Lần đầu tiên ở Việt Nam: Lan gieo hạt nở hoa trong ống nghiệm

28/09/2007 15:35

Công ty Long Đỉnh (TP.HCM) đã cho một loài lan rừng nở hoa trong ống nghiệm, điều đáng chú ý là cây lan nở trong ống nghiệm không phải nuôi cấy mô (cấy đỉnh sinh trưởng) mà là cây gieo từ hạt. Đây là hiện tượng mới, được xem là đầu tiên tại Việt Nam và thuộc dạng hiếm trên thế giới.

Bất ngờ lan gieo hạt

Thành công bất ngờ này đã gây nhiều chú ý cho các nhà nuôi cấy mô thực vật, các nhà nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong di truyền, lai tạo và nhân giống. Nhiều cây phong lan gieo hạt của loài Coelogyne sp. nguồn gốc từ rừng miền đông Nam bộ (gieo từ tháng 12 năm 2006 tại phòng công nghệ sinh học của Công ty Long Đỉnh) đến nay đã cho ra hoa trong ống nghiệm. Hoa nở lớn không “èo uột”, hoa hoàn chỉnh và nở kéo dài hơn 20 ngày trong điều kiện nuôi cấy. Đây là vấn đề rất đáng được quan tâm.

Thông thường việc tách rời một nhánh, một khối mô hay nhỏ hơn là một tế bào từ một cây mẹ, tuổi các bộ phận này sẽ bằng tuổi cây mẹ. Như vậy, cây hình thành từ cành chiết, từ mô cấy đều có tuổi sinh lý bằng cây cho ra chúng. Khi sinh trưởng, nếu các cây con này đủ sức, khả năng cho hoa của chúng sẽ rất sớm.

Còn tuổi trưởng thành của cây gieo hạt được tính từ thời điểm hạt nảy mầm, khi cây con bắt đầu bước vào tuổi đầu tiên. Trong tự nhiên, thời gian trưởng thành của những cây gieo hạt thường rất dài, nhất là đối với phong lan, có những giống phải cần đến vài năm nuôi trồng sau gieo hạt trong phòng, cần điều kiện tốt để trưởng thành mới cho hoa. Ví dụ, lan Dendrobium khoảng 18 - 24 tháng, Mokara 24 - 28 tháng, Vanda, Cattleya, Cymbidium, … có thể đến vài năm. Về mặt di truyền, việc ra hoa được điều khiển bởi gen / tổ hợp nhiều gen trong DNA quy định. Khi điều kiện ngoại cảnh thích hợp, gen sẽ hoạt động và kết quả là cây ra hoa.

Bà Lê Thúy Anh, giám đốc Công ty Long Đỉnh cho biết, trong điều kiện nghiên cứu của công ty, cây Coelogyne sp. đã nở hoa từ cây gieo hạt in vitro. Không chỉ một cá thể lan rừng mà còn nhiều cây khác nữa, khoảng 8 - 12 hộp cấy (theo dõi đến tháng 9). Biểu hiện ra hoa từ cây gieo hạt cũng đã xuất hiện trên một vài giống lan Dendrobium do công ty lai tạo. Có nhiều hoa lớn hơn cả cây, hoa hoàn chỉnh, không tì vết, biến dạng. Màu sắc và hình thái tương tự hoa của cây mẹ. Cây được nuôi trong điều kiện ánh sáng và nhiệt độ phòng tại TP.HCM. Thời gian từ lúc hạt nảy mầm đến khi ra hoa là 8 tháng. Theo các nhà khoa học, cho đến thời điểm hiện nay, hiện tượng lan gieo hạt ra hoa trong ống nghiệm (khác lan cấy mô) được coi là đầu tiên ở Việt Nam và thuộc “dạng hiếm” trên thế giới.

Mở ra triển vọng

Theo KS. Hoàng Quý Châu, người cho lan gieo hạt nở hoa, nếu kiểm soát được việc ra hoa của cây gieo hạt in vitro sẽ có nhiều ứng dụng trong tương lai. Về mặt di truyền, khả năng mở bộ gen điều khiển ra hoa trên thực vật nuôi cấy in vitro giúp cho việc lai tạo, chọn lọc và nhân giống thực vật trở nên dễ dàng, tiết kiệm thời gian; tìm kiếm khả năng mở bộ gen về số lượng hoa và màu sắc hoa dễ dàng hơn. Ra hoa từ cây gieo hạt giúp bỏ qua bước kiểm tra DNA trong tổ hợp lai (để phỏng đoán đặc tính hoa của thực vật). Nhất là đối với các loài phong lan, bộ gen của chúng rất phức tạp mà khả năng sử dụng phương pháp phân tích DNA rất tốn kém.

Trong công nghệ sinh học, ứng dụng này giúp dễ kiểm tra hình dạng, màu sắc và cấu tạo hoa in vitro và kiểm tra sớm những biến dị độc đáo của thực vật. Từ đó, việc tuyển chọn giống có thể tiến hành ngay ở công đoạn in vitro, không chờ đến việc nở hoa thực nghiệm (trồng mỗi giống lai 100 cây hoặc nhiều hơn đến khi ra hoa để theo dõi khả năng ra hoa và đặc tính của hoa). Tiềm năng này sẽ thúc đẩy nhanh việc tạo ra nhiều giống hoa với số lượng phong phú trong thời gian ngắn nhất, nhiều sản phẩm công nghệ sinh học thực vật độc đáo; tiết kiệm rất lớn về thời gian, nhân lực, vật lực trong việc tuyển chọn và nhân giống. O

Yếu tố để cây ra hoa

Trong cơ thể cây, yếu tố nội sinh (endogenous) được điều khiển bằng chương trình di truyền, quyết định sự ra hoa. Các yếu tố nội sinh được vắn tắt như sau: độ trưởng thành của cây (trong điều kiện sinh trưởng tốt); các yếu tố điều hòa sinh trưởng cần cho việc ra hoa như auxin, gibberellin, cytokinin, v.v.. giúp cây tạo mầm và tích lũy đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho sự ra hoa (tại lá hoặc tại thân). Bên cạnh đó yếu tố ngoại sinh (exogenous) cũng góp phần đáng kể. Yếu tố ngoại sinh bao gồm: thời tiết (ánh sáng, ẩm độ, nhiệt độ); phân bón (chủ yếu là phosphat, hoặc tỷ lệ thích hợp N/P/K); chất kích thích từ bên ngoài (pactobutrazol, KNO3,v.v..).Thông thường các yếu tố ngoại sinh tham gia kích thích hình thành các yếu tố nội sinh để thúc đẩy cây ra hoa. Nếu chỉ tác động bằng yếu tố ngoại sinh khi cây chưa trưởng thành thì cây có thể ra hoa nhưng thường hoa không nhiều, hoa thường không đạt (ra hoa ép), dễ rụng, mau tàn.... Ngược lại, khi yếu tố nội sinh đầy đủ, cây thường ra hoa tốt hơn. Có một số loài thực vật, việc ra hoa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lần đầu tiên ở Việt Nam: Lan gieo hạt nở hoa trong ống nghiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO