Kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9: Sống mãi những ký ức hào hùng

Theo Báo Nhân dân điện tử| 31/08/2017 09:15

KHPT - Những ngày Cách mạng tháng 8 năm 1945 hào hùng luôn in đậm trong ký ức của những người chiến sĩ cách mạng. Giờ đây, ở tuổi xưa nay hiếm, họ vẫn nhớ như in, họ kể lại câu chuyện của mình một cách đầy tự hào...

Những ngày lịch sử ở Chợ Lớn

Ông Trần Văn Khá, nguyên chánh văn phòng Tỉnh ủy Chợ Lớn, nay đã ngoài 90 tuổi, vẫn nhớ như in những ngày Cách mạng tháng 8 hào hùng tại Sài Gòn - Chợ Lớn.

“Tôi nhớ ngày 15/8/1945, ngay làng Phước Vân, thuộc quận Cần Đước, tỉnh Chợ Lớn, đã diễn ra cuộc mít-tinh đầu tiên có hơn 700 người dự. Cuộc mít-tinh sau đó biến thành diễn đàn nói về đấu tranh giành độc lập và cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện. Tại Trung Quận, ngày 18/8, làng Tân Tạo tổ chức biểu tình lớn, biểu dương lực lượng, vũ trang bằng gậy tầm vông, súng tự tạo. Sau đó, đêm 22/8, các đảng viên ở tổng Long Hưng Hạ đã huy động lực lượng quần chúng vũ trang gậy tầm vông vạt nhọn xông vào chiếm trụ sở các làng Long Hiệp, Long Phú... rồi công bố giải tán hội tề, lùng bắt tay sai giặc có nợ máu, thành lập chính quyền cách mạng. Sáng sớm 25/8, lực lượng của ta đã bí mật phong tỏa hết các ngả đường trong quận lỵ và áp sát dinh quận trưởng. Nhà riêng của quận trưởng cũng bị bao vây mà lính mã tà hoàn toàn không hay biết. Trong tình thế đó, quận trưởng Phủ Hải phải giao nộp chính quyền cho Việt Minh, ra lệnh cho binh sĩ đầu hàng, nộp súng.

Ở quận Cần Giuộc, do có tư thế sẵn sàng, lại sớm bắt được liên lạc với cấp trên, cho nên 14 giờ ngày 24/8, các đồng chí Trương Văn Bang, Tài Phú Sửu, Đỗ Phát Thanh chỉ huy lực lượng bao vây dinh quận, buộc lính mã tà buông súng đầu hàng, buộc quận trưởng giao lại chính quyền cho cách mạng. Riêng quận Đức Hòa, ngay từ sáng 24/8, lực lượng thanh niên tiền phong khoảng 30 người đã tràn vào trụ sở tề các làng đúng lúc chúng đang họp và tước vũ khí, giải tán hội tề, lập chính quyền cách mạng. Ngày 25/8, Đức Hòa đã giành chính quyền ở quận, lần lượt các làng cũng hoàn thành khởi nghĩa trong ngày. Sau đó, ở Nhà máy đường Hiệp Hòa, công nhân và tự vệ ta đã tiến công một tiểu đội lính Nhật, diệt ba tên, bắt sống hai tên, bảy tên khác bỏ chạy thì bị tiêu diệt. Chính quyền cách mạng Đức Hòa làm lễ ra mắt nhân dân.

Ngày 25/8, lực lượng khởi nghĩa tỉnh Chợ Lớn đã làm chủ Tòa bố Chợ Lớn, chính quyền tỉnh và chính quyền các quận đều về tay nhân dân. Tôi còn nhớ rõ cuộc tuần hành thị uy của nhân dân trong tỉnh Chợ Lớn trên nhiều đường phố Sài Gòn, sau đó quy về tỉnh lỵ Chợ Lớn dự cuộc mít-tinh đón mừng UBND lâm thời tỉnh ra mắt, bí thư và chủ tịch đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn là đồng chí Nguyễn Văn Hoành và đồng chí Võ Lợi Trinh.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương và Xứ ủy, phát huy tính chủ động, tự lực, Đảng bộ Chợ Lớn đã hoàn thành nhiệm vụ ở chặng đầu là lãnh đạo nhân dân trong tỉnh khởi nghĩa giành độc lập, giành chính quyền. Sự kiện này để lại bài học rất sâu sắc về xây dựng Đảng là củng cố thống nhất nội bộ, bám sâu, bền gốc rễ trong quần chúng, dựa vào quần chúng. Đảng lãnh đạo nhưng lực lượng, phong trào phải từ quần chúng mà ra”.

ong_Le_Duc_Dan

Ông Lê Đức Vân

Nơi ra quyết định khởi nghĩa ở Hà Nội

Những ngày Cách mạng tháng 8 năm 1945 hào hùng vẫn còn in đậm trong ký ức ông Lê Đức Vân, trưởng ban liên lạc Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, năm nay đã ở tuổi 88.

“Tôi không thể nào quên được niềm xúc động tự hào, nhiệt huyết sôi sục trong tim khi được đại diện cho lực lượng thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu tham dự cuộc họp chín người do Thành ủy Hà Nội và Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội tổ chức đêm 17/8/1945 để đi đến quyết định tổng khởi nghĩa.

Chiều 17/8/1945, Tổng hội công chức của chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim tổ chức cuộc mít-tinh lớn tại Quảng trường Nhà hát Lớn. Ngay từ đầu, có chủ trương biến cuộc mít-tinh này thành diễn đàn của ta, nên khi mới tuyên bố khai mạc buổi lễ, một số thanh niên cốt cán đã nhảy lên khán đài cướp mi-crô và hô hào nhân dân đi theo Việt Minh đứng lên khởi nghĩa. Cùng lúc đó, hàng trăm người ở dưới phất lá cờ đỏ sao vàng, đồng thời một lá cờ rất lớn được buông từ tầng hai Nhà hát Lớn xuống. Cuộc mít-tinh đã biến thành cuộc tuần hành biểu dương ý chí quyết tâm giành độc lập, giành chính quyền của nhân dân lên rất cao, lan rộng khắp thành phố.

Ngay tối 17/8 ấy, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị mở rộng để kịp thời đưa ra quyết định mới trước diễn biến nhanh chóng của tình hình. Địa điểm tổ chức cuộc họp được đồng chí Nguyễn Khang, thường vụ Xứ ủy lựa chọn tại “khu an toàn” là làng Dịch Vọng, chỉ cách trung tâm hành chính Hà Nội khoảng 5 km, với sự bảo vệ tuyệt đối an toàn của người dân, của cơ sở cách mạng, trực tiếp là đội ngũ thanh niên trung kiên được xây dựng ở đây từ năm 1941. Căn nhà được chọn để họp nằm giữa thôn Dịch Vọng Tiền, vẫn gọi là “nhà bà hai Nhã”. Đồng chí Lê Công, con trai chủ nhà, là một thành viên thanh niên cứu quốc hăng hái hoạt động trong phong trào. Đồng chí Lê Công cùng một số đồng chí khác được giao nhiệm vụ đón cán bộ về họp từ các hướng An Hòa, Cầu Giấy, Cống Vị, Nghĩa Đô... Ám hiệu là quấn khăn trắng ở cổ tay và vừa đi vừa vót que tre, mật khẩu là “xin lửa hút thuốc lá”. Mỗi cán bộ được dẫn vào làng, đến nơi họp theo các đường khác nhau, bảo đảm yêu cầu bí mật. Hơn 30 thanh niên chia thành bốn tổ làm công tác tuần tra, canh gác. Hội nghị Thành ủy mở rộng với sự chủ trì của các đồng chí Nguyễn Khang (thường vụ Xứ ủy) và Nguyễn Quyết (bí thư Thành ủy) đã đi đến quyết định: Dành ngày 18/8 để chuẩn bị lực lượng thật chu đáo và tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội vào lúc 10 giờ sáng 19/8. Cuộc họp quan trọng quyết định giờ phút bùng nổ của tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, khởi đầu cho cuộc Cách mạng tháng 8 vĩ đại, long trời lở đất của toàn dân tộc, đã diễn ra an toàn tuyệt đối với sự bảo vệ thành công của những quần chúng cách mạng nòng cốt như thế.

Để có được thành công vang dội, giành chính quyền trọn vẹn ở Hà Nội chỉ trong một ngày, từ đó kích thích dây chuyền tổng khởi nghĩa thành công ở các tỉnh lân cận và cả nước, lực lượng khởi nghĩa ở Hà Nội dưới sự lãnh đạo của Đảng đã có một quá trình chuẩn bị lâu dài về nhiều mặt, có một ban chỉ huy nhạy bén, sáng tạo và quyết đoán. Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội (Ủy ban khởi nghĩa, được thành lập ngày 15/8/1945) đã đoàn kết, thống nhất đưa ra quyết định sáng suốt và cùng nhau kiên quyết hành động”.

Lễ “chào cờ độc lập”...

Trung_ta_Nguyen_Xuan_Hiep

Ông Nguyễn Xuân Hiệp

Với trung tá Nguyễn Xuân Hiệp, nguyên chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự thống nhất thị xã Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng), thành viên Đội thanh niên cứu quốc tham gia tiếp quản pháo đài thị xã Cao Bằng từ tay quân đội Nhật ngày 22/8/1945, những ngày tháng 8 lịch sử cũng là những ký ức hào hùng không thể nào quên.

“Tôi còn nhớ rõ bầu không khí chộn rộn của nhân dân cả thị xã Cao Bằng những ngày mùa thu tháng 8 lịch sử năm 1945. Sau khi biết tin Thủ đô Hà Nội đã khởi nghĩa giành được chính quyền, Cao Bằng nung nấu quyết tâm đi đến thắng lợi cách mạng ở vùng biên giới Tổ quốc. Lúc đó, phong trào Việt Minh đã thâm nhập sâu vào thị xã, cách mạng lớn đến đâu, lực lượng tự vệ phát triển đến đó. Phong trào dựa vào dân, được sự ủng hộ của nhân dân với khát khao giành độc lập, tự do cho đất nước, dân tộc đã lên đến đỉnh điểm.

Sáng 21/8, Đội thanh niên cứu quốc ở thị xã Cao Bằng chúng tôi được lệnh đi cùng các đồng chí Hoàng Như, Giang Tô... vào gặp tổng đốc Nguyễn Tòng, đưa ra các yêu cầu: lính phủ không được nổ súng và giao nộp vũ khí, mở cửa nhà tù trả tự do cho các đồng chí bị bắt giam, mở kho vũ khí giao cho tự vệ để từ đó chuyển giao cho lực lượng Việt Minh. Tổng đốc Nguyễn Tòng phải chấp nhận mọi yêu cầu một cách vô điều kiện và từ chức tỉnh trưởng vào sáng hôm sau. Sáng 22/8 là khoảnh khắc hàng ngàn người dân mít-tinh ở sảnh chùa Phố Cũ (thị xã Cao Bằng), cùng cất cao giọng hát: “Giờ đây anh em chúng ta cùng nhau xếp hàng chào cờ cứu nước... Đứng lên chúng ta cùng nhau xếp hàng chào cờ Việt Minh...”. Sau đó, nghe lời tuyên bố của chiến sĩ cộng sản Hoàng Như: phát xít Nhật đã đầu hàng vô điều kiện. Ngày 19/8, người dân Hà Nội nổi dậy giành chính quyền. Ngày hôm nay, nhân dân thị xã Cao Bằng cũng đã giành được chính quyền.

Thời khắc lễ “chào cờ độc lập” hôm đó, những người con vùng biên giới chúng tôi nghẹn ngào trong niềm tự hào từ nay đã là công dân của một nước độc lập. Ngay đêm hôm đó, chúng tôi kéo lên bao vây pháo đài thị xã, nơi quân Nhật chiếm đóng. Quân Nhật buộc phải chấp nhận rút lui về Bắc Kạn ngay trong đêm. Bên ta đồng ý và giành quyền kiểm soát pháo đài, vị trí chiến lược bao quát toàn bộ thị xã. Nhờ sự kiên quyết và khéo léo, Việt Minh giành chính quyền ở thị xã Cao Bằng mà không có tiếng súng nổ. Những ngày sau đó, mỗi khi nhìn lên pháo đài, nơi có lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang tung bay, người dân Cao Bằng chúng tôi luôn tự hào dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đứng lên mạnh mẽ giành chính quyền, giành độc lập, tự do cho dân tộc và đất nước”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9: Sống mãi những ký ức hào hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO