Lạm phát kiến trúc sư?

07/12/2007 15:03

Hiện nay các cơ sở đào tạo kiến trúc sư (KTS) trong cả nước có số lượng tuyển sinh hàng năm từ 2.500 đến 3.000 sinh viên; khoảng 2.000 đến 2.500 KTS tốt nghiệp từ các cơ sở đó mỗi năm. Theo đánh giá của PGS.TS. Trần Bút, Trường đại học kiến trúc TP.HCM, Việt Nam là nước có số lượng KTS được đào tạo thuộc loại nhiều nhất thế giới. Nhưng chương trình và phương pháp đào tạo cho đến nay vẫn là của năm 1961 - quá lạc hậu! Kiến trúc sư mới ra trường không đáp ứng được nhu cầu xã hội. Nhiều giảng viên đề nghị nên đào tạo cử nhân kiến trúc với thời gian 4 năm, sinh viên ra trường làm việc thực tế và sau đó quay lại trường để thi lấy bằng kiến trúc sư.

Lượng nhiều nhưng chất chưa cao

Theo đánh giá của ThS. Nguyễn Bích Hoàn, chủ nhiệm bộ môn lý luận và lịch sử kiến trúc, Đại học kiến trúc TP.HCM, so với yêu cầu thực tế hiện nay, nội dung chương trình của các trường đại học còn lạc hậu do chậm đổi mới và hiện đại hóa. Chẳng hạn, giáo trình tham khảo về cấu tạo kiến trúc hiện nay đa số vẫn là về xây gạch, đá, vữa xi măng, bê tông, gỗ dán, thép hình... Nội dung chương trình này không cập nhật kịp với các kỹ thuật mới, thiếu vắng rất nhiều kỹ thuật ngày nay đòi hỏi kiến trúc sư (KTS) phải am hiểu tường tận như kỹ thuật bảo vệ, các hệ thống điều hòa, thông gió, cấp gas, thang máy, báo cháy bằng cảm biến nhiệt, ứng dụng năng lượng mặt trời...

Khi các sinh viên không được tiếp cận với kiến thức mới, lại không được tham quan, thực hành thực tế thì không thể vẽ chi tiết và đương nhiên cũng không thể thiết kế hoàn chỉnh hay giám sát thi công công trình, đôi khi do chính tay mình vẽ. Trong hệ thống các môn đồ án thiết kế kiến trúc, đồ án biệt thự - nhà ở là những đồ án sáng tác đầu tiên sau khi sinh viên vừa kết thúc các bài tập cơ sở kiến trúc, thế nhưng mãi đến tận năm thứ tư mới được học chuyên đề. Hai chuyên đề tự chọn hỗ trợ cho thiết kế kiến trúc bệnh viện, nhà hát, công trình thể thao, kiến trúc nhiệt đới... thì lại học vào học kỳ 9, khi sinh viên đã hoàn thành xong đồ án thuộc những thể loại này từ các học kỳ trước.

ThS. Võ Ngọc Lĩnh, bộ môn tạo hình kiến trúc, Đại học kiến trúc TP.HCM, cho biết: “Thực tế sinh viên kiến trúc mới tốt nghiệp đều gặp khó khăn và lúng túng khi tiến hành công việc thiết kế kiến trúc từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc, khi tham gia các cuộc thi phương án thiết kế cùng với các văn phòng thiết kế kiến trúc nước ngoài, hay khi vận hành một văn phòng thiết kế kiến trúc một cách khoa học. Có thể khả năng sáng tác và thể hiện đồ họa cũng tốt như KTS nước ngoài, nhưng KTS Việt Nam không được đào tạo những kỹ năng thực hành cụ thể cũng như những kiến thức và kỹ năng thiết kế ra sản phẩm có ý nghĩa để bán được sản phẩm đó”.

PGS.TS. Trần Bút nhận định: chương trình đào tạo đơn điệu, phương pháp giảng dạy lạc hậu, chương trình học theo niên chế cứng nhắc, các nội dung quá cũ, lại được “thâm canh” quá mức trong các bài giảng, giáo trình và các sách tham khảo chuyên ngành. Các nội dung được biên soạn, chế biến lại từ các nguồn tư liệu nước ngoài, không được bắt nguồn từ thực tiễn đặc thù của nước ta, vì thế môn học không hấp dẫn, không gây hứng thú cho người học và đặc biệt không còn phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn phát triển mọi mặt hiện nay của đất nước.

Cách đây vài năm, Bộ giáo dục và đào tạo có đưa ra dự thảo chương trình khung đào tạo ngành kiến trúc áp dụng trong cả nước. Chương trình này quy định chi tiết đến cả tên và khối lượng đơn vị học trình của từng môn học thuộc khối kiến thức cơ sở ngành và khối kiến thức chuyên ngành, thậm chí còn quy định thứ tự và tên từng đồ án kiến trúc từ năm thứ nhất đến năm thứ năm. Nhiều người đặt câu hỏi: có nên có một chương trình khung kiểu như vậy dùng chung cho tất cả các trường? Và đó có phải là chương trình khung? Còn quá nhiều câu hỏi phải trả lời nên cho đến nay dự thảo chương trình khung này chưa được áp dụng.

Cử nhân kiến trúc, sau đó mới là kiến trúc sư?

Triển lãm sản phẩm của sinh viên kiến trúc

Cũng theo PGS.TS. Trần Bút, thời gian học chính khóa cho một khóa học nên rút xuống còn 4 năm, nhưng thời gian được cấp bằng KTS cần dài ra. Đây phải là nội dung đổi mới lớn nhất. Cụ thể là sau 4 năm học chính khóa, sinh viên được nhận bằng cử nhân kiến trúc, họ được phép hành nghề kiến trúc hạn chế; người học có một năm hành nghề kiến trúc thực tế và mang kết quả, nhận xét về trường để học tiếp các chuyên đề quan trọng và môn giáo dục quốc phòng trong một học kỳ; sau cùng sinh viên làm đồ án tốt nghiệp và bảo vệ trong 4 tháng; với kết quả này người học mới nhận bằng KTS. Như vậy, khi trở thành một kiến trúc sư, người học đã thật sự thành thạo công việc.

ThS. Nguyễn Huy Văn, bộ môn kỹ thuật kiến trúc, đưa thêm ý kiến: “Nhu cầu xã hội đòi hỏi KTS vừa đa dạng theo các chuyên ngành hẹp, vừa đảm bảo tính chuyên nghiệp - KTS cảnh quan, KTS nội thất, KTS thiết kế, KTS quản lý...”. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạm phát kiến trúc sư?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO