Làm mới nghệ thuật múa

Thanh Hà| 30/03/2017 20:14

KHPT - Những người làm nghề múa thường rất kiệm lời. Họ không than vất vả, chẳng kể khó khăn. Nhiều năm qua, những nghệ sĩ múa luôn nhiệt tình với nghề đã âm thầm làm việc, lặng lẽ cống hiến và tìm kiếm cơ hội để được làm nghề một cách đúng nghĩa.

Họ thuộc vào thế hệ được đi tu nghiệp, làm việc ở nước ngoài tại châu Âu, châu Á trong những năm cuối của thế kỷ 20 và thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Những Tấn Lộc, Quách Phương Hoàng, Trần Ly Ly, nhóm +84, Tố Như, Tuyết Minh, Kiều Phong... hay những diễn viên, biên đạo trẻ như Ngọc Anh, Ngọc Khải, Tạ Thùy Chi, Cao Chí Thành, Cao Đức Toàn, Thanh Phương, Phúc Hùng, Phúc Hải... đã cùng với các đồng nghiệp trong nước tạo nên cơ hội thực hành cho nhau. “Chúng tôi tự tạo ra sân chơi nhằm hỗ trợ lẫn nhau, diễn viên được thử nhiều thể loại với các biên đạo khác nhau để thử sức mình, biết cách thích ứng với mọi kiểu phong cách không rập khuôn. Biên đạo cũng có nhiều cơ hội để sáng tác, sáng tác lần này chưa đủ, chưa dày thì lần sau rút kinh nghiệm” - biên đạo Ngọc Khải cho biết. Điều này rất cần thiết vì người làm nghề có vững thì khán giả mới có nhiều cơ hội thưởng thức và được lựa chọn chương trình. Càng có nhiều chương trình mới có một nền nghệ thuật múa đa dạng về màu sắc.

Vài năm trở lại đây, họ đã tạo nên một số chương trình thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả như “Chuyện kể những chiếc giày”, “Mộc”, “The Mist” (Giọt sương), “Vũ”, “Sen”, “Minus” (Phép trừ), “Vườn trăng”, “Những ô cửa sổ”, “Chuyển”, “Mảnh ghép của những giấc mơ”, “Night Dance”... đã mang đến cho khán giả cơ hội được tiếp cận với một chương trình múa đích thực, có đẳng cấp. Bên cạnh đó, sân khấu mở của biên đạo Thanh Phương cũng là một cách đưa loại hình thể nghiệm nói chung và múa đương đại nói riêng đến gần hơn với công chúng; để những người yêu thích hoặc tò mò về múa và các loại hình nghệ thuật khác được tìm hiểu sâu sắc hơn.

Những nỗ lực này của họ đã làm thay đổi quan niệm của một bộ phận khán giả về múa: không quá học thuật, khó hiểu, vốn chỉ dành để minh họa cho các tiết mục biểu diễn ca nhạc. Những phản ứng tích cực này khiến một người rời bỏ múa vì khổ và nghèo như diễn viên Hồng Ánh vui sướng: “Tôi không bỏ sót chương trình múa nào trong những năm gần đây. Nhìn cả khán phòng đứng lên vỗ tay nhiều lần để mời diễn viên ra chào, tôi rất mừng, vì so với thời tôi đi học, đi múa minh họa, diễn viên múa chưa bao giờ được khán giả tán thưởng như vậy”.

Yêu nghề, muốn làm nghề nhưng hành trình biến ước mơ có những sân khấu đúng nghĩa dành cho múa đó của họ vẫn còn rất nhiều khó khăn. Kinh phí dành cho múa luôn là vấn đề lớn. Một số nghệ sĩ tìm đến các quỹ văn hóa nước ngoài, số khác lại tự thân vận động bằng cách làm đủ mọi chương trình để có đủ chi phí làm được điều mình thích. Nhưng kiếm được tiền không phải đã xong. Biên đạo ngoài việc vắt óc suy nghĩ, sáng tạo thì còn phải tìm được diễn viên biết tạm gác chuyện chạy show để tập trung làm việc. Là người tổ chức, biên đạo Tấn Lộc cho biết: “Tôi cũng muốn diễn viên của mình toàn tâm toàn ý cho chương trình. Nhưng mình không đủ khả năng để trả toàn bộ chi phí nếu muốn họ bỏ những việc khác. Đó là chưa kể, diễn viên cũng phải tham gia vào khâu tổ chức từ chuẩn bị phục trang, đạo cụ đến trải thảm, dọn dẹp hiện trường...; biên đạo, ngoài việc sáng tạo thì phải lo thêm ánh sáng, âm nhạc, thiết kế sân khấu, phục trang”. Nhiều diễn viên múa rất yêu nghề, làm việc không nề hà giờ giấc, không phàn nàn dù làm từ 9 giờ sáng đến 12 giờ đêm. Họ yêu nghề nhưng chưa có môi trường thuận lợi để thử sáng tạo, rút tỉa kinh nghiệm, phát triển. Những nỗi lo mưu sinh khiến họ không tập trung, không thể tập luyện hàng ngày đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng làm nghề. Mỗi lần bước ra sân khấu, diễn viên phải thả hồn vào từng động tác, phải diễn bằng cả tâm trí lẫn trái tim mình thì mới chạm được đến khán giả. Muốn làm được vậy, diễn viên phải có ít nỗi lo hơn.

Không chỉ dừng ở đó, hầu hết các chương trình múa không bán được vé, người Việt vẫn quen với tâm lý thích cầm vé mời hơn là mua vé, dù trước đó họ có tỏ thái độ chia sẻ khi thấy mồ hôi của diễn viên đổ ra như tắm, những chấn thương trên sàn tập. Những chương trình bán được vé không nhiều, cũng chẳng đủ bù vào chi phí đầu tư vì các phần khác như thuê nhà hát, chi trả cho ánh sáng, âm thanh là hết, diễn viên chẳng còn được bao nhiêu. Bên cạnh đó, công tác quảng bá chưa được chú trọng, có làm thì cũng chưa chuyên nghiệp, thiếu bài bản nên chưa thực sự thu hút được sự chú ý và quan tâm của công chúng. Khó khăn chồng chất khó khăn đã làm cho không ít tài năng, sau một thời gian nỗ lực nhưng không gặt hái được thành công như mong đợi đã lụi dần, lụi dần. Họ, dẫu yêu nghề nhưng không thể một mình gánh tất cả những nỗi lo. Họ cần những bàn tay để ngày càng có nhiều thêm những chương trình có chất lượng tốt, được đầu tư nghiêm túc để không chỉ người làm nghề được dịp trau dồi, thử sức mà khán giả cũng có nhiều cơ hội thử tìm đến với múa, để trái tim, tâm hồn được dịp mở ra, đón nhận ngôn ngữ vô ngôn.

mua

Ảnh: T.L

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm mới nghệ thuật múa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO