Kinh nghiệm trồng lan Mokara

04/01/2008 14:46

Song song với phát triển dòng lan Dendrobium cắt cành, hiện nhiều nơi đang trồng lan Mokara. Hoa do giống lan này cho năng suất cao, được thị trường ưa chuộng, điều kiện trồng không quá khó. Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Anh (Gò Vấp, TP.HCM) trao đổi kinh nghiệm trồng lan Mokara.

Thiết kế nhà trồng

Trồng lan Mokara cần lưu ý thiết kế hàng trồng, nằm ngang với hướng đông và tây, sẽ không có sự cạnh tranh ánh sáng đáng kể. Thiết kế theo hướng này, cây sẽ nhận đồng đều ánh sáng từ sáng đến chiều. Chiều dài của hàng tùy thuộc vào diện tích đất, chiều ngang 0,7 m. Chiều cao của hàng tính từ mặt đất là 0,3 m. Hàng cách hàng 0,6 m để làm lối đi.

Chất trồng và cách xử lý trước khi xuống giống

Mokara phát triển tốt trên chất trồng là vỏ đậu. Nên chọn vỏ đậu xuất xứ từ Tây Ninh hoặc Tây Nguyên vì vỏ dày, lâu mục, ít nhất là 3 năm mới bổ sung thêm. Chọn vỏ nguyên, không nên lấy vỏ bụi hoặc mục. Vỏ đậu mang về cần xử lý bằng cách xả nước để loại bỏ bụi đất và chất cám (áp dụng cho cả vỏ đậu bổ sung vào những hàng đã trồng). Vỏ đậu sạch giúp cho cây phát triển tốt tránh được mầm bệnh. Xả nước cho vỏ đậu đến khi thấy nước xả trong, không còn màu nâu đỏ là được.

Khi xả nước, vỏ đậu ẩm sẽ làm xuất hiện những con mạt đậu. Nên dùng thuốc trừ côn trùng như Secbar để khử mạt trước khi xuống giống từ 4 - 5 ngày.

Kỹ thuật xuống giống

Cây giống Mokara hiện có hai nguồn chủ yếu: nhập khẩu từ Thái Lan, và từ các nhà vườn đã trồng nhiều năm. Dù từ nguồn nào thì việc sát trùng nấm bệnh cho cây trước khi xuống giống là việc không thể bỏ qua.

Dùng dây nylon bó từ 5 - 10 cây và ngâm phần gốc vào nước có pha thuốc trừ nấm Vicarben theo tỷ lệ ghi trên bao bì trong khoảng mười phút. Vớt ra treo ngược cho ráo nước, cho đến khi xuống giống. Khi xuống giống nên phân loại kích cỡ cây để đảm bảo độ cao đồng đều. Dùng kéo cắt bỏ phần rễ bị gãy hoặc khô. Phần gốc bị đen, cần bôi nước sơn vào gốc.

Cột cây giống cao hơn vỏ đậu 5 cm, không được dùng vỏ đậu lấp rễ. Cây này giao lá với cây kia là được. Có thể trồng hàng đôi hoặc hàng ba. Trồng dọc theo hàng là tốt nhất, vì tiện lợi cho việc phun phân bón lá, thuốc hay bón phân gốc. Trồng dọc theo hàng giúp cây nhận ánh sáng tối đa và đồng đều, độ thông thoáng cao. Nếu xuống giống mùa nắng, nên che hai lớp lưới để tránh cây bị mất nước.

Chăm sóc sau khi xuống giống

Cây mới xuống giống đang mất sức nên rất cần dinh dưỡng và phục hồi bộ rễ. Có thể sử dụng phân bón qua lá có nguồn gốc vô cơ hay hữu cơ, kết hợp với các chất kích thích ra rễ giúp cây phục hồi và rễ mau xuống giá thể. Các loại phân vô cơ hay hữu cơ có tỷ lệ đạm cao như NPK 30-10-10, đạm cá, rong biển, bánh dầu… được sử dụng phun hai ngày một lần theo tỷ lệ hướng dẫn trên bao bì. Chất kích thích ra rễ nên sử dụng mỗi tuần một lần cũng theo hướng dẫn trên bao bì. Đến khi rễ đã xuống giá thể, có thể ngưng kích thích ra rễ, chuyển qua giai đoạn dùng phân bón gốc và giảm thời gian bón phân qua lá mỗi tuần một lần.

Phân bón gốc có thể sử dụng nhiều loại khác nhau tùy điều kiện, có thể bằng bánh dầu, DAP, Dynamic… tất cả những loại này đều dễ tìm trên thị trường. Lưu ý, bánh dầu nên trộn với thuốc trừ kiến, để kiến không phá hỏng bộ rễ. Bón gốc mỗi tháng một lần với liều lượng vừa phải và tưới vừa đủ để bộ rễ có thể hấp thu mà không bị trôi phí. Trong thời kỳ cây mới xuống giống, cây mất sức và yếu nên áp dụng chế độ “cho ăn qua lá” định kỳ đều đặn, kết hợp với việc phun các loại thuốc ngừa nấm bệnh như: Vicarben, Dithane, Aliete, ReDoMin, Score… Trong mùa mưa phun mỗi tuần một lần với các loại thuốc phòng trừ nấm bệnh; mùa nắng mười ngày một lần và luân phiên thay đổi loại thuốc. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm trồng lan Mokara
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO