Kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông đạt nhiều kết quả tích cực

N. HOA| 13/12/2020 16:51

KHPTO - Theo Bộ giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đánh giá 5 năm thực hiện công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên giai đoạn 2015 - 2020 cho thấy, đã có nhiều hoạt động được triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực.

Tính đến tháng 7/2020 có 24.984 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên trên cả nước đã được đánh giá ngoài, đạt tỷ lệ 58,70%. Số lượng này tăng gần 6 lần so với mức 4.206 trường (chiếm tỷ lệ 9,75%) được đánh giá ngoài năm 2014. Công tác tự đánh giá của các cơ sở giáo dục cũng chuyển biến rõ rệt; đạt tỷ lệ 96% cơ sở hoàn thành tự đánh giá.

Phó cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Lê Mỹ Phong cho biết, những năm qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành và tham mưu ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến kiểm định chất lượng giáo dục. Đặc biệt, năm học 2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành một loạt thông tư tích hợp quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục các cấp học; các công văn hướng dẫn tự đánh giá và đánh giá ngoài trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.

Việc thống nhất một bộ tiêu chuẩn đánh giá, một quy trình đánh giá đã tạo nhiều thuận lợi cho các cơ sở giáo dục thực hiện cùng một lúc hai hoạt động, góp phần làm giảm các thủ tục hành chính trong công tác quản lý, giảm công sức, thời gian và chi phí khi triển khai thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Qua thực tiễn triển khai, các địa phương đều khẳng định, công tác kiểm định chất lượng có ý nghĩa và tác động lớn đến việc nâng cao chất lượng giáo dục. Việc có thêm nhiều cơ sở giáo dục được công nhận kiểm định chất lượng đồng nghĩa với việc có thêm nhiều trường nâng cao được các tiêu chuẩn về tổ chức và quản lý nhà trường; chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục… Người hưởng lợi cuối cùng từ quá trình phấn đấu đạt các mức của tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, trường chuẩn quốc gia chính là các học sinh.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, công tác kiểm định chất lượng còn một số hạn chế như: một bộ phận cán bộ quản lý (nhất là quản lý cơ sở giáo dục) chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức về công tác kiểm định chất lượng giáo dục; còn một số địa phương triển khai chậm hoạt động này; chất lượng kiểm định viên chưa đồng đều; đội ngũ cán bộ làm công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục của một số Sở GD&ĐT còn thiếu và luôn có sự thay đổi nên ảnh hưởng hiệu quả triển khai…

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao những kết quả đạt được của công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên giai đoạn 2015 - 2020. Nguyên tắc về kiểm định chất lượng giáo dục được quy định rõ trong các văn bản luật là đảm bảo “độc lập, khách quan, đúng pháp luật”, “trung thực, công khai, minh bạch”. Nếu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục (ban hành năm 2009) hoạt động kiểm định chất lượng chỉ dừng ở việc khuyến khích cơ sở giáo dục tham gia thực hiện, thì Luật giáo dục 2019 đã yêu cầu đây là hoạt động “bắt buộc”, “định kỳ” và thực hiện bình đẳng.

Với sự thay đổi trong quan điểm chỉ đạo đó, những năm qua, đặc biệt giai đoạn 5 năm từ 2015 - 2020, công tác kiểm định chất lượng đã được các nhà trường, địa phương triển khai tích cực, hiệu quả. Hoạt động này tạo diện mạo mới, vị thế mới, tạo chuyển biến tích cực và rõ nét trong công tác giáo dục của các nhà trường, mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh. Trong các nhà trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia và đạt kiểm định chất lượng giáo dục, văn hóa chất lượng từng bước được hình thành. Các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và xã hội ngày càng có ý thức trách nhiệm chung tay xây dựng nhà trường tốt đẹp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông đạt nhiều kết quả tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO