Khởi nghiệp rất cần kết nối cộng đồng

Quang Tâm| 29/03/2017 15:59

KHPT - Ông Phan Minh Hiếu, giám đốc điều hành Công ty CP công nghệ S3, đại diện nhóm đoạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp IoT Startup TP.HCM lần 1 năm 2016 với đề tài “Đèn đường thông minh S3” đã chia sẻ với cộng đồng Startup xung quanh vấn đề khởi nghiệp.

Tại lễ công bố cuộc thi Startup  IoT TP.HCM lần 2 năm 2017  do Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao  thuộc  Khu công nghệ cao TP.HCM  tổ chức, ông Phan Minh Hiếu, giám đốc điều hành Công ty CP công nghệ S3, đại diện nhóm đoạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp IoT Startup TP.HCM lần 1 năm 2016 với đề tài “Đèn đường thông minh S3”  đã chia sẻ với cộng đồng Startup xung quanh vấn đề khởi nghiệp.

Ông Hiếu cho biết, đến nay, dự án “Đèn đường thông minh S3” đã đi vào ứng dụng thực tế sau thời gian thử nghiệm và hoàn thiện. Được sự hỗ trợ rất lớn của ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM và các đối tác, trong thời gian qua, S3 đã thử nghiệm thành công vào dự án chiếu sáng tại Khu công nghệ cao TP.HCM, quận 9, và dự án chiếu sáng tại Khu dân cư HomyLand, quận 2.

Theo đánh giá của chủ đầu tư thì giải pháp “Đèn đường thông minh S3” đã đạt thành công như tiết kiệm từ 40 - 60% điện năng tiêu thụ, kiểm soát hoàn toàn qua hệ thống máy tính, đặt lịch trình giảm độ sáng khi về khuya, cảnh báo sự cố về nguồn điện cung cấp, hay sự cố đèn chiếu sáng...

Dự kiến trong thời gian tới, S3 sẽ chính thức ra mắt dự án đèn đường thông minh sau khi đã hoàn thiện. Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện công tác chuẩn bị và thương lượng với các đối tác thương mại để sản phẩm ra đời với các tính năng tối ưu, giá thành phù hợp với các dự án hạ tầng đô thị và dự án bất động sản đang phát triển nhanh tại Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện dự án đèn đường thông minh, S3 cũng đang tổ chức từng bước khép kín hạ tầng và quy trình sản xuất thiết bị liên quan đến dự án.

Về kinh nghiệm làm startup, ông Hiếu chia sẻ, sau khi đã học tập và làm việc trong lĩnh vực IT, có gần 10 năm làm việc cho Điện lực Tây Úc, ở môi trường này, ông được tiếp xúc với các công nghệ hàng đầu về lưới điện thông minh và hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh. Thật sự, ông rất may mắn khi có được sự đồng hành của anh Đồng (Đỗ Nguyên Thanh Đồng, giám đốc điều hành Công ty CP công nghệ ACIS, một trong những doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về giải pháp và thiết bị EASY CONTROL. Hiện anh Đồng đang phụ trách kỹ thuật của Công ty CP công nghệ S3) và anh Hiệp (Tăng Phan Thanh Hiệp) khi cùng bắt tay nghiên cứu và phát triển dự án “Đèn đường thông minh S3”.

Theo ông Hiếu, cộng đồng và cá nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là IoT tại Việt Nam hiện nay còn chưa có nhiều điều kiện thuận lợi. Ngoài việc đam mê khởi nghiệp với những ý tưởng cá nhân nhưng các bạn cũng nên làm việc theo mạng lưới kết nối, bắt đầu từ thành công nhỏ và từng bước tham gia các dự án lớn dần. Ở Úc hay ở các nước châu Âu, các công ty lớn đều có sự ưu tiên cho các cá nhân, công ty khởi nghiệp tham gia gói thầu từng phần tùy theo năng lực và sáng tạo.

Hiện nay, trên thế giới, IoT là xu thế phát triển vì công nghệ phát triển không biên giới, có rất nhiều ứng dụng ở hầu hết lĩnh vực, ngành nghề nên đây cũng chính là động lực cho cộng đồng và cá nhân khởi nghiệp. Tuy nhiên, khởi nghiệp cũng chưa hẳn thành công. Đa phần, các bạn khởi nghiệp IoT thích tập trung vào giải pháp phần mềm và sử dụng thiết bị sẵn có của bên thứ ba, các bạn cũng cân nhắc kết nối với các giải pháp về phần cứng của cộng đồng IoT Việt để có thể tạo ra các giải pháp hoàn chỉnh công nghệ thuần Việt. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư tài chính và nguồn nhân lực tham gia để phát triển hoàn thiện dự án, sản phẩm đưa vào triển khai đại trà cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong quá trình thương mại hóa sản phẩm. Các bạn nên tận dụng sự hỗ trợ của các vườn ươm để có thể tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng.

Ong_Le_Hoai_Quoc_phat_bieu_khai_mac_IoT_lan_2

PGS.TS. Lê Hoài Quốc tại buổi lễ công bố cuộc thi lần 2      

Phát động cuộc thi khởi nghiệp iot Startup 2017 “Connected devices” TP.HCM lần 2

Tại lễ công bố cuộc thi khởi nghiệp dành cho cộng đồng IoT TP.HCM lần 2 năm 2017 với chủ để “Connected Devices”, PGS.TS. Lê Hoài Quốc, trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết: “Cuộc thi lần 2 nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đam mê sáng tạo trong giới trẻ và cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, góp phần ươm tạo, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp IoT bền vững...”.

Theo ban tổ chức, cuộc thi lần 2 được mở rộng quy mô toàn quốc với kỳ vọng tiếp nhận nhiều sản phẩm dự thi có tính thương mại hóa cao. Tổng giá trị giải thưởng trên 100 triệu đồng, trong đó giải nhất được 50 triệu đồng. Cơ cấu giải thưởng dành cho giải khuyến khích và giải dành riêng cho ý tưởng sản phẩm. Thời gian diễn ra từ tháng 4 - 10/2017 với sự hỗ trợ của ban tổ chức từ giai đoạn lên ý tưởng, hoàn thiện sản phẩm mẫu, đánh giá chất lượng sản phẩm trên thực tế và hỗ trợ mời gọi góp vốn đầu tư. Các đề tài hướng đến như: Smart City, tự động hóa ngôi nhà, tiết kiệm năng lượng, nông nghiệp thông minh, sản xuất thông minh, bán lẻ thông minh, an ninh và sức khỏe. Đối tượng có năng lực, ý tưởng sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp đều có thể tham gia.

Để nhân rộng cuộc thi, ban tổ chức đã có kế hoạch truyền thông rộng rãi đến các trường đại học, cao đẳng, cộng đồng và cá nhân khởi nghiệp trên cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi nghiệp rất cần kết nối cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO