Làm sao tạo dáng cây bonsai đẹp?

PHƯƠNG DUY| 06/07/2019 08:25

KHPTO - Theo nghệ nhân Bảy Thiên (Lê Văn Thiên, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, Bến Tre), để bắt tay tạo dáng cây bonsai cần sự kiên nhẫn. Đầu tiên là chọn cây để tạo dáng bonsai, rất nhiều loại cây ngoài thiên nhiên có thể tạo thành bonsai, thông thường người ta hay chọn nguyệt quới, tùng, linh sam, sung, mai chiếu thủy, bông trang, bùm sụm, khế...

Ưu tiên chọn loại cây có tuổi thọ cao, dễ sống và thích nghi trồng chậu, cây có hoa tăng thêm nét đẹp. Bước đầu là quan sát kỹ cây nguyên liệu mình đang có xem nó phù hợp dáng nào (dáng trực, dáng bay, thác đổ, phụ tử...). Đây là việc quan trọng trước khi dùng “dao, kéo’’. Người bắt đầu chơi bonsai cần có bộ dụng cụ dao, kéo, kềm, búa, đục, khoan (mua khoan sử dụng pin sạc), dây kẽm, dây dẻo uốn cành, sơn, bình phun, thùng tưới...

Lưu ý, mỗi loại cây có đặc điểm mềm dẻo khác nhau. Do đó, không phải cành nào cũng uốn cong theo ý muốn. Đặc biệt là với những nhánh cây lớn hoặc dễ gãy. Vì vậy, nên bắt đầu bằng việc uốn nhẹ ở mức độ nào đó, sau đó uốn tiếp theo. Với những cành cây lớn, dễ gãy, nếu cố sức uốn thì cần phải làm cẩn thận và chậm rãi. Công cụ hỗ trợ cho quá trình uốn là dây dẻo (có quấn vải), đầu tiên là quấn vòng tròn dây dẻo cho cành định uốn cong. Phải cẩn thận, làm từ từ, không nóng vội dễ làm hư hỏng.

Theo nghệ nhân Bảy Thiên, nhìn cây không nên uốn vội mà ngắm tỉ mỉ từng đường nét, thế dáng, nếu chưa rành có thể tham khảo người có kinh nghiệm, không khéo làm mất dáng đẹp của cây vốn có. Lưu ý, sửa thân chính trước, đặt nó ở tư thế đẹp nhất rồi mới tiến hành sửa cành chính, cành lớn trước, tiếp theo là uốn những cành nhỏ tẻ, làm từ gốc đến ngọn, vừa làm vừa quan sát thế dáng để điều chỉnh, cắt tỉa hài hòa, trau chuốt từng cành. Tiến hành từ gốc lên đến ngọn.

Khi quấn dây uốn, chú ý quấn vừa, không quá ôm chặt hay quá lỏng, uốn cành từ từ theo lực đẩy của tay, làm sao khi buông tay ra, cành cây vẫn giữ nét uốn theo ý muốn là được. Với những thân cứng khó uốn dẻo nên tạo những gấp khúc, đẩy góc hơi mạnh tay (hơi rạn da) để khi tháo dây không bị trả lại thế ban đầu. Thời gian tháo dây sau uốn khoảng 3 - 4 tháng tùy cành và loại cây, cành lớn thời gian uốn mất 12 tháng. Nên chọn thời điểm cây bung cành, phát triển mạnh thì uốn, thường vào đầu mùa mưa hoặc mùa xuân. Không uốn cành quá non, tỉa cành, lá tẻ gọn gàng hoặc lảy bớt lá khi uốn. Trong quá trình tạo dáng bonsai có thể cưa, cắt phần thừa... để đảm bảo vết thẹo không bị khoét sâu làm ảnh hưởng đến thân chính, nên quét sơn trên bề mặt hoặc bọc giấy bạc.

“Biến trẻ thành già” là bước quan trọng khi tạo dáng bonsai, tìm cách hãm sự phát triển của cây, ức chế sinh trưởng, biến thế cây thành dáng cổ cùng với đường nét thời gian trên thân. Lưu ý không bón nhiều phân đạm, đảm bảo mức cây vừa đủ, tưới phân hữu cơ, sinh học giữ màu xanh mướt cho lá, kết hợp bón vôi, kali ức chế sinh trưởng, không tưới nhiều nước, duy trì độ ẩm cho cây đủ sống, kéo dài khô hạn để cây sinh trưởng chậm, lá nhỏ lại, thân cây sù sì... biểu hiện già nua thì sẽ đạt thế bonsai cổ đẹp mắt. Chú ý tỉa, tạo dáng cho bộ rễ chứ không để rối rắm mất trật tự. Lưu ý trong tạo dáng cây bonsai đẹp là không để cành đan chéo vào nhau, cành song song, cong tròn, dính nhập, che mất thân chính... mà tạo cành lệch nhau, dưới lớn, trên nhỏ dần theo ngọn, thanh nhã và thông thoáng. Có nhiều cách tạo tán cây bonsai đẹp mà người chơi có cái nhìn theo ý tưởng của riêng mình hoặc theo trường phái, quan điểm riêng nhưng vẫn tạo nên nét đẹp, duyên dáng của cây bonsai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm sao tạo dáng cây bonsai đẹp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO