Kinh nghiệm trồng cây ăn trái an toàn, thân thiện với môi trường

PHẠM MINH NHẬT (Trung tâm khuyến nông Phú Yên)| 19/11/2020 11:49

KHPTO - Trong dịp về công tác tại xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, chúng tôi được mọi người hướng dẫn đến tham quan mô hình trồng cây ăn trái tại gia đình anh Nguyễn Thành Cang - một hộ nông dân rất thành công với việc trồng cây ăn trái, đặc biệt là cây bưởi da xanh tại địa phương.

Hồ hởi đón chúng tôi, anh Cang khoe trong vườn cây ăn trái của gia đình anh hiện có 20 gốc bưởi trồng cách đây khoảng 7 năm, hiện đang ăn trái năm thứ hai, năm ngoái cho thu nhập được 9 triệu đồng, năm nay khá hơn được hơn 30 triệu đồng.

Anh Cang cho biết, trước đây vợ chồng anh làm nghề buôn bán hàng tạp hóa, sau khi lo lắng, dựng vợ, gả chồng cho các con xong, anh chị chuyển về sinh sống trên đất thừa kế của cha mẹ để coi nhà, thờ cúng ông bà và bắt đầu làm vườn với diện tích khoảng 4.000 m2. Ban đầu lập vườn, anh tập tành trồng đủ loại cây nhưng do chưa có kinh nghiệm nên anh nhiều lần thất bại. Sau này được cậu con trai học Đại học nông lâm TP.HCM, hiện đang làm tại Sở nông nghiệp tỉnh Long An động viên, hướng dẫn anh trồng vườn cây ăn trái nên anh bắt đầu tìm hiểu và thử trồng các giống cây ăn trái như bưởi, cam sành, quýt, mít Thái, dừa xiêm lùn, ổi, xoài… trong đó đạt hiệu quả nhất là cây bưởi da xanh. Ngoài ra, anh chị còn tranh thủ trồng rau xanh, rau gia vị ngắn ngày, nuôi gà, vịt dưới tán cây ăn trái, đào ao trồng sen, nuôi cá để có sản phẩm bán chợ cho thu nhập hàng ngày, lấy ngắn nuôi dài. Anh chủ trương sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ nên tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi các phương pháp phòng trừ thủ công, sinh học để hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật làm ảnh hưởng đến chất lượng trái cây và ảnh hưởng đến gà, vịt… nuôi dưới tán bưởi.

Dùng thử trái bưởi da xanh vườn nhà anh Cang, cảm nhận của chúng tôi là vị thanh, ngọt của bưởi da xanh trồng trên đất Hòa Thịnh hơn hẳn bưởi trồng tại các địa phương khác, tuy nhiên trái bưởi da xanh vườn nhà anh không đẹp như bưởi trồng tại các nơi khác do anh hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên bề ngoài có vẻ thô ráp, kém xanh, bóng. Một trái bưởi tại vườn nhà anh Cang có trọng lượng bình quân khoảng từ 1,5 - 2 kg, anh bán với giá từ 45.000 - 50.000 đồng/kg. Để bán được hàng, anh đã nhờ các cháu dưới Tuy Hòa gửi, giới thiệu bạn bè để ăn thử và bán hàng online. Do chất lượng đạt, đảm bảo, được mọi người tin dùng nên bưởi vườn nhà anh thu hoạch đến đâu bán hết đến đó và bán tận TP. Đà Nẵng, TP.HCM… Hiện gia đình anh Cang đang đầu tư, mở rộng diện tích vườn bưởi trồng thêm trên 100 gốc bưởi mới và cải tạo lại vườn cây ăn trái đã trồng trong thời gian qua.

Theo anh Cang, để thành công trong việc làm vườn cây ăn trái thì trước hết cần có vốn, đất đai, sau đó cần phải chuyên cần, ham học hỏi các kiến thức mới. Người trồng phải siêng năng, luôn tìm tòi học hỏi để thành công, ví dụ như xử lý ruồi đục trái thì không cần phun thuốc bảo vệ thực vật, chỉ cần pha vôi bột, ngâm trong nước lạnh với tỷ lệ vừa phải, phun lên trái non rất hiệu quả. Khi bưởi ra hoa phải siêng, sáng nào cũng dậy sớm đi rung bông giúp hoa thụ phấn và rụng bớt tai hoa để khỏi bị sâu tơ cuốn lại làm hư bông. Khi bưởi đậu trái đạt rồi bắt đầu đi tỉa trái để chùm bưởi còn lại khoảng 3 trái. Tùy theo sức khỏe của cây mà để lại trái cho hợp lý, nếu cây yếu sức mà để trái nhiều thì sẽ làm hư cây, chết cây. Để hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong vườn cây ăn trái, xung quanh vườn, quanh tán cây có thể trồng rau màu, hoa quả… để vừa làm đẹp cảnh quan, vừa có thu nhập hàng ngày và mục đích chính là dẫn dụ ong ruồi đến và hạn chế chích phá trái non.

Sau khi thấy được hiệu quả vườn bưởi của gia đình anh Cang, bà con nông dân địa phương cũng học tập làm theo. UBND xã Hòa Thịnh đã xây dựng chương trình khuyến nông với việc hỗ trợ 308 cây giống bưởi da xanh cho 3 hộ nông dân tại địa phương với diện tích 6.500 m2 và số bưởi này cũng bắt đầu ra trái chiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm trồng cây ăn trái an toàn, thân thiện với môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO