Khoa học - Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh 5 năm tới: phải theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đô thị của Thành phố

17/12/2005 10:00

Đại hội Đảng bộ TP.HCM vừa kết thúc thành công. Đây cũng là dịp để đánh giá, nhìn nhận lại quá trình phát triển của thành phố, nhất là trong 5 năm vừa qua nhằm phát huy những thành công và “tìm bệnh, chữa trị” những chỗ yếu kém. Riêng về lĩnh vực khoa học - công nghệ, mặc dù đã có nhiều tiến bộ được ghi nhận, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được những đòi hỏi của yêu cầu phát triển.

Công trình xây giếng lọc nước ô nhiễm trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Chưa tương xứng với tiềm năng

TP.HCM có thế mạnh về giáo dục - đào tạo và khoa học - kỹ thuật, lao động có tay nghề; đây là những yếu tố thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế kỹ thuật cao và dịch vụ hiện đại. Thành phố hiện có 32 trường đại học, 20 trường cao đẳng và 29 trường trung học chuyên nghiệp với tổng số cán bộ giảng dạy là 11.254 người; có hơn 60 viện và trung tâm nghiên cứu; 230.000 người có trình độ cao đẳng trở lên, trong đó có gần 3.000 tiến sĩ và 5.000 thạc sĩ. Có thể nói, thế mạnh về nhân lực, Khoa học & Công nghệ là một thế mạnh cơ bản về phát triển dài hạn của thành phố.

Tuy nhiên, “sự phát triển KH - CN còn chậm, trình độ còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đô thị của Thành phố”, đó là đánh giá được đề cập trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa VIII vừa diễn ra tuần trước. Điều này thể hiện ở chỗ nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình xây dựng và phát triển Thành phố chưa được khoa học lý giải kịp thời và hiệu quả, chưa thường xuyên gắn kết giữa KH - CN và phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân của tình trạng trên một phần là do đội ngũ khoa học thiếu về số lượng và chưa đồng bộ về chất lượng; trong khi đó lại chưa có chế độ sử dụng và đãi ngộ phù hợp nên chưa tạo được không khí hoạt động KH - CN sôi động. Đầu tư cho khoa học vừa thấp, vừa dàn trải, hiệu quả xã hội của các đề tài nghiên cứu còn hạn chế; thị trường công nghệ phát triển chậm; cơ chế quản lý khoa học và công nghệ chậm đổi mới, chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tạo sức bật cho toàn ngành. Một điểm đáng chú ý nữa là có đến 90% số nhân lực và 84% các cơ sở nghiên cứu và trường đại học trên địa bàn Thành phố là của Trung ương, nhưng lực lượng khoa học chuyên nghiệp này chưa được phát huy hết tiềm năng để đóng góp nhiều hơn cho các chương trình phát triển của Thành phố.

Phải nâng tầm để đáp ứng yêu cầu mới

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều ngày 9/12/2005, ngay sau khi bế mạc Đại hội Đảng bộ, ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết: “Để đạt GDP trên 12%/năm đòi hỏi phải phấn đấu rất cao của các cấp, các ngành. Vì vậy chúng ta phải tập trung đẩy mạnh các ngành thâm dụng vốn, thâm dụng chất xám và đặc biệt là đầu tư cho công nghệ cao. Thứ hai, phải tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó dịch vụ phải chiếm tỉ trọng cao”.

Vì vậy, với vai trò của một trung tâm KH - CN lớn của cả nước, theo định hướng trong 5 năm tới, Thành phố sẽ tập trung chủ yếu vào nghiên cứu ứng dụng, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học - công nghệ. Khoa học xã hội và nhân văn tập trung nghiên cứu những vấn đề cơ bản và bức xúc của Thành phố để làm cơ sở cho việc xây dựng các chủ trương phát triển và quản lý xã hội, xây dựng văn hóa và con người Thành phố. Khoa học và công nghệ tập trung các chương trình trọng điểm về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, cơ khí - tự động, vật liệu mới. Khu công nghệ cao, Nông nghiệp kỹ thuật cao và Trung tâm công nghệ sinh học khi được đưa vào hoạt động sẽ tạo nên những động lực thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng các ngành dịch vụ hiện đại, có hàm lượng chất xám cao. Để mở rộng và phát triển thị trường công nghệ, Thành phố sẽ hoàn thiện cơ chế liên kết tam giác kinh tế “Doanh nghiệp - Nhà nước - Cơ sở nghiên cứu khoa học”; tăng cường tổ chức chợ thiết bị công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ. Thành phố sẽ đổi mới căn bản cơ chế quản lý khoa học thuộc thẩm quyền thành phố. Thành phố cũng sẽ phát triển dịch vụ khoa học theo hướng liên kết nghiên cứu công nghệ cao theo đơn đặt hàng của các nước, đồng thời có chính sách thu hút nguồn lực khoa học của trí thức Việt kiều và nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoa học - Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh 5 năm tới: phải theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đô thị của Thành phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO