Làm gì để thành công nối tiếp thành công?

19/04/2017 18:38

KHPTO - “Thất bại là mẹ đẻ của thành công” là câu ngạn ngữ được lưu truyền rộng rãi và được coi như một chân lý. Trong khi đó, ít ai dám khẳng đinh rằng “thành công là mẹ đẻ của thành công”.

Thành công hôm qua có thể trở thành lực cản phát triển hôm nay

Với thành công và vị thế thị trường đáng nể, doanh nghiệp hàng đầu sở hữu ba thứ tài sản lớn: sự tự tin, nguồn lực, và lòng tự hào về vị thế công ty. Những tài sản lớn này hiển nhiên là sức mạnh tiềm tàng giúp công ty có thể tiếp tục làm nên những thành công lớn hơn phía trước. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều công ty hàng đầu với những thành công lẫy lừng một thời không bao lâu trở nên chậm chạp, khô cứng, và sa sút trước đổi thay. Khoa học quản lý qui hiện tượng này vào căn bệnh “tự mãn”. Với căn bệnh này, những tài sản quí mà công ty có được từ sự thành công trở thành lực cản vô hình rất lớn trên hành trình phát triển tiếp theo của nó. Khi đó, sự tự tin biến thành niềm tin thái quá về những công thức đã giúp công ty thành công trong quá khứ và coi nó là lời giải vạn năng cho các thách thức hôm nay và ngày mai. Khi đó, nguồn lực dồi dào làm công ty giảm đi sự trân trọng và ý thức tìm kiếm, dung dưỡng những đóng góp và sáng tạo mới, đặc biệt khi nó còn ở mức sơ khai. Khi đó, lòng tự hào làm công ty mất đi khả năng lắng nghe lời phê phán và tâm thế nhìn thẳng vào sự thật.

Do vậy, tổn thất do căn bệnh “tự mãn” sinh ra từ thành công là khôn lường; đặc biệt là khi doanh nghiệp đứng trước những đổi thay nhanh chóng thúc đẩy bởi tiến bộ công nghệ và xu thế thời đại và sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ đang trỗi dậy.

Làm gì để tránh cạm bẫy “tự mãn”

Để phòng tránh hiệu quả căn bệnh “tự mãn”, các doanh nghiệp hàng đầu cần một loại vacxin đặc biệt. Đó là sự lo lắng về tương lai và tầm nhìn thôi thúc phải làm nên những thành công lớn hơn rất nhiều trên chặng đường phía trước. Điểm khởi đầu để tiếp nhận loại vacxin này là sự thấu hiểu về tám xu thế có tính toàn cầu dưới đây và tác động tiềm tàng của chúng tới tương lai của doanh nghiệp.

Xu thế thứ nhất: Cục diện phát triển toàn cầu đang và sẽ trải qua những đổi thay sâu sắc và có nhiều biến động khôn lường. Cộng hưởng với xu thế này là sự xuất hiện ở nhiều nước những lãnh đạo quyết đoán và nỗ lực cải cách mạnh mẽ . Các công ty do vậy, cần nâng cao khả năng thích ứng với đổi thay và sự nhậy bén nắm bắt cơ hội cũng như sức bền vững trước những biến động bất thường, thậm chí khủng hoảng.

Xu thế thứ hai: hội nhập toàn cầu ngày có sắc thái mới, điều chỉnh về lượng nhưng sâu hơn về chất. Mặc dù xu thế tự do thương mại có sự điều chỉnh chậm lại ở từng nước và từng thời gian, các nước sẽ ngày càng gắn kết và chịu tác động lẫn nhau nhiều hơn không chỉ về thương mại mà trên mọi mặt của cuộc sống; từ biến động chính trị đến cải cách kinh tế, từ chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư đến nỗ lực lôi kéo nguồn lực nhân tài.

Xu thế thứ ba: công cuộc cải biến số (digital transformation) và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động ngày càng sâu rộng tới tất cả doanh nghiệp trên toàn cầu. Công cuộc cải biến số sẽ diễn ra sâu rộng trong mọi lĩnh vực và ngõ ngách của cuộc sống. Khởi nghiệp sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ cho quá trình đổi thay này. Ở trung tâm của quá trình cải biến này là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, được đặc trưng bởi ba trào lưu lớn: sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với khách hàng và nhà cung ứng; ứng dụng tự động hóa và các công nghệ thông minh trong tổ chức sản xuất và cung ứng dịch vụ truyền thống; và các mô hình kinh doanh mới dựa vào công nghệ số.  Một nội dung trọng tâm trong nắm bắt xu thế đổi thay này là kiến tạo giá trị, không chỉ cho công ty và  khách hàng mà cả cho nhà cung ứng và toàn xã hội; chú trọng không chỉ tăng hiệu quả (giá trị so với tốn phí) mà cả tăng hiệu lực thực thi (độ minh bạch và và chuẩn xác), và hiệu ứng cộng hưởng (sự gắn kết và tương tác). Trong cuộc cách mang 4.0 này, các doanh nghiệp sẽ được tưởng thưởng lớn hơn nếu tìm thấy lợi ích kinh doanh từ việc đem lại những lợi ích cải biến. Chẳng hạn, doanh nghiệp thương mại điện tử, thay vì tổ chức tổ chức đội vận chuyển riêng của mình, sẽ giúp hàng vạn người xe ôm hiện phải chờ trực công việc hàng ngày có công việc thường xuyên và hiệu quả hơn. Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thay vì chỉ chú trọng làm những đại nông trường hiện đại, chú trọng đặc biệt trong giúp đỡ những người nông dân nghèo tìm thấy lợi ích từ việc sản xuất thực phẩm sạch và áp dụng khoa học công nghệ. Doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản, thay vì chỉ chú trọng vào các căn hộ và dịch vụ cao cấp, tìm mọi cách đem lại cho người dân bình thường một cuộc sống có chất lượng cao hơn, từ nhà ở có giá bình dân đến việc đi lại an toàn và hiệu quả.

Xu thế thứ tư: Đô thị hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ trong ba thập kỷ tới, đặc biệt ở châu Á. Số dân đô thị sẽ tăng thêm 2,5 tỉ người vào trước năm 2050, trong đó 70% là ở châu Á. Xu thế này cũng rất mạnh ở Việt Nam, với dự báo là số dân đô thị sẽ tăng thêm 24 triệu người, từ 32 triệu năm 2015 lên 56 triệu nam 2050. Nghĩa là, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, nếu có mô hình kinh doanh đáp ứng được kỳ vọng thị trường, sẽ có cơ hội tăng trưởng rất cao trong ba thập kỷ tới.

Xu thế thứ năm: Sự trỗi dậy của châu Á. Trung quốc và Ấn độ với số dân 1,3 tỷ ở mỗi nước và tốc độ tăng trưởng cao sẽ không chỉ là động lực tăng trưởng chủ đạo của nền kinh tế toàn cầu mà còn trở thành những nền kinh tế lớn nhất thế giới trong các thập kỷ tới. Đông Nam Á với số dân tổng cộng 630 triệu người và qui mô GDP hiện lớn hơn Ấn Độ cũng là một nền kinh tế năng động, tăng trưởng khá, và có tiềm năng lớn. Các doanh nghiệp cần chú trọng nghiên cứu và khai thác thị trường ở các nền kinh tế này.

Xu thế thứ sáu: môi trường và phát triển bền vững đang trở thành vấn ưu tiên hàng đầu. Các doanh nghiệp coi nhẹ nỗ lực đầu tư vào bảo vệ môi trường sẽ không chỉ phải trả giá đắt trong tương lai mà có thể bị đào thải. Tiết kiệm năng lương và thân thiện môi trường là hướng đầu tư sẽ ngày càng cấp thiết và hiệu quả trong thời gian tới.

Xu thế thứ bảy: Dân số già hóa nhanh trên qui mô toàn cầu và đặc biệt rất nhanh ở Việt Nam. Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, số dân trên 65 tuổi trong tổng dân số toàn cầu sẽ tăng từ tỷ lệ 8% (7,4 tỷ người) năm 2015 lên 16% (9,7 tỷ) năm 2050; trong khi tỷ lệ này của Việt Nam tăng từ 6,7% (93 triệu dân) năm 2015 lên 21% (113 triệu dân) năm 2050. Điều đáng lưu ý là Việt Nam có tốc độ già nhanh so với hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á. Xu thế này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đặc biệt nỗ lực tăng năng suất lao động để Việt Nam tránh được nguy cơ đang hiện ra ngày càng rõ: “chưa giàu đã già”. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp sẽ tìm thấy cơ hội thị trường rất lớn trong chăm sóc và phục vụ thị trường người già.

Xu thế thứ tám: Trách nhiệm xã hội sẽ ngày càng trở thành yếu tố quan trọng trong quyết định sức cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp. Do mức sống và dân trí được nâng cao người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi các công ty có trách nhiệm xã hội cao hơn. Đặc biệt, mạng xã hội đem lại cho người tiêu dùng sức mạnh to lớn chưa từng có trong tưởng thưởng các công ty có trách nhiệm xã hội cao và trừng phạt các công ty coi nhẹ trách nhiệm này.

Làm gì để thành công hôm nay là mẹ đẻ của thành công ngày mai: mô hình SMART

Vượt qua nguy cơ “tự mãn” chỉ là bước đi đầu tiên trong nỗ lực gia cường động lực phát triển. Trong thời đại công nghệ thông minh này, để biến thành công hôm qua thành mẹ đẻ của thành công ngày mai, các doanh nghiệp hàng đầu có thể tham khảo mô hình hướng dẫn hành động gồm năm định hướng lớn sau: Chiến lược (Strategy), Giám sát (Monitoring), Học hỏi (Acquisition of knowledge), Đổi mới cách nghĩ (Rethink), và Công nghệ (Technology). Dựa trên chữ cái đầu tiếng Anh, mô hình này có thể viết gọn thành SMART.

Về Chiến lược (Strategy), doanh nghiệp cần chú trọng hiểu thấu đáo cục diện thị trường cũng như thế mạnh và điểm yếu của mình trong nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức mà các xu thế trình bày ở trên mang lại. Có ba vấn đề chiến lược các doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt chú ý. Thứ nhất, trong rất nhiều cơ hội mở xuất hiện, doanh nghiệp cần chú trọng chọn lựa nắm bắt cơ hội giúp gia cường nền tảng phát triển, đặc biệt là nâng cấp năng lực công nghệ, nâng tầm dự báo tương lai, và củng cố độ gắn kết với khách hàng cốt lõi. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp coi nhẹ ý thức chiến lược này. Cứ thấy cơ hội kiếm được tiền là nhảy vào bất chấp nguy cơ làm tổn hại đến nền móng lâu dài. Thứ hai, chọn lĩnh vực phát triển đúng xu thế thời đại sẽ như thuyền đi đúng hướng gió. Thứ ba, ý thức đặc biệt trong nuôi dưỡng và phát huy lợi thế cốt lõi. Chú ý rằng năng lực cốt lõi có thể được tạo ra từ hai nguồn: năng lực sở hữu (ví dụ về công nghệ, vị trí, mối quan hệ với khách hàng) và lợi thế định vị (có được do chọn phân khúc thị trường và đối tượng khách hàng phù hợp nhất).

Về Giám sát (Monitoring), doanh nghiệp cần có hệ thống theo dõi sát sao kết quả hoạt động dựa trên bộ chỉ số đã được cân nhắc lựa chọn kỹ. Sự thua kém hoặc sút giảm so với các đối thủ cạnh tranh và chuẩn mực quốc tế cần được mổ xẻ kỹ để tìm lời giả căn bản và lâu dài.

Về Học hỏi (Acquisition of knowledge), ý thức thường xuyên tham khảo kinh nghiệm hay trên qui mô toàn cầu và mạnh dạn thử nghiệm các công nghệ và mô hình kinh doanh mới có tầm quan trọng đặc biệt trong nâng cao sức mạnh nền tảng cho nỗ lực tăng trưởng và phát triển lâu dài.

Về Đổi mới cách nghĩ (Rethink), doanh nghiệp cần ý thức vượt qua công thức đã giúp mình thành công hôm qua để nhạy bén nắm bắt cái mới. Trên cơ sở đó, sẽ trân trọng đóng góp của những suy nghĩ mới, táo bạo, thường từ người trẻ, và dù còn sơ khai.

Về Công nghệ (Technology), doanh nghiệp áp dụng mạnh mẽ vào toàn diện công nghệ thông minh (smart technolgogies) trong mọi nỗ lực cạnh tranh và phát triển của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để thành công nối tiếp thành công?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO