Kiểm soát an toàn bức xạ: Yêu cầu cấp thiết

21/12/2007 11:05

Ở nước ta hiện nay, kỹ thuật bức xạ - hạt nhân đã được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, nghiên cứu khoa học và y tế. Nhiều thiết bị bức xạ hạt nhân tiên tiến đã trở thành những công cụ hữu hiệu trong chẩn đoán và điều trị bệnh, bảo quản lương thực - thực phẩm, thăm dò và khai thác tài nguyên như: các máy CT chẩn đoán thế hệ mới, các thiết bị đo - kiểm tra phục vụ sản xuất, xạ hình công nghiệp và kỹ thuật đồng vị phóng xạ được ứng dụng trong quản lý và khai thác nước ngầm ở TP.HCM và các tỉnh đồng bằng Nam bộ. Hiệu quả kinh tế xã hội mang lại không nhỏ và đã được xã hội thừa nhận. Tuy nhiên, bức xạ ion hóa còn có thể gây ra những mối nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường...

Chưa có biện pháp tăng cường an toàn phóng xạ

Tại cuộc hội thảo về an toàn bức xạ tổ chức tuần qua tại TP.HCM, PGS.TS. Lê Hoài Quốc, phó

Kiểm tra bức xạ

giám đốc Sở khoa học và công nghệ TP.HCM cho biết: trên địa bàn thành phố hiện có tổng cộng 594 nguồn phóng xạ các loại, trong đó có 187 nguồn đang sử dụng và 379 nguồn đang được lưu trữ. Số lượng cơ sở bức xạ trong công nghiệp và nghiên cứu đào tạo là 33 đơn vị, đang sử dụng 163 nguồn trong đó công nghiệp 138 nguồn, trong công tác nghiên cứu đào tạo có 25 nguồn. Kết quả thanh, kiểm tra của Sở khoa học và công nghệ cho thấy trong số các nguồn đang sử dụng thì số nguồn được cấp phép chiếm 93%, 5% đang tiến hành xin cấp phép và 2% nguồn không có giấy phép. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là số thiết bị sử dụng nguồn phóng xạ được kiểm định định kỳ còn rất ít, an ninh kho chứa nguồn vẫn chưa đảm bảo như nguồn phóng xạ còn để lưu giữ với những loại vật tư khác (không có kho lưu trữ riêng); công tác kiểm soát nguồn phóng xạ trong các lĩnh vực này chỉ dựa vào việc kiểm đếm định kỳ và chưa có các biện pháp để tăng cường an toàn và an ninh nguồn phóng xạ…

Theo TS. Đặng Thanh Lương, phó cục trưởng Cục kiểm soát và an toàn bức xạ hạt nhân, vấn đề đảm bảo an toàn bức xạ trong việc sử dụng nguồn phóng xạ là hết sức quan trọng. Bởi lẽ nếu để xảy ra mất nguồn, tai nạn bức xạ thì hậu quả sẽ khôn lường. Chất phóng xạ khi phát tán gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nguồn phóng xạ mất kiểm soát (bị mất cắp, thất lạc, bỏ rơi; chuyển giao, lưu giữ và sử dụng bất hợp pháp…) có thể lẫn trong phế thải kim loại, bị nung chảy gây ô nhiễm phóng xạ đối với sắt thép xây dựng. Trên thế giới đã có rất nhiều vụ nhiễm chất phóng xạ gây chết người, ô nhiễm môi trường, thiệt hại nặng nề về kinh tế. Ở nước ta, sự cố gần đây nhất là vụ mất nguồn phóng xạ tại Viện công nghệ xạ hiếm, các nhà khoa học đã tìm thấy nguồn phóng xạ tại nhà số 628 Bạch Đằng, Hà Nội, buộc phải tiến hành tẩy xạ ngôi nhà, đưa trên 100 người trong khu vực đi khám bệnh.

Tăng cường quy chế kiểm soát

Nguồn phóng xạ là gì?

Theo cơ quan năng lượng nguyên tử thế giới (IAEA) nguồn phóng xạ là chất phóng xạ được hàn kín vĩnh viễn trong lớp vỏ bọc hay được nén chặt thành dạng rắn; bao gồm cả chất phóng xạ bị rò ra bên ngoài nếu nguồn phóng xạ bị rò rỉ hay bị vỡ; không bao gồm các chất phóng xạ được đóng gói để chôn cất, vật liệu hạt nhân trong các chu trình nhiên liệu của lò phản ứng.

Vòng đời của một nguồn phóng xạ là từ giai đoạn sản xuất, cung cấp, giao nhận, sở hữu, cất giữ, sử dụng, chuyển giao, nhập khẩu, vận chuyển, bảo dưỡng, tái chế cho đến chôn cất.

Việt Nam hiện đã xây dựng được quy chế phát hiện xử lý nguồn phóng xạ nằm ngoài sự kiểm soát và bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ với những yêu cầu, phương pháp, trách nhiệm cụ thể đối với từng vấn đề liên quan. Yêu cầu cấp thiết hiện nay là xây dựng và hoàn thiện hạ tầng cơ sở cho công tác quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ, hạt nhân. Cụ thể là hoàn thiện hệ thống khai báo, đăng ký, cấp phép, thanh - kiểm tra, xây dựng hệ thống ứng phó sự cố, kho chứa chất thải phóng xạ; kiểm soát chiếu xạ nghề nghiệp, dân chúng, y tế, xây dựng văn hóa an toàn trong dân. Quy chế này hiện đang được triển khai.

TS. Đặng Thanh Lương cho biết kinh nghiệm giải quyết sự cố xảy ra ở khu dân cư: trước hết cần phải ổn định tình hình, làm cho người dân hiểu vấn đề, không quá hoang mang. Vụ phóng xạ tại nhà số 628 Bạch Đằng, Hà Nội cho thấy phải dựa vào tổ chức quần chúng, cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền thì người dân mới yên tâm. Kết quả khám bệnh không có ai nhiễm phóng xạ từ vụ này. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát an toàn bức xạ: Yêu cầu cấp thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO