Làm thí sinh tự do: Không dễ chút nào!

NHƯ QUỲNH| 14/05/2010 09:44

Nhiều học sinh không thi đậu tốt nghiệp THPT năm trước tìm về trường cũ xin đăng ký thi tốt nghiệp với tư cách là thí sinh tự do. Quy chế cho phép như thế, nhưng ở nhiều nơi, cánh cổng trường cũ khép lại với các em đơn giản chỉ vì bệnh thành tích của nhà trường.<_o3a_p>

Hàng năm, vào khoảng cuối năm học, nhiều học sinh không thi đậu tốt nghiệp THPT năm trước tìm về trường cũ xin đăng ký thi tốt nghiệp với tư cách là thí sinh tự do. Một việc tưởng như không khó vì Bộ giáo dục và đào tạo cho phép học sinh được quyền như thế, nhưng thực tế không dễ chút nào. Theo chị Lê Thị Ngọc Nhẫn, học viên cao học quản lý giáo dục, Trường đại học sư phạm TP.HCM, cánh cổng trường cũ khép lại với các em đơn giản chỉ vì bệnh thành tích của thầy cô.

Chị Lê Thị Ngọc Nhẫn cho biết: “Bản thân cũng là một giáo viên THPT nên tôi hiểu rất rõ “nỗi khổ” của hiệu trưởng. Bao nhiêu thành tích của nhà trường đạt được trong suốt năm học có thể bị “đổ sông, đổ biển” nếu tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT thấp. Vì thế, nhà trường phải làm mọi cách để đảm bảo đạt tỷ lệ cao. Nếu không đứng được trong “top ten” của tỉnh thì ít nhất cũng phải cao hơn tỷ lệ bình quân. Như thế thì mới hy vọng được xem xét trao tặng danh hiệu trường tiên tiến”.

Để đảm bảo thành tích trong kỳ thi tốt nghiệp, hiệu trưởng áp dụng nhiều biện pháp khác nhau: tích cực cũng có, tiêu cực cũng có. Những biện pháp tiêu cực như cho các em học sinh yếu chuyển trường, xếp lịch học quá tải, dạy qua loa cho xong chương trình các môn không thi tốt nghiệp, kết thúc sớm các môn phụ để dành thời gian cho các môn thi chính…

Một biện pháp tiêu cực khác mà hiệu trưởng cũng thường làm để giữ vững thành tích là từ chối khéo các em học sinh cũ muốn đăng ký là thí sinh tự do tại hội đồng thi của trường. Nhiều hiệu trưởng làm như thế bởi vì theo quy định của sở, việc thi đậu hay thi rớt của các em thí sinh tự do cũng được tính chung vào tỷ lệ tốt nghiệp của trường.

Dưới mắt nhìn của nhiều hiệu trưởng, các em này là đối tượng có nguy cơ thi rớt nhiều hơn thi đậu. Vì thế, họ chọn giải pháp là từ chối khéo hoặc khuyên các em đăng ký dự thi tại các trung tâm giáo dục thường xuyên với lý do thi hệ bổ túc sẽ dễ đậu hơn. Một lời khuyên nghe có vẻ như là quan tâm đến các em học sinh, nhưng thực chất là sợ các em làm giảm tỷ lệ tốt nghiệp THPT của nhà trường.

Chị Lê Thị Ngọc Nhẫn cho rằng, các nhà quản lý trường học là những người hiểu rõ quy định thì cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định chung của ngành, phải đặt quyền lợi của các em học sinh lên trên hết, đúng với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Hiệu trưởng nên nghĩ đến những biện pháp tích cực để vươn tới những thành tích chân chính, thay vì từ chối quyền được làm thí sinh tự do của các em học sinh chẳng may không vượt qua kỳ thi tốt nghiệp trước đó.

Để giúp các em tự tin hơn trong kỳ thi mới và cũng để giúp cho nhà trường đạt được thành tích tốt, hiệu trưởng nên tạo điều kiện cho các em tham gia các lớp ôn tập. Nếu được thầy cô hướng dẫn ôn tập tận tình, cùng với quyết tâm không để nếm trải thất bại thêm lần nữa, các em thí sinh tự do sẽ có nhiều cơ hội vượt qua kỳ thi để có được tấm bằng tốt nghiệp sau hơn mười hai năm đèn sách.

NHƯ QUỲNHghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm thí sinh tự do: Không dễ chút nào!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO