Làm bánh tro ngày Tết

THÀNH DŨNG| 31/01/2011 15:45

Hàng năm cứ đến ngày 15 tháng chạp, tôi theo mẹ vào rừng tìm chặt những cây chồi nhỏ mọc lúp xúp. Mẹ chặt, tôi vác để ngoài nắng phơi héo, đến chiều gom lại thành đống. Mẹ châm lửa đốt, lửa cháy càng to càng tốt. Chồi cháy rực, khi tàn nguội sẽ chuyển thành một loại tro trắng tinh. Mẹ hốt tro, gánh về nhà, cho vào một cái khạp nhỏ ngâm với nước. Sáng hôm sau, nước tro lóng trong và có chất nhớt như xà bông giặt. Mẹ đem lọc kỹ, lấy nếp đã xay sẵn đem vo sạch, cho vào nước tro.

Ngâm 24 giờ, mẹ vớt nếp xả sạch nhớt bám trên hạt nếp. Hạt nếp lúc này có màu vàng, đó là vật liệu duy nhất để làm bánh tro. Lá gói bánh không phải là lá chuối mà là lá chít, thuở trước có nhiều ở miền đông <_st13a_place w:st="on"><_st13a_country-region w:st="on">Nam bộ. Lá chít to, rộng cỡ bốn ngón tay, dài 30 cm, có nhiều đường gân dọc theo lá. Lá hái về được rửa sạch, lau khô, dùng tay cuốn tròn lại từ ngọn đến cuống lá, bít một đầu, cho nếp vào, cột chặt. Bánh tro không có nhân và chỉ lớn hơn ngón tay cái người lớn, dài cỡ 12 cm. Gói xong mẹ cho vào một nồi nấu (luộc) khoảng hơn 2 giờ là bánh chín, khi mở bánh ra không còn hạt nếp nguyên mà chúng tan ra, kết với nhau trong suốt. Và để tăng thêm phần thơm ngon, mẹ tôi còn dùng lá dứa giã nhuyễn vắt lấy nước cho vào nếp trước khi gói.

Bánh vớt ra, để nguội, xếp vào thúng, treo vào chỗ thoáng mát sẽ giữ được lâu, không thiu, để ăn dần trong những ngày Tết. Bánh tro ăn với đường cát hay đường tán, dễ tiêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm bánh tro ngày Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO