Làm sao biết trẻ bị khiếm thính

06/01/2006 15:35

Tai được hình thành và phát triển hoàn chỉnh từ tháng thứ 6 của bào thai. Đến khi sinh ra dù nghe bình thường hay khiếm thính hoàn toàn vào 3 - 4 tháng tuổi, trẻ vẫn phát ra các âm bập bẹ. Trẻ có thính giác bình thường phát ra những âm ơ a ngẫu nhiên. Sau nhiều lần nghe âm thanh và tiếng nói của những người xung quanh, trẻ tự chỉnh sửa và bắt đầu lặp lại được các từ dễ nhất. Cứ như thế ngôn ngữ được hình thành theo chu kỳ nghe - phát âm.

Gắn máy trợ thính cho một bé gái câm điếc

Trẻ khiếm thính nặng không nghe được các âm tự mình phát ra và các âm xung quanh mình. Nếu không phát hiện và can thiệp kịp thời thì sau vài tháng, tiếng bập bẹ nghèo dần và mất hẳn. Nếu trẻ khiếm thính đã im lặng trong thời gian dài thì sau đó khó làm cháu phát âm trở lại. Vì vậy một trong những nhiệm vụ phục hồi chức năng là duy trì và khuyến khích trẻ phát âm từ lúc còn rất nhỏ.

Khiếm thính nặng không những có hậu quả xấu lên sự hình thành và phát triển tiếng nói mà còn ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, tình cảm, tính nết của trẻ. Trẻ khiếm thính nặng bị ngăn cách với thế giới bên ngoài vì không nghe được và nói được. Do thiếu giao tiếp nên trẻ bị cô lập với thế giới bên ngoài và sẽ dẫn tới những rối loạn về tâm lý, thiếu quan hệ xã hội, kiến thức nghèo nàn về thế giới bên ngoài. Mỗi trẻ khiếm thính phản ứng một cách khác nhau: cáu kỉnh, gây gổ, hay lãnh đạm thờ ơ, tính khí thất thường. Tình hình sẽ nặng nề thêm nếu cách xử sự của gia đình không đúng cách, như quá thương cảm nuông chiều hay ghét bỏ, lạnh nhạt. Điếc càng nặng và xảy ra càng sớm thì hậu quả càng nghiêm trọng.

Việc phát hiện và can thiệp sớm đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm bớt tác hại do thiếu hụt thính giác gây ra, giúp trẻ hòa nhập với cộng đồng tốt hơn. Xây dựng quy trình khám tầm soát, theo dõi, kiểm tra, thử phản ứng thính giác cho trẻ ngay từ khi mới sinh là đề tài nghiên cứu của BS CKII. Nguyễn Thị Bích Thủy - Bệnh viện Tai - mũi - họng TP.HCM. Để thực hiện đề tài này chị và cộng sự đã thực hành trên 1.036 trẻ sơ sinh (sau sinh từ 8 đến 277 giờ) tại bệnh viện Hùng Vương.

Trước khi thử trẻ sẽ được khám toàn thân tìm dị tật bẩm sinh, khám tai mũi họng. Phòng thử là một căn phòng yên tĩnh không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn giao thông và tiếng người nói. Các bé sẽ được kiểm tra hoạt động của tai bằng máy đo âm nền, máy đo âm ốc tai, máy đo điện thính giác thân não. Sau đó đo âm nền phòng thử, đặt máy đo cường độ âm gần tai thử của bé để xác định âm nền và cường độ âm của test giọng nói. Tiếp theo là thử bằng giọng nói: Bé vừa ngủ chưa sâu, người thử phát vào tai bé bằng một giọng bình thường âm “A” cách tai bé 1 m, kéo dài khoảng 2 giây với cường độ 60 - 70 dB. Quan sát phản ứng của bé và ghi nhận lại. Khi bé bắt đầu ngủ lại, tiếp tục lần lượt thử các âm còn lại. Tiếp đến thử bằng âm trống chuông: lần lượt gõ trống và chuông cách tai bé 1m, gõ nhẹ sao cho âm phát ra khoảng 60 - 70 dB. Việc đo âm ốc tai được thực hiện khi bé ngủ. Còn điện thính giác thân não sẽ được thực hiện khi bé ngủ sâu.

Nếu nghe tốt, bé sẽ có phản xạ như chớp mắt, vặn mình, giật mình, ngọ nguậy chân tay. Trẻ bị nghi ngờ khiếm thính khi trẻ không có phản xạ, hoặc phản xạ không rõ ràng.

Qua quy trình khám tầm soát trên, nhóm nghiên cứu đã phát hiện đượctỉ lệ trẻ bị khiếm thính hiện nay ở TP.HCM là 0,1%, có nghĩa là cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có 1 trẻ bị khiếm thính từ nhẹ đến nặng, tỉ lệ này theo đánh giá của giới chuyên khoa là cao gấp 4 lần so với thế giới.Kết quả này đáng để các bậc cha mẹ và ngành y tế quan tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm sao biết trẻ bị khiếm thính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO