Khiếm thính ở trẻ cần được phát hiện sớm

04/04/2017 10:09

KHPT-​Cứ mỗi 1.000 trẻ sơ sinh, có khoảng 1 - 3 bé bị điếc. Khoảng một nửa các trường hợp điếc trẻ sơ sinh là do di truyền. Các nguyên nhân khác là do nhiễm trùng trong lúc mang thai hoặc tác dụng phụ của thuốc…

Thế nào là khiếm thính ?
Trong y khoa, khiếm thính là tình trạng mất hoặc giảm thính lực ở nhiều mức độ, từ nhẹ đến điếc đặc ở 1 hoặc 2 tai. Bình thường, trẻ em có thể nghe được âm thanh trong khoảng 0 - 25 decibel. Khiếm thính là khi trẻ không nghe được ở ngưỡng này.

Hậu quả của việc phát hiện muộn
Trong học tập, trẻ sẽ chậm trễ và không có hứng thú trong học tập cũng như hoạt động ở trường, rất khó khăn để nhớ lại các bài học và tiếp thu khái niệm mới. Trẻ quan hệ không tốt với các bạn bè và có xu hướng cô lập. 
Ngôn ngữ của trẻ sẽ không hoặc chậm phát triển, chỉ dùng những câu đơn giản và khó hiểu. Trẻ thường nói líu nhíu và rất khó khăn khi đọc, viết. 
Với mối quan hệ xã hội, trẻ không tập trung lâu, khó khăn để duy trì một cuộc trò chuyện dài, không tham gia vào trò chơi với các trẻ khác, thường bị phân tâm, không xem phim hoặc nghe kể chuyện giải trí và luôn lặp đi lặp lại câu hỏi "cái gì?". Trẻ không chấp hành mệnh lệnh bằng lời nói của người khác vì vậy thường thường được cho là phân tâm, bướng bỉnh.

Yếu tố nguy cơ điếc ở trẻ 
- Trẻ sơ sinh: gia đình có người bị điếc, nhiễm trùng trong lúc mang thai, bị dị tật ở đầu cổ, vàng da nặng, sinh non và trọng lượng dưới 1.500 g, viêm màng não ở trẻ sơ sinh, sử dụng thuốc độc tai trong quá trình thực hiện mang thai, điểm số Apgar lúc sinh thấp, phải nằm ở khoa hồi sức sơ sinh đặc biệt và thở máy hơn 5 ngày, có các hội chứng di truyền.
- Trẻ lớn hơn 2 tuổi: chiếm tỷ lệ khoảng 30%, nguyên nhân có thể do viêm tai giữa thanh dịch, chấn thương đầu nghiêm trọng, viêm màng não, sử dụng thuốc độc tai…

Cần quan tâm và phát hiện sớm
Bình thường, trong 2 tháng đầu đời, trẻ sơ sinh thường giật mình, thức giấc hoặc sợ hãi bởi những tiếng ồn lớn và cường độ cao, tiếng nói của người mẹ có thể trấn an trẻ, và trẻ sẽ tỏ thái độ chú ý lắng nghe. Cha mẹ phải lập tức tham khảo ý kiến bác sĩ nếu thấy con mình có các dấu hiệu cảnh báo như sau: 
- Từ 3 đến 6 tháng: bình thường là trẻ thường hướng mắt và quay đầu về phía có nguồn âm thanh. Hãy nghi ngờ nếu trẻ không phản ứng với lời nói. 
- 6 tháng trở lên: trẻ bình thường hay lắc lư đầu và cơ thể của mình để quan sát, truy ra nguồn gốc của tiếng nói hay âm thanh, hãy cảnh giác nếu con của bạn không thể phát ra âm thanh và nói bập bẹ ở tuổi này.
- 12 tháng: trẻ không nghe thấy được âm thanh như tiếng chó sủa, bước chân, giọng nói người thân, tiếng mở cửa, chuông cửa, điện thoại..., không nhận ra tên của mình. 
- 15 tháng: trẻ không bắt chước được những từ đơn giản đơn lẻ, khi được hỏi, trẻ không chỉ ra được những người thân, vật dụng trong nhà; trẻ phản ứng như nhau với mọi âm thanh khác nhau; trẻ không quan tâm đến âm nhạc, và không bắt chước theo.
- 24 tháng: trẻ không nói được các từ.
- 36 tháng: trẻ không nói cụm từ có 2 từ.
- 48 tháng: trẻ không nói câu đơn giản.

Đi gặp bác sĩ ngay nếu có nghi ngờ
Hiện nay, ở những trường hợp nghi ngờ đặc biệt, có các phương pháp được sử dụng để xác định thính lực cho trẻ là đo điện ốc tai (ECoG: ElectroCochleoGraphy Test) và đo điện thính giác thân não (ABR: Auditory Evoked Potentials Test). 
Ở những nơi y tế phát triển, các trẻ sơ sinh được kiểm tra ngay trong những ngày đầu sau khi chào đời. Để tránh hoặc làm giảm thiểu hậu quả của khiếm thính, cần phải tầm soát, phát hiện sớm tình trạng này ngay trong tháng đầu đời của trẻ, chẩn đoán chính xác trong vòng 3 tháng đầu và bắt đầu điều trị trước khi trẻ được 6 tháng tuổi.
 Khắc phục khiếm thính ở trẻ em không phải là điều đơn giản. Đó là một chuỗi những điều rất phức tạp, đòi hỏi cao sự kiên nhẫn và tình thương dành cho trẻ. Cần có sự quan tâm trước hết của gia đình và nhà trường. Sau đó là sự phối hợp đa ngành của các bác sĩ nhi khoa, bác sĩ thính học, chuyên gia ngôn ngữ, tâm lý học và nhà trợ thính giúp trẻ phục hồi sức nghe - phát triển ngôn ngữ; hội nhập - cải thiện giao tiếp; nâng cao đời sống tình cảm - xã hội, cũng như chuẩn bị cho học hành và nghề nghiệp tương lai. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khiếm thính ở trẻ cần được phát hiện sớm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO