Kỷ niệm 37 năm Ngày nhà giáo Việt Nam | Nhà giáo - nhà khoa học sáng tạo

NHƯ QUỲNH| 20/11/2019 09:46

KHPTO - Họ vừa là nhà giáo tận tình trong việc giảng dạy, vừa là nhà khoa học say mê nghiên cứu. Năm 2019, có nhiều nhà giáo, nhà khoa học được vinh danh trong nước cũng như thế giới.

TS. Nguyễn Thị Hiệp, trưởng khoa kỹ thuật y sinh, Trường đại học quốc tế (ĐHQG-HCM) đã được tạp chí Asian Scientist vinh danh là một trong 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á năm 2019, do có những đóng góp nổi bật cho cộng đồng trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh.

Trước đó, năm 2016, với đề tài nghiên cứu những phát hiện mới của loại vật liệu titanium trong ngành nha khoa phục hồi, nữ tiến sĩ trẻ đã giành được giải thưởng L'Oreal và được hội đồng giải thưởng khoa học L'Oreal - UNESCO đánh giá có năng lực cao, khả năng nghiên cứu tốt, tâm huyết với khoa học và có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế vật liệu sinh học. Năm 2017, cô xuất sắc đoạt giải nhất giải thưởng ASEAN - US về “Giải pháp giảm áp lực lên các thành phố đô thị hóa nhanh - mảng sức khỏe cộng đồng”. Năm 2018, cô nhận được giải thưởng L'Oréal - UNESCO vì đã phát triển một loại gel nano thông minh có thể đẩy nhanh quá trình tái tạo mô. Công trình nghiên cứu này giúp cô đoạt giải nhất Giải thưởng sáng tạo TP.HCM năm 2019. Tính đến nay, TS. Hiệp có tổng cộng 107 công trình khoa học, trong đó có 2 chương sách chuyên khảo, 50 bài báo khoa học trên các tạp chí thuộc ISI, 6 bài trên các tạp chí quốc tế khác, 10 bài trên các tạp chí trong nước, hơn 35 bài trong kỷ yếu hội nghị quốc tế và 4 sáng chế.

TS. Nguyễn Thị Hiệp cho biết cô rất bất ngờ và vui mừng khi có tên trong danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á.

Cô nói: “Từng làm công tác tư vấn tuyển sinh tôi nhận thấy hiện nay, đa số các bạn trẻ chỉ chú trọng chọn ngành nghề sao cho dễ tìm kiếm việc làm hay có thu nhập cao mà chưa chú trọng lĩnh vực khoa học công nghệ. Trong khi đó, khoa học công nghệ là sức mạnh quan trọng của mỗi quốc gia, mình phải tự nghiên cứu, khám phá và làm chủ nó mới phát triển được. Qua sự kiện này, tôi hy vọng mình có thể góp phần truyền thêm niềm tin, động lực cho các bạn trẻ làm nghiên cứu khoa học”.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai, trưởng khoa hóa học, Trường đại học khoa học tự nhiên (ĐHQG-HCM), giải nhì Giải thưởng sáng tạo TP.HCM 2019 với đề tài “Xây dựng quy trình chiết xuất nọc ong Apis mellifera và đánh giá tác dụng dược lý theo hướng sử dụng hỗ trợ điều trị viêm khớp”.

Các nước trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nga… đã nghiên cứu rất nhiều về các phương pháp chiết xuất nọc ong. Đa số các nhóm nghiên cứu tại các quốc gia này tập trung vào khả năng giảm đau, chống viêm khớp của nọc ong. Các nghiên cứu đã chứng minh tác dụng điều trị viêm thấp khớp của nọc ong rất hiệu quả. Song ở Việt Nam, phương pháp

này hiện vẫn chưa được phổ biến rộng rãi. Trong khi đó, tỷ lệ bệnh viêm khớp nói chung hiện nay ở Việt Nam khá cao, chi phí điều trị rất lớn. Do đó, việc nghiên cứu về các ứng dụng của nọc ong trong y học là rất cần thiết.

Năm 2010, trong một lần tham gia nghiên cứu về keo ong tại các trang trại nuôi ong ở Nhật, cô tình cờ biết đến nọc ong. Từ đó, cô và các cộng sự của mình bắt đầu nghiên cứu sâu về quy trình chiết xuất nọc ong. Thành công bước đầu, cô mạnh dạn trình bày đề tài lên Sở khoa học và công nghệ và được duyệt. Thời gian này, nhóm nghiên cứu tìm kiếm đầu tư từ doanh nghiệp nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Tất cả đều từ chối do thời gian đầu tư khá dài hạn cũng như tính khả thi của đề tài... Sau đó, cô đã hợp tác với Viện y dược học dân tộc TP.HCM để triển khai đề tài với mục tiêu sản xuất thuốc tiêm.

Hiện nhóm đang nghiên cứu bào chế, đánh giá tác dụng chống viêm giảm đau của thuốc thủy châm (tiêm vào huyệt) và cao xoa ngoài chiết xuất từ nọc ong trên thực nghiệm và trên bệnh nhân đau lưng, viêm quanh khớp vai và thoái hóa khớp gối để phát triển thuốc điều trị bệnh viêm khớp từ nọc ong, vốn đã và đang được sử dụng trong dân gian nhưng chưa có cơ sở khoa học. Đây là nghiên cứu lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam về quy trình chiết xuất, tinh chế, phân tích thành phần, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cơ sở của nọc ong cũng như đánh giá độc tính cấp, độc tính bán trường diễn và tác dụng kháng viêm, giảm đau của nọc ong trên động vật thực nghiệm.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai, trưởng khoa hóa học, Trường đại học khoa học tự nhiên (ĐHQG-HCM).

TS. Nguyễn Thị Lệ Thu, Trường đại học bách khoa (ĐHQG-HCM), giải nhì đề tài “Nghiên cứu tổng hợp polyurethane “tự chữa lành” ứng dụng trong chế tạo sản phẩm polymer kỹ thuật chống rạn nứt”. Vật liệu polymer ứng dụng làm các sản phẩm kỹ thuật dưới tác động ứng suất hoặc dao động liên tục sẽ dễ bị rạn nứt, dẫn đến tình trạng suy giảm tính chất và hư hại vật liệu. Vì vậy, nhóm đã nghiên cứu chế tạo một loại vật liệu polymer mới “tự lành”, có khả năng “tự phục hồi” khi bị rạn nứt hay biến dạng. Nghiên cứu chế tạo ra vật liệu tự lành không chỉ là hướng nghiên cứu mới ở Việt Nam, mà cả trên thế giới. Việc chế tạo ra vật liệu kỹ thuật “tự chữa lành” khi xuất hiện vết rạn tế vi giúp cho sản phẩm có tuổi thọ sử dụng cao, nhờ đó giảm thiểu chi phí sửa chữa, đem lại hiệu quả ứng dụng của sản phẩm và hiệu quả kinh tế.

TS. Thu cho biết: “Tôi đã yêu thích nghiên cứu từ lúc còn là sinh viên ở khoa công nghệ vật liệu, Trường đại học bách khoa. Đề tài đầu tiên tôi đến với nghiên cứu khoa học là đề tài thực hiện cho luận văn tốt nghiệp đại học, và tôi được truyền thêm lửa từ các thầy cô hướng dẫn. Sau đó, tôi có cơ hội được học nghiên cứu sinh và nghiên cứu sau tiến sĩ trong các nhóm nghiên cứu uy tín ở Hà Lan và Vương quốc Bỉ, học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu và tác phong làm việc trong khoa học. Từ đó, niềm đam mê nghiên cứu khoa học càng lớn dần lên. Khi trở về Việt Nam, tôi tiếp tục niềm đam mê nghiên cứu khoa học với một hướng nghiên cứu hoàn toàn mới cùng với các bạn đồng nghiệp trẻ, phần lớn là các bạn học viên cao học và sinh viên tại Trường đại học bách khoa”.

TS. Thu cho biết, cô rất vui khi được trao giải thưởng sáng tạo của thành phố. Đây là sự ghi nhận và ủng hộ những nỗ lực trong nghiên cứu của cô, tạo thêm động lực để nhóm tiếp tục theo đuổi đam mê trong khoa học. Tương lai, nhóm tiếp tục nghiên cứu chế tạo và cải thiện tính chất của nhiều hệ vật liệu polymer thông minh “tự lành” với các hướng ứng dụng khác nhau, chẳng hạn sơn “tự lành vết xước”…

TS. Nguyễn Thị Lệ Thu, Trường đại học bách khoa (ĐHQG-HCM)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 37 năm Ngày nhà giáo Việt Nam | Nhà giáo - nhà khoa học sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO