Kỷ niệm 40 năm chiến thắng xuân Mậu Thân 1968: Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng

<_o3a_p>| 25/01/2008 15:00

Bốn mươi năm trước, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định và Bộ tư lệnh biệt động Sài Gòn đã quyết định thành lập một tiểu đoàn biệt động nữ, tập trung những người nắm chắc địa bàn để thâm nhập sâu vào nội ô Sài Gòn, đặt tên là tiểu đoàn Lê Thị Riêng. Nữ đảng viên trung kiên 21 tuổi - Đào Thị Hồng Nga - làm tiểu đoàn trưởng. Đông đảo chị em trong tiểu đoàn đã từng hoạt động bí mật, chiến đấu trong nội thành nên rất am hiểu địa bàn. Đội quân này đã góp phần vào sự thắng lợi của cuộc tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

Chị Đào Thị Hồng Nga quê ở xã Phú Thứ huyện Châu Thành, Cần Thơ, vào biệt động thành lúc 16 tuổi. Trước đó, chị đã là đảng viên, xã đội phó kiêm bí thư xã đoàn. Đêm 30 rạng ngày 31/1/1968, ngay trong Tết Mậu Thân, cuộc tấn công đợt 1 đã bắt đầu trên toàn miền, đồng loạt nổ ra khắp các tỉnh, thành phố. Để giữ bí mật, bất ngờ, tại Sài Gòn - Gia Định đợt I được phân thành hai cao điểm (từ 31/1/1968 đến 12/2/1968 và từ 17/2/1968 đến 25/2/1968). Trong đợt I, hầu hết các cơ quan đầu não, hệ thống kho tàng, sân bay, bến cảng của địch trong nội thành và toàn miền đều bị quân dân ta tấn công.

Để cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đạt kết quả, vào 21 giờ đêm giao thừa của Tết Mậu Thân 1968, tranh thủ lúc cảnh nhộn nhịp đón giao thừa, địch chủ quan, Bộ tư lệnh biệt động Sài Gòn đã tổ chức chớp nhoáng cuộc nói chuyện công khai với nhân dân ngay giữa chợ Bến Thành. Tại cửa tây của chợ, tiểu đoàn trưởng biệt động Đào Thị Hồng Nga đã đứng lên ghế cao (do một chủ sạp hàng Tết cho mượn) thay mặt biệt động thành chúc Tết bà con Sài Gòn. Giữa trung tâm Sài Gòn, chị đã đọc bài thơ chúc Tết xuân 1968 của Bác Hồ. Giọng chị cất lên rắn rỏi, hiên ngang. Bà con Sài Gòn nín lặng, nghe và nhớ mãi:

“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng trận tin vui khắp nước nhà

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên toàn thắng… ắt về ta!”

Cùng lúc đó, các chị trong tiểu đoàn biệt động đã giương cao cờ giải phóng cỡ lớn (rộng 1,8 m, dài 2,4 m) của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, nhân dân hò reo, hưởng ứng. Cuộc diễn thuyết chỉ xảy ra chớp nhoáng nhưng đã để lại dấu ấn khó quên cho nhân dân và sự cảm phục người nữ biệt động thành trẻ dũng cảm.

Sau đó, Bộ tư lệnh biệt động Sài Gòn ra lệnh tiếp tục vào đợt hai của tổng tiến công. Ngày 27/4/1968, tiểu đoàn trưởng Đào Thị Hồng Nga lại nhận thêm lệnh mới: cho tiểu đoàn ém quân và đánh địch ngay tại địa bàn hai quận trung tâm và chi viện tối đa cho quận 4.

Đúng giờ G, từ tối ngày 4 rạng sáng ngày 5/5/1968, tiểu đoàn trưởng cùng đồng đội phải gấp rút và hết sức bí mật hoàn thành việc ém quân, chuyển quân, cất giấu vũ khí và trữ thêm các loại vật dụng, lương thực... cho 150 người của tiểu đoàn ngay giữa lòng địch. Các chiến sĩ nữ biệt động thành được trên 30 cơ sở đầu mối nuôi giấu đã bí mật lọt được an toàn vào trung tâm Sài Gòn.

Rạng sáng ngày 5/5/1968, từ khu vực quận 1, các nữ biệt động bắt đầu hoạt động. Bà con nơi đây xông xáo, ủng hộ, đem các loại bàn ghế, các vật dụng trong nhà đưa ra các con đường làm phòng tuyến hoặc làm chướng ngại vật ngăn chặn quân địch. Bà con ta đã lợi dụng những ống cống kích thước lớn dọc đường Đề Thám (ngày nay) lăn ra giữa đường để ém quân và bố trí súng bảo vệ các tuyến chiến đấu. Lực lượng cảnh sát dã chiến của ngụy quyền Sài Gòn đóng trên tầng 5 của chung cư Cô Giang nhanh chóng phát hiện ra cảnh bài trí của người dân, nhưng cũng án binh bất động để chờ lệnh cấp trên.

Ngay trong khuya ngày 4/5/1968, các chị đã dùng loa phóng thanh tăng âm kêu gọi địch đầu hàng, hô hào trên 100 quần chúng ủng hộ cho cách mạng, đã nổi dậy làm chủ địa bàn trung tâm. Suốt trong đêm mồng 4/5 và ngày 5/5, toàn bộ khu vực Đề Thám, Cô Giang, Cô Bắc, chợ Cầu Muối, sang tới đường Bến Vân Đồn, Q. 4 (ngày nay), tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng đã cùng với nhân dân làm chủ thế trận trong nhiều giờ liền.

Đến nay, sau gần 40 năm tham gia các đợt tấn công xuân Mậu Thân giữa TP. Sài Gòn, chị Hồng Nga đã hơn 60 tuổi, nhưng vẫn nhiệt tình, nhanh nhẹn với các phong trào của cựu chiến binh ở phường, quận... Chị còn tham gia những chuyến đi tìm đồng đội. Chị rất nặng lòng với chiến sĩ của mình, nhất là những người đã hy sinh đến nay vẫn chưa biết các chị nằm ở nơi nào… Cứ mỗi độ xuân về người tiểu đoàn trưởng nữ biệt động thành năm xưa lại nao nao nhớ về đồng đội, nhớ những trận chiến vô cùng ác liệt không thể nào quên trong tổng tiến công xuân Mậu Thân - 1968. O

Nhiều hoạt động kỷ niệm 40 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân và 78 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân mậu Thân, nhiều hoạt động sẽ diễn ra trên cả nước. Vào ngày 10/1/2008, tại TP. Huế, Bộ quốc phòng và tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức hội thảo khoa học để đánh giá lại sự kiện lịch sử trọng đại này. Cũng với nội dung trên, buổi tọa đàm khoa học diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 22/1/2008. Vào lúc 7 giờ ngày 1/2/2008, mít-tinh cấp nhà nước kỷ niệm 40 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân (1968 - 2008) và kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam sẽ được tổ chức trọng thể tại hội trường Thống Nhất. Cũng trong dịp này, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức buổi lễ sơ kết một năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Bên cạnh đó, ngày 27/1/2008 cũng là dịp kỷ niệm 35 năm ngày ký hiệp định Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều triển lãm sẽ tái hiện lại chiến công hào hùng của quân và dân ta cũng như tình hình đổi mới của đất nước. Triển lãm “Khí thế Mậu Thân” sẽ được mở cửa từ ngày 23/1/2008 đến ngày 10/2/2008 tại Nhà văn hóa Thanh Niên; còn tại Công viên Lam Sơn triển lãm “Thành phố vào xuân” sẽ đón khách tham quan từ ngày 25/1/2008 đến 15/2/2008; tại Công viên Chi Lăng, những bức ảnh với chủ đề “Sài Gòn xưa và nay” sẽ được trưng bày cũng từ ngày 25/1/2008 đến 15/2/2008.

NGỌC ÁI

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 40 năm chiến thắng xuân Mậu Thân 1968: Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO