Lần đầu tiên hội nghị thanh tra nội bộ đại học được tổ chức không phân biệt trường công - trường tư

NHƯ QUỲNH| 12/12/2020 16:50

KHPTO - Mới đây, tại Thái Nguyên, Bộ giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị công tác thanh tra nội bộ các cơ sở giáo dục đại học. Đây là lần đầu tiên Hội nghị công tác thanh tra nội bộ các cơ sở giáo dục đại học được tổ chức trong toàn khối đại học, không phân biệt trường công - trường tư, trường thuộc và không thuộc Bộ GD&ĐT.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc tổ chức hội nghị công tác thanh tra nội bộ cho toàn khối giáo dục đại học, không phân biệt trường công - trường tư. Bởi lẽ, tất cả cơ sở giáo dục đại học đều thực hiện chung sứ mệnh là chăm lo cho hoạt động giáo dục đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Do đó, khi các cơ sở cùng đồng hành thực hiện tốt các nhiệm vụ thì giáo dục đại học của quốc gia mới “đi nhanh”, tiến xa, hiệu quả và chất lượng.

Theo thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, trong bối cảnh tự chủ đại học với nhiều điểm mới, các cơ sở giáo dục đại học được giao quyền tự chủ toàn diện, do vậy việc có một bộ máy chuyên trách trong cơ sở giáo dục đại học để làm công tác thanh tra nội bộ là vô cùng cần thiết. Lãnh đạo các trường nâng cao nhận thức, xác định rõ ý nghĩa, vai trò, mục đích của công tác thanh tra; tạo được động lực và điều kiện để hoạt động thanh tra trong cơ sở giáo dục đại học phát huy hiệu quả, chất lượng. Các kết luận thanh tra, kiểm tra do lãnh đạo nhà trường ban hành cần “thấu tình đạt lý”. Song song với đó, cần chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra đảm bảo đạt được đúng mục đích, ý nghĩa.

Báo cáo thực hiện công tác thanh tra nội bộ của 123 trường đại học (39 trường trực thuộc bộ, 84 trường trực thuộc các bộ, ngành, địa phương và ngoài công lập) cho thấy công tác thanh tra nội bộ thời gian qua đã được quan tâm. Các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT đều ban hành kế hoạch công tác thanh tra theo năm học, thực hiện nghiêm túc việc báo cáo số liệu về xây dựng kế hoạch khi được yêu cầu.

Các đại học và nhiều trường đại học đã quan tâm xây dựng bộ máy, đội ngũ thanh tra theo đúng cơ cấu, mô hình của đơn vị. Cấp đại học có ban thanh tra, cấp đơn vị thành viên (cấp trường) có phòng thanh tra - pháp chế, một số đơn vị lập bộ phận hoặc cử cán bộ phụ trách công tác thanh tra.

Đơn vị giáo dục đại học trực thuộc bộ, ngành, địa phương và ngoài công lập cũng từng bước kiện toàn hệ thống phòng, ban thanh tra trong cơ sở. Hoạt động thanh tra, kiểm tra bước đầu đi vào nề nếp, góp phần giúp các trường ổn định, kiểm soát chất lượng đào tạo, quy chế hoạt động, đào tạo, chế độ cán bộ công chức, viên chức.

Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết, việc thành lập phòng thanh tra trong các cơ sở giáo dục đại học chưa thống nhất, còn bất cập. Có nơi có phòng thanh tra, có nơi thanh tra gắn với pháp chế hoặc các nhiệm vụ chuyên môn khác. Điều này làm mất đi tính độc lập, thiếu khách quan trong hoạt động thanh tra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lần đầu tiên hội nghị thanh tra nội bộ đại học được tổ chức không phân biệt trường công - trường tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO