Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019: Khắc phục biểu hiện dễ dãi, bỏ qua lỗi trong bài làm của thí sinh

ANH THƯ| 26/06/2019 18:27

KHPTO - Bộ giáo dục và đào tạo yêu cầu xử lý nghiêm đối với những bài làm vi phạm quy chế thi hoặc cán bộ không thực hiện đúng quy chế thi; khắc phục những biểu hiện dễ dãi, bỏ qua lỗi trong bài làm của thí sinh, dẫn đến kết quả chấm không phản ánh đúng thực chất.

Kỷ luật nghiêm khắc nếu vi phạm

Kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm nay được tổ chức với 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp: khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học), khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục THPT; tổ hợp các môn lịch sử, địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT).

Trước ngày thi, bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã yêu cầu giám đốc, hiệu trưởng các cơ sở đào tạo tiếp tục quán triệt tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật; phân công rõ nhiệm vụ và quyền hạn của từng cán bộ trong từng khâu tổ chức thi; tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ được phân công công tác coi thi, chấm thi, thanh tra thi, đảm bảo tất cả các cán bộ được phân công trong từng quy trình tổ chức thi phải nắm vững và thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT; đồng thời, phối hợp với các địa phương bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn và tạo điều kiện thuận lợi tối đa về đi lại, ăn ở cho cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng về làm thi tại địa phương. Cử cán bộ đảm bảo yêu cầu về số lượng và chất lượng, nắm vững về quy trình, kỹ thuật, làm việc trách nhiệm, công tâm, khách quan tham gia ban chấm thi trắc nghiệm; chuẩn bị kỹ và thực hiện công tác chấm thi, chấm phúc khảo các môn trắc nghiệm theo đúng quy chế thi, đảm bảo khách quan, trung thực, đúng tiến độ, đúng quy định theo sự chỉ đạo thống nhất của ban chỉ đạo thi THPT quốc gia...

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở GD&ĐT và các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan rà soát kỹ lưỡng cán bộ tham gia tổ chức thi bảo đảm số lượng và yêu cầu chất lượng. Tiếp tục quán triệt tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật; phân công rõ nhiệm vụ và quyền hạn của từng cán bộ trong từng khâu tổ chức thi; tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ được phân công công tác coi thi, thanh tra thi, đảm bảo tất cả các cán bộ được phân công trong từng quy trình tổ chức thi phải nắm vững và thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT; xử lý kỷ luật nghiêm khắc cán bộ coi thi, thanh tra thi có hành vi vi phạm quy chế thi cũng như quy trình tổ chức kỳ thi. Tiếp tục triển khai công tác đề thi, thực hiện chặt chẽ quy trình in sao đề thi đảm bảo đủ số lượng đề thi với chất lượng tốt nhất, tuyệt đối không để xảy ra sai sót; bảo đảm tuyệt đối an toàn, bảo mật trong các khâu in sao, sử dụng đề thi cũng như trong quá trình vận chuyển, lưu giữ đề thi, bài thi...

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp; thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập (toán, ngữ văn) và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp. Thí sinh được chọn đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi nào cao hơn sẽ được chọn để tính xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, thí sinh đã đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp thì bắt buộc phải thi cả 2 bài thi này; nếu thí sinh bỏ 1 trong 2 bài thi sẽ bị coi là dự thi không đủ số và không được xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Thí sinh GDTX có thể chọn đăng ký dự thi cả bài thi ngoại ngữ để dùng điểm bài thi này xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp; không dùng để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường đại học, cao đẳng, trung cấp.

Các bài thi toán, ngoại ngữ và các bài thi tổ hợp: thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Bài thi ngữ văn thi theo hình thức tự luận.

Chấm thi nghiêm túc

Năm nay, các trường phải bố trí đủ cán bộ chấm thi (CBChT) để chấm đúng tiến độ đề ra. Tiến hành nghiên cứu, thảo luận kỹ đáp án, thang điểm và thực hiện nghiêm túc khâu chấm chung ban đầu theo quy định của quy chế thi. Bố trí CBChT chấm lần thứ nhất và lần thứ hai ngồi ở 2 phòng chấm khác nhau.

Mỗi bài thi tự luận được 2 CBChT chấm độc lập, CBChT lần thứ nhất chấm bài thi và chỉ ghi điểm chấm trên phiếu chấm cá nhân, tuyệt đối không để lại bất kỳ dấu hiệu nào trên tờ giấy thi của thí sinh và trên túi bài thi. CBChT lần thứ hai chấm trên bài thi, ghi điểm từng ý tương ứng bên lề của tờ giấy thi, ghi điểm từng câu (câu 1..., câu 2..., ...) và tổng điểm toàn bài vào vị trí quy định (“cộng...”) trên tờ giấy thi; đồng thời, ghi điểm tổng từng câu vào phiếu ghi điểm. Trưởng môn chấm thi phải thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc chấm thi của các CBChT trong tổ chấm thi. Trước khi giao bài đã chấm xong 2 vòng độc lập cho 2 CBChT thống nhất điểm, phải đối chiếu điểm bài thi trên phiếu ghi điểm của CBChT lần thứ hai với điểm trên phiếu chấm cá nhân của CBChT lần thứ nhất, phát hiện những trường hợp chênh lệch từ 0,5 điểm trở lên để theo dõi, xác định nguyên nhân và kết quả xử lý thống nhất của 2 CBChT nhằm phòng ngừa các sai sót, vi phạm quy chế thi. Đồng thời, quán triệt CBChT không được sửa chữa điểm trên phiếu chấm, phiếu ghi điểm và trên bài thi trong quá trình thống nhất điểm.

Đối với các bài thi đã chấm xong 2 vòng (lần) độc lập, 2 CBChT đã thảo luận thống nhất điểm, điểm thống nhất được (một trong 2 CBChT) ghi bằng số và chữ, ghi rõ họ tên và ký vào vị trí quy định trên tất cả các tờ giấy làm bài của thí sinh. Nếu 2 CBChT không thống nhất được điểm thì trưởng môn chấm thi quyết định điểm, ghi điểm bằng số và chữ vào vị trí quy định và ký vào tất cả các tờ giấy làm bài của thí sinh.

Trường hợp bài thi phải chấm 3 lần: nếu điểm chấm 2 trong 3 lần chấm giống nhau, trưởng môn chấm thi lấy điểm giống nhau (của 2 lần chấm) làm điểm chính thức, rồi ghi điểm bằng số và chữ vào vị trí quy định, ghi rõ họ tên và ký vào tất cả các tờ giấy làm bài của thí sinh. Nếu kết quả 3 lần chấm lệch nhau lớn nhất đến 2,5 điểm, trưởng môn chấm thi lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm tròn đến 2 chữ số thập phân làm điểm chính thức, rồi ghi điểm bằng số và chữ vào vị trí quy định, ghi rõ họ tên và ký vào tất cả các tờ giấy làm bài của thí sinh. Nếu kết quả 3 lần chấm lệch nhau lớn nhất trên 2,5 điểm, trưởng môn chấm thi tổ chức chấm tập thể, có biên bản kết luận kết quả chấm tập thể. Điểm chấm tập thể là điểm chính thức của bài thi.

Bộ GD&ĐT yêu cầu xử lý nghiêm đối với những bài làm vi phạm quy chế thi hoặc cán bộ không thực hiện đúng quy chế thi; khắc phục những biểu hiện dễ dãi, bỏ qua lỗi trong bài làm của thí sinh, dẫn đến kết quả chấm không phản ánh đúng thực chất.

Để khâu nhập điểm vào máy tính và hồi phách đảm bảo chính xác, ban thư ký hội đồng thi phải thực hiện khớp phách ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận; nếu có sai sót phải lập biên bản, báo cáo chủ tịch hội đồng thi để xác định rõ nguyên nhân và có biện pháp khắc phục.

THI_TN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019: Khắc phục biểu hiện dễ dãi, bỏ qua lỗi trong bài làm của thí sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO