Kỹ năng mềm ngày càng được nhà tuyển dụng xem trọng

N.Hoa| 30/03/2019 19:03

KHPTO - Kỹ năng mềm (KNM) là những yếu tố liên quan đến trí tuệ cảm xúc như hành vi ứng xử của con người, các tương tác với bạn bè, đồng nghiệp, cách làm việc nhóm… Có thể nói, KNM là nghệ thuật sống và với bất cứ người nào cũng nên hoàn thiện để hài hòa các mối quan hệ trong cuộc sống. Đặc biệt với sinh viên (SV), KNM trở nên hết sức quan trọng. Trong xã hội hiện đại, KNM là một yếu tố quan trọng giúp con người thành công trong cuộc sống.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, KNM quyết định 75% thành công của con người còn kỹ năng cứng (hay kiến thức, trình độ chuyên môn) chỉ chiếm 25%. KNM sẽ quyết định bạn là ai, bạn làm việc như thế nào và hiệu quả từ công việc bạn sẽ mang lại. Những tiêu chuẩn để đánh giá con người như sự tận tâm, tính dễ chịu cũng là những nhân tố dự báo quan trọng đối với thành công trong nghề nghiệp giống như khả năng về nhận thức và kinh nghiệm làm việc.

Chính vì vậy, KNM được nhiều nhà tuyển dụng xem trọng. Khảo sát của CareerBuilder cho thấy, khi đánh giá một ứng viên tiềm năng cho công việc, phần lớn các nhà tuyển dụng khẳng định KNM quan trọng hơn kỹ năng cứng. Những nhà tuyển dụng hàng đầu có xu hướng chọn ứng viên phù hợp với văn hóa công ty, cả khi điều này đồng nghĩa với việc họ phải tốn thời gian để huấn luyện lại. Lý giải, nhà tuyển dụng cho rằng nhân viên sẽ làm việc với nhau hiệu quả và gắn bó để cùng đạt được mục tiêu chung vì họ hợp tác được với đồng nghiệp, phù hợp với văn hóa công ty. Dưới mọi góc độ, điều nay mang lại lợi ích đáng kể cho tổ chức.

Ngoài việc có tinh thần trách nhiệm cao, các KNM có thể giúp các nhà tuyển dụng tiềm năng nhận ra bạn là một người linh hoạt, có khả năng thích nghi và giải quyết vấn đề nhanh chóng cũng như bạn là người đáng tin cậy, có thể dẫn dắt và thúc đẩy đội nhóm.

KNM là nhân tố thiết yếu đối với thành công và hạnh phúc của mỗi cá nhân, nhưng ở Việt Nam bộ môn này hiện chưa được đưa vào chương trình học chính khóa; rất ít trường giảng dạy một cách hệ thống các KNM cần thiết cho SV. Phần lớn người học phải tự học, tìm kiếm đến các trung tâm bên ngoài. Thường thường họ theo học một vài khóa học KNM ngắn hạn như KN giao tiếp, thuyết trình… rồi nhanh chóng quên đi vì không vận dụng thường xuyên.

Nhiều sinh viên tự tin về kỹ năng thuyết trình

Đánh giá về thực trạng kỹ năng mềm của sinh viên một số trường đại học tại TP.HCM, tác giả Huỳnh Văn Sơn, Trường đại học sư phạm TP.HCM đã nghiên cứu 1212 SV, 488 GV tại các trường đại học trên địa bàn TP.HCM.

Theo đánh giá của SV và GV thì KN thuyết trình là KN nhiều SV hiện nay tự tin và thực hiện tốt nhất. Điều này hoàn toàn phù hợp bởi nhiều trường đại học hiện nay đều áp dụng phương pháp dạy học tích cực lấy SV làm trung tâm. Dựa trên những yêu cầu của GV, SV phải tham gia hoạt động nhóm và trình bày sự hiểu biết của mình. Ngay từ năm nhất, phương pháp dạy học tích cực này được SV trải nghiệm và thực hành trong quá trình học tập tại trường đại học. Chính nhờ vậy, KNM thuyết trình và KN làm việc nhóm được xem là hai KN SV thực hiện khá tốt. Đây chính là một lợi thế của SV bởi lẽ KN thuyết trình và KN làm việc nhóm là hai KN quan trọng và góp phần tạo nên sự thành công của cá nhân trong tổ chức, doanh nghiệp.

KN thuyết trình giúp cá nhân trình bày và diễn đạt một cách thuyết phục ý kiến của mình trước tập thể trong khi đó KN làm việc nhóm sẽ huy động được sức mạnh tập thể, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Trong bất kì công ty, tổ chức nào cũng yêu cầu cá nhân phải có KN làm việc nhóm và khả năng hòa hợp và tạo dựng mối quan hệ tốt với cộng đồng.

Kết quả phỏng vấn SV P. N. cho biết: “Các môn học các GV đều tạo điều kiện cho SV thuyết trình theo nhóm, chính vì vậy bản thân em được thực hành trong rất nhiều môn học về hai KN này. Tuy nhiên, những kiến thức và yêu cầu KN trên phương diện khoa học thì chưa nắm rõ mà chỉ dừng ở mức tự rút kinh nghiệm... Nếu như em được trang bị chi tiết hơn qua những nhận xét thì sẽ tự tin hơn”.

Theo đánh giá của GV, SV hiện nay bước đầu có KN sử dụng công nghệ thông tin và KN sáng tạo ở một mức độ. Đây cũng được xem là một thế mạnh của SV trong thời đại mới. SV là tầng lớp tri thức năng động, tích cực nên học hỏi và ứng dụng rất nhanh công nghệ thông tin. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin và sáng tạo trong quá trình học tập thông qua những bài tập nhóm được giao. Thực tế cho thấy, khá nhiều SV có thể ứng dụng và sử dụng các phần mềm soạn thảo, phần mềm trình chiếu, chỉnh sửa ảnh, cắt ghép video và tìm kiếm thông tin trên mạng để truyền tải nội dung thuyết trình một cách ấn tượng. Kết quả phỏng vấn cũng cho kết quả tương tự, cô N. T. H cho biết: “Khi giao bài thuyết trình nhóm lấy điểm giữa kỳ, nhiều nhóm SV làm cô rất bất ngờ vì khả năng sử dụng các phần mềm máy tính quá tuyệt vời, nhiều nhóm sử dụng những phần mềm trình chiếu đòi hỏi phải được đào tạo qua các lớp đồ họa mới có thể sử dụng như Animoto, Bunkr, Powtoon, Prezi… cùng các ứng dụng hỗ trợ giảng dạy, thuyết trình như Quizziz, Kahoot, Classtools… Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình học tập có thể nói là một thế mạnh của SV hiện nay”.

Tuy nhiên, nhìn chung, thực trạng KNM của SV thông qua cuộc khảo sát này cho thấy chỉ đạt ở mức trung bình hướng dần đến khá. Kết quả đánh giá của SV cho thấy điểm trung bình KNM từ 3,07 đến 3,73 – ứng với mức khá và trung bình của thang đo. Theo đánh giá của GV, các KNM có điểm trung bình trên 3,4 rơi ở mức khá của thang đo. Có sự khác biệt ý nghĩa giữa mức độ đạt được các KNM căn bản ở các nhóm ngành khác nhau. Đứng vị trí đầu tiên là nhóm ngành khoa học tự nhiên với điểm trung bình là 3,55. Đứng vị trí thứ hai là nhóm ngành kinh tế – tài chính với điểm trung bình là 3,51 và cuối cùng là nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn với điểm trung bình là 3,45. Kết quả cũng cho thấy có sự khác biệt trong nhận thức về vai trò của KNM giữa nam và nữ; giữa SV năm 2 và năm 4; giữa SV có học lực khá và học lực trung bình; giữa có tham gia khóa học KNM và không tham gia khóa học KNM.

Kết quả khảo sát cho thấy, cần có giải pháp cải tiến việc rèn luyện KNM cho SV đại học tại TP.HCM, bởi lẽ những thay đổi và sự đầu tư ban đầu của nhiều trường đại học vẫn chưa thể rèn luyện KNM cho SV các trường đạt ở mức khá, tốt hay như sự mong đợi. Điều này cho thấy việc phân tích các yếu tố tác động hay ảnh hưởng đến rèn luyện KNM cho SV hiện nay là rất cần thiết. Đó là cơ sở, là luận cứ quan trọng để đề xuất biện pháp rèn luyện KNM cho SV nói chung và SV các trường đại học tại TP.HCM hiệu quả hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỹ năng mềm ngày càng được nhà tuyển dụng xem trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO