc dưới một nóc nhà vắng chủ trong khu tái định cư vàm Lung Ranh.

Chị kể: “Trước kia, hai vợ chồng tôi dựng tạm căn chòi trên đất của dự án đê biển tây để ở, rồi căn chòi đã bị cơn bão lớn đánh sập.

Bị căn bệnh quái ác hành hạ đau triền miên, lại không làm ra tiền, chồng chán nên bỏ tôi.

Ở tạm trong khu tái định cư, tôi đi nhặt ve chai, mỗi ngày kiếm được 10 ngàn đồng mua cái trứng, con cá... rồi trồng thêm rau trên đất nhiễm phèn, mặn để sống qua ngày.

Có bệnh trong người, nhưng tôi không có tiền để mua thuốc ngoài danh mục bảo hiểm, đành uống thuốc Nam của nhà từ thiện cho”.

Chị Lê Thị Dung nhặt ve chai

Không khác chị Dung, bà Vân (bà không nhớ tên đầy đủ của mình - PV) cũng có số phận khá hẩm hiu.

Bà Vân hàng ngày đi lượm ve chai, ai kêu gì làm nấy, kể cả đào đất, đắp mương, làm cỏ để kiếm mỗi ngày từ 50 - 70 ngàn đồng nuôi hai đứa cháu (bị mẹ bỏ rơi sau khi cha đi lấy vợ khác) đang tuổi ăn học và người chồng đã mất sức.

Bà đã 66 tuổi nhưng vẫn phải vắt kiệt sức lực, lao động đến mức mồ hôi không kịp khô để kiếm sống qua ngày.

Với chị Trần Ngọc Ảnh, nếu nhìn bề nổi sẽ tưởng rằng cuộc đời của chị tươi sáng hơn vì có cửa hàng tạp hóa, nhưng chị cũng rơi vào hoàn cảnh éo le như những hộ ở đây.

Chị thở dài và kể với khuôn mặt trầm buồn: “Tui mở cửa hàng nhưng bán buôn ế ẩm, chẳng có khách. 

Cả khu tái định cư chỉ có 43 nóc nhà nhưng có đến 6 cửa hàng tạp hóa, thành ra người bán nhiều hơn người mua.

Thu nhập từ hàng quán một ngày bình khoảng 100 ngàn đồng, không đủ nuôi 3 con thơ.

Chồng lại bỏ đi lấy vợ khác, tôi đành bươn chải làm đủ nghề: chạy xe ôm, làm cá khô.

Thế nhưng vẫn bị âm tiền hàng, do con tôi bị ung thư máu bẩm sinh, mỗi tháng phải chi từ 3 - 4 triệu đồng để truyền máu.

Buôn bán ế ẩm, lại chi nhiều hơn thu nên khoản nợ 36 triệu đồng vay của Ngân hàng chính sách xã hội tôi vẫn chưa trả được, cộng các khoản nợ chữa bệnh cho con cũng lên đến hơn 300 trăm triệu đồng.

Cuộc sống bế tắc, nhiều lúc nghỉ quẫn, tôi muốn kết liễu cuộc đời nhưng nghĩ tới 3 con thơ còn nhỏ nên tôi sống tiếp.

Bí bách quá, nhiều khi tôi muốn bỏ nhà cửa, đi Bình Dương làm công nhân để có thu nhập ổn định nuôi con. Con nhỏ không ai chăm, tôi đành bỏ ý định đi lập nghiệp xa”.

Người dân sống ở khu tái định cư vàm Lung Ranh chẳng những không có việc làm để mưu sinh, ngay cả các nhu cầu thiết yếu cũng chưa được đáp ứng.

Trước tình cảnh đó, người dân đành sử dụng nước giếng khoan nhiễm phèn, mặn, mua nước đóng bình để uống; cho con đi học ở những ngôi trường xa, đi chợ hơn 8 cây số; nơi khám chữa bệnh cũng vậy.

Điều đáng nói là không có sân chơi, lại không được đến trường nên một bộ phận trẻ em “sinh tật” đánh bài, chơi game.

Công trình nước sạch hư hỏng không có kinh phí để sữa chữa

Trường học không đủ trẻ để tổ chức lớp, phải đóng cửa!

Người ở trong khu tái định cư vàm Lung Ranh ví nơi đây là “khu tàn phế”. Mặc dù họ lành lặn nhưng không có việc để làm nên tự cho là những “phế nhân”.

Ngoài ra, các cơ sở hạ tầng thiết yếu có cũng như không. Nhiều nóc nhà vắng chủ cũng thành nơi hoang phế.

Hệ quả là một bộ phận phụ nữ, đàn ông nhàn cư đã quen dần với các thú vui thiếu lành mạnh, như bài bạc, nhậu nhẹt hoặc sống trong tâm trạng chán chường, thiếu ý chí phấn đấu.

Người lớn thất nghiệp với các hoạt động thiếu lành mạnh

Vì sao an cư nhưng chưa lạc nghiệp?

Rời khu tái định cư vàm Lung Ranh với tâm trạng nặng trĩu, tôi tìm đến UBND huyện U Minh với hy vọng chính quyền sẽ làm gì đó để giúp dân “lạc nghiệp”.

Qua trao đổi với phó phòng Nông nghiệp, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện U Minh Đỗ Thanh Dân, được biết, huyện U Minh có 3 khu tái định cư, gồm: Hương Mai, vàm Lung Ranh và khu dân cư xen ghép xã Khánh Hội.

Các khu này có trên 500 nền nhà, đủ bố trí tái định cư cho người nghèo, gia đình chính sách, các hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ không còn đất do nhà nước thu hồi để làm dự án, hộ không có đất sản xuất, không còn chỗ ở và bộ đội phục viên.

Tuy nhiên, đến nay số hộ được bố trí tại 3 khu này vẫn chưa kín, mới khoảng 161 hộ.

Số hộ chưa được bố trí chủ yếu thuộc đối tượng di dời khẩn cấp đang sống ven đê biển Tây (thuộc đất dự án).

Để bố trí tái định cư cho những hộ này, huyện U Minh tiếp tục vận động di dời vào nơi an toàn.

Tuy nhiên, có một thực tế, là khi vận động những hộ này vào khu tái định cư, họ có nhiều yêu sách vô lý! Hoặc biết ở trên đất này rất nguy hiểm nhưng họ vẫn chưa đi vì liên quan đến tài sản, nghề nghiệp.

Lý giải về những tồn tại của các khu tái định cư, ông Dân cho rằng, do dân cư không tập trung được; người làm nghề có tâm lý buồn chán, không có thù lao; công trình cấp nước hoạt động không thường xuyên do vùng đất ven biển xốp, cơ cấu đất nhẹ, bị sụt lún nên ống bị hư... nhưng không có kinh phí để bảo trì, lâu dần xuống cấp, hư hỏng nặng hơn; nhà trẻ ban đầu dự kiến 100 trẻ nhưng thực tế không có đủ trẻ để tổ chức lớp; chợ cũng không có người họp.

Mặt khác, khi bố trí tái định cư, địa phương có hỗ trợ đào tạo nghề. Tuy nhiên, do đào tạo ngành nghề chưa phù hợp, nên người dân vẫn làm nghề cũ; một số thì làm nghề khô, gỡ lưới mướn. Số khác tìm đến các công ty, xí nghiệp ở các thành phố lớn để làm công nhân, để lại người già, trẻ em ở nhà, hoặc để nhà hoang.

Mặc dù các khu tái định cư chủ yếu nằm cạnh biển nhưng không phải ai cũng làm được nghề biển.

Một trong số những ngôi nhà bỏ hoang

Trước nghịch lý "người được bố trí ở tái định cư mà không ở", huyện có chủ trương sẽ thu hồi theo quy định của luật đất đai nếu để trống đất trên 24 tháng, đồng thời, giao đất lại cho những hộ thật sự có nhu cầu, để tránh lãnh phí.

Theo nguồn tin riêng mà chúng tôi có được, để các dự án tái định cư triển khai có hiệu quả, UBND tỉnh Cà Mau giao cho cơ quan chuyên môn rà soát lại các dự án tái định cư; trong đó, báo cáo đánh giá cụ thể đối với từng dự án, công trình, bao gồm: số hộ theo quy hoạch, số hộ đã bố trí, số hộ chưa được bố trí tái định cư, các hạng mục cần tiếp tục đầu tư (hoặc dừng đầu tư) để điều chỉnh dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lẩn khuất giữa làng tái định cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO