Không cần hoảng loạn vì "vi khuẩn ăn thịt người"!

HỒNG DUNG| 05/10/2019 10:00

KHPTO - Gần đây, thông tin trên mạng nói nhiều đến các trường hợp người dân bị nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người” làm không ít người hoang mang, lo sợ. BS. Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm, Bệnh viện nhi đồng 1 TP.HCM, cung cấp thông tin về loại vi khuẩn này.

“Bệnh đang bàn tán trên mạng trong thời gian gần đây, gọi là bệnh “vi khuẩn ăn thịt người”, thật ra là bệnh có tên Whitmore (hay còn gọi bệnh melioidosis) và do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh và vi khuẩn không dịch sang tiếng Việt, loại vi khuẩn này không phải là loại vi khuẩn ăn thịt người”, BS. Khanh nhận định.

BS. Khanh cho biết thêm, những ca bệnh gần đây trên trang mạng đưa tin, thật ra không phải là bệnh lạ hay mới mà được biết từ rất lâu. Bệnh không lây lan hàng loạt vì đặc tính không lây từ người sang người và cũng không lây từ súc vật sang người nên không dễ bị nhiễm nếu sinh hoạt, vệ sinh sạch sẽ.

Người nhiễm bệnh Whitmore, do làm việc trên vùng đất hoặc nước dơ mà da có vết trầy xước, khi đó vi khuẩn sẽ xâm nhập vào vết trầy xước vào cơ thể, vào máu gây nhiễm trùng máu hay áp xe, loét, hoại tử nhiều cơ quan, trong đó có da. Chính vì vậy, nhiều người lầm tưởng đây là loại vi khuẩn ăn thịt người, gây hoang mang, lo sợ trong thời gian gần đây.

Bệnh hoàn toàn không lây qua đường hô hấp, ăn uống. Bệnh gặp ở người lớn nhiều hơn trẻ em. Đối tượng thường mắc bệnh này ở những người suy giảm miễn dịch, tiểu đường. Người khỏe mạnh khó nhiễm bệnh.

Triệu chứng bệnh rất rõ ràng, rầm rộ, không âm thầm như một số bệnh khác như sốt rất cao kéo dài, triệu chứng suy hô hấp, co giật hoặc viêm - nhiễm trùng phổi kéo dài, loét hoặc hoại tử một hay nhiều vùng da trên người. Những triệu chứng này buộc bệnh nhân phải nhập viện để điều trị.

Theo BS. Khanh, việc quan trọng nhất là bác sĩ điều trị phải nhận định đúng bệnh, xét nghiệm, dùng đúng phác đồ kháng sinh mới tiêu diệt được con vi khuẩn này. Nếu chẩn đoán bệnh sai, dùng không đúng kháng sinh thì kháng sinh đắt tiền, mạnh đến đâu cũng không hết bệnh. Thời gian điều trị cũng rất dài để tránh trường hợp tái phát.

Phòng ngừa bệnh, khi tiếp xúc với đất hay nước không sạch phải có găng hay ủng bảo vệ, rửa sạch tay chân ngay khi tiếp xúc với nước hay đất không sạch. Bác sĩ điều trị cần lưu ý triệu chứng để chẩn đoán và phát hiện bệnh sớm, bệnh mới được điều trị dứt điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không cần hoảng loạn vì "vi khuẩn ăn thịt người"!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO