Kỹ thuật nuôi cua biển từ con giống sinh sản nhân tạo

L. AN| 20/08/2019 11:14

KHPTO - Mô hình nuôi cua sử dụng con giống sinh sản nhân tạo được phát triển tại Cần Giờ (TP.HCM) theo nhiều hình thức khác nhau như nuôi đơn, nuôi ghép cua với tôm, nuôi luân canh với tôm...

Điều kiện môi trường

- pH: cua sống vùng nước có độ pH thích hợp nhất là7,5 - 8,5, chênh lệch trong ngày không nên quá 0,5.

- Độ mặn: thích hợp nhất 15 - 25‰. Nhờ khả năng thích nghi cao với sự thay đổi của độ mặn, cua có thể nuôi ở các vùng nước mặn, lợ ven biển.

- Nhiệt độ: thích hợp nhất 25 - 300C.

- Ao nuôi: diện tích thích hợp từ 500 - 5.000 m2, sâu 1 - 1,2 m. Chọn ao ở vùng chất đất ít bị nhiễm phèn, chất đáy là bùn pha cát, thịt pha sét, không có quá nhiều bùn nhão, có nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm do sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và nước thải sinh hoạt.

- Cải tạo ao nuôi: tháo cạn nước, vét bỏ lớp bùn đáy và bón vôi nông nghiệp với lượng bón 7 - 10 kg đá vôi (CaCO3)/100 m2 hoặc 3 - 5 kg vôi sống (CaO)/100 m2; phơi nắng đáy ao 5 - 10 ngày cho đến khi nứt nẻ; lấy nước qua lưới lọc vào ao, mức nước là 0,6 - 0,8 m; diệt tạp bằng saponine sau khi lấy nước 2 - 3 ngày...

Cua giống và ươm cua

- Cua con có các cỡ: cua hạt tiêu/cua bột (chiều rộng mai từ 0,2 - 0,5 cm); cua hạt dưa (chiều rộng mai từ 0,5 - 1 cm); cua hạt me (chiều rộng mai từ 1 - 1,5 cm); cua mặt đồng tiền (chiều rộng mai từ 2 - 3 cm).

- Ươm cua: để tiết kiệm chi phí, có thể nuôi cua từ giống cỡ hạt tiêu (cua bột). Cua bột cần được ươm trong vèo trước khi thả ra ao để dễ chăm sóc và giúp cua có thời gian phát triển thêm, cua sẽ nhanh nhẹn hơn, khả năng tự vệ tốt hơn, hạn chế hao hụt. Giăng vèo ươm cua ngay trong ao nuôi cua thịt (vèo ươm cua có 5 mặt, 4 mặt bên và mặt đáy, làm bằng lưới mịn, dày, xung quanh miệng vèo được may kèm với một lớp nhựa cao khoảng 30 cm để tránh cua bò lên miệng vèo ra ngoài).

Kiểm tra độ mặn, độ pH trước khi thả cua bột vào vèo. Nước ao đã được chuẩn bị đúng kỹ thuật sẽ có màu thích hợp (màu trà). Khi vận chuyển cua bột về đến ao, lấy khay ra khỏi thùng chứa, đặt ra ngoài nhiệt độ thường, trời càng mát càng tốt, vì thế nên thả cua giống lúc trời mát. Sau đó, dùng bình phun sươm cầm tay có chứa nước ao, phun nhẹ lên cua để nâng dần nhiệt độ trong khay, giúp cua tỉnh dần sau quá trình gây mê khi vận chuyển, đồng thời giúp cua làm quen với nước mới. Khi quan sát thấy cua không bị lột vỏ thì có thể thả cua trực tiếp xuống vèo ươm bằng cách đặt khay cua bột vào vèo để cua bơi hoặc bò vào vèo.

Mật độ ươm trong vèo có bố trí giá thể: 100 - 150 con cua hạt tiêu/m3. Cần chú ý, cua bột mới thả vào vèo, ngày đầu không cho ăn vì cua chưa khỏe hẳn sau quá trình vận chuyển và gây mê. Ngay sáng hôm sau, nên bắt đầu cho cua ăn, bắt đầu cho ăn khoảng 300 - 500 g cá hấp/ ngày, chia làm 4 lần. Cá hấp chín, lấy thịt, tán nhuyễn, pha với nước tạt vào vèo để cho cua ăn.

Mùa vụ và thời gian nuôi

- Mùa vụ: ở các vùng ven biển có nguồn nước mặn, lợ có thể nuôi cua thịt quanh năm. Tuy nhiên, mùa vụ nuôi cua tốt nhất và hiệu quả nhất tại TP.HCM là: nuôi 1 vụ từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm (đối với những vùng có độ mặn thấp, dao động trong năm từ 0 - 18‰); nuôi 2 vụ trong năm (đối với những vùng sát biển, có độ mặn luôn cao hơn 10‰) từ tháng 7 đến tháng 11 và từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

- Thời gian nuôi: cua hạt tiêu: 4 - 5 tháng (2 - 3 con/ m2, nuôi trong ao); cua hột me: 3 - 4 tháng (1 - 2 con/m2, nuôi trong ao); cua mặt đồng tiền: 2 - 2,5 tháng (0,5 - 1 con/m2, trong ao).

Quản lý ao nuôi, phòng bệnh và thu hoạch

- Thường xuyên kiểm tra tình trạng bờ, cống, rào, lưới chắn, tránh thất thoát cua.

- Định kỳ 2 tuần/lần, thu mẫu để tính sản lượng cua có trong ao mà điều chỉnh lượng thức ăn cho vừa đủ. Hàng ngày cho cua ăn đầy đủ. Nếu bị đói, những cua lớn sẽ ăn thịt cua nhỏ hơn, nhất là cua đang lột. Vì vậy nuôi cua phải có thức ăn dự trữ. Trong một ngày, cữ ăn chiều hoặc tối là quan trọng nhất. Có thể dùng cám viên để cho ăn luân phiên khi thức ăn tươi sống khan hiếm, giá cao. Trên thực tế, khi nuôi bằng cá tạp, để có 1 kg cua cần 3,5 - 5 kg cá tạp. Khi nuôi bằng cám viên (hoàn toàn không dùng cá tạp) thì cần 1,6 - 2 kg thức ăn để nuôi được 1 kg cua thịt.

- Trong thời gian nuôi, khi thu cua để kiểm tra trọng lượng, kết hợp kiểm tra sức khỏe cua: cua khỏe mạnh, nhanh nhẹn, vỏ có bị đóng rong, bị ký sinh trùng bám hay bị tổn thươm không...

- Việc thay nước, thường xuyên kiểm tra môi trường ao nuôi rất quan trọng. Trong một số trường hợp, đáy ao tích tụ nhiều thức ăn thừa, thối rữa, có thể phải tháo cạn, gạn cua và làm vệ sinh đáy ao (cào bỏ lớp bùn trên mặt và thức ăn thừa thối ra ngoài).

- Bổ sung dưỡng chất như các chất khoáng, vitamin, đặc biệt vitamin C vào thức ăn cua (theo hướng dẫn của nhà sản xuất) để tăng cường sức đề kháng bệnh cho cua.

- Thời điểm thu hoạch: cua nuôi được khoảng 3 tháng, đạt kích cỡ thươm phẩm (trên 200 g/con) có thể thu hoạch. Khi hầu hết cua đạt cỡ thươm phẩm, cần thu tập trung bằng cách kết hợp các phươm pháp như dùng vợt để vớt cua, thu bằng vó như thu tỉa, thu bằng rập bắt cua (đặt rập vào ao)... Cua thu xong, giữ ẩm trong thùng (không chứa nước) trong vòng 24 giờ, chuyển đi bán.

Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế

- Tăng tỷ lệ sống mô hình nuôi cua lên gấp đôi so với trước (trên 50% so với 25%).

- Năng suất mô hình đạt 0,7 - 1 tấn/ ha/vụ, tăng hơn 2 lần so với trước đây (0,3 - 0,4 tấn/ha/vụ).

- Tổng chi phí đầu tư 1 ha là 117,1 triệu đồng, bao gồm: cải tạo 1 ha ao nuôi (5 triệu đồng); 10.000 con giống (30 triệu đồng); thức ăn (66,1 triệu đồng); vôi (4 triệu đồng); công lao động trực tiếp chăm sóc, nuôi cua (12 triệu đồng).

- Lợi nhuận/ha/vụ đạt 62,1 triệu đồng (2 vụ: 125,8 triệu đồng).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỹ thuật nuôi cua biển từ con giống sinh sản nhân tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO