Khi thư viện không còn là thư viện

NHƯ QUỲNH| 07/05/2010 15:45

Theo TS. Võ Văn Nam, Trường đại học sư phạm TP.HCM, thư viện là bộ mặt văn hóa của trường đại học, ở đó tập trung những người trí thức, những người lấy “lạc thú trí tuệ” làm mục tiêu. Nhưng thực tế đáng buồn là hiện nay nhiều sinh viên xem đây là nơi để gặp mặt bạn bè, nghe nhạc, tán gẫu, thậm chí có sinh viên chọn thư viện là nơi lý tưởng để... ngủ!<_o3a_p>

Nơi văn hóa nhưng cư xử chưa văn hóa

Cô Phạm Thị Hiền Hoa, phó giám đốc thư viện Trường đại học sư phạm TP.HCM kể: “Có hôm, tôi gặp một nữ sinh viên kê 5 cái ghế lại để ngủ, nằm ngay “mặt tiền” của thư viện. Tôi đến nhắc nhở nhiều lần nhưng em đó vờ như không nghe, ngủ tiếp. Cuối cùng tôi buộc phải yêu cầu em trình thẻ để phản ảnh với nhà trường, lúc đó em mới thấy sợ và vội vàng ngồi dậy”. Vào thư viện chúng ta thường thấy hình ảnh các bạn sinh viên “hiên ngang” ngồi ngủ ngay tại chỗ ngồi, có người còn để tập, sách lại để “xí chỗ” và ung dung đi ăn uống ở bên ngoài, mặc cho nhiều người không có chỗ phải đứng chờ bên ngoài.

Huỳnh Công Kiều Xuân, khoa tiếng Pháp, khóa 32 bức xúc: “Thư viện đang yên tĩnh, bỗng bị khuấy động bởi tiếng chuông điện thoại đổ dồn của một bạn nữ, rồi bạn ấy nghe tại chỗ. Mọi người quay lại nhìn khó chịu vì tiếng nói cười khá lớn gây phiền nhiễu. Cô quản lý nhẹ nhàng nhắc nhở, tôi hơi “choáng” khi thấy bạn đứng lên, dáng khá cao và vẻ ngoài ưa nhìn, nhưng trong môi trường thư viện sư phạm, có lẽ chiếc áo thun, không tay, cổ trễ sâu mà bạn ấy đang mặc chẳng hợp tí nào. Tiếng dép lê lẹp xẹp tiếp tục khiến nhiều ánh mắt đổ dồn về phía bạn ấy một cách khó chịu”.

Bước vào thư viện, các sinh viên thường gặp người quản lý thư viện để quét thẻ, sau đó được nhận chìa khóa tủ để cất cặp. Nhưng quét thẻ cũng không dễ. Một sinh viên giải thích: “Thẻ sinh viên của các bạn được gìn giữ rất cẩn thận, để tránh trầy xước, gãy thẻ, các bạn cho vào bìa nhựa có dây đeo. Có bạn còn để trong bao da. Nhìn thẻ sinh viên trên cổ các bạn đẹp lung linh hẳn lên. Nhưng rồi các bạn cứ để nguyên thẻ trong bao và còn... trên cổ cho thầy quét. Thật khó khăn khi cái máy quét thấp hơn nhiều so với chiều cao của các bạn. Vậy là phải cúi thấp xuống, một vài bạn mặc áo có cổ “thiếu vải” khiến thầy hơi ngại ngùng. Nhưng cuối cùng cũng không thể đăng nhập tên vào máy bởi nó không đọc được qua lớp bìa nhựa. Lúc đó, sau khi tốn khá nhiều thời gian mà không có kết quả, các bạn mới tháo thẻ đưa cho thầy”.

Cần có văn hóa trong môi trường thư viện

Cô Nguyễn Thị Mai, khoa tiếng Trung, cho rằng thư viện là một giảng đường tự học, tuy mỗi người đều có quyền tự do trong ăn mặc, nhưng hãy công nhận nơi đây không phải là “sàn diễn” nên cần ăn mặc sao cho phù hợp. Phần lớn phòng đọc tại các thư viện là phòng tự học, vì vậy sự yên tĩnh cần được triệt để tôn trọng, sinh viên cần giữ gìn trật tự, yên lặng, trong quá trình học nhóm, nếu muốn trao đổi thì cần nói khẽ, không quá ồn ào, tránh ảnh hưởng đến người khác. Các bạn cũng không nên xem yếu tố yên tĩnh của thư viện là nơi lý tưởng để đi vào “giấc mộng đẹp”!

Đối với người thủ thư, cũng có không ít sinh viên phàn nàn rằng họ quá khó tính, khó gần. Cô Phạm Thị Hiền Hoa nhận xét: “Cán bộ thư viện ngày nay không thể chỉ bằng lòng là những người thủ kho giữ tài liệu với phương châm vui vẻ, hòa nhã, nhiệt tình mà phải là những hoa tiêu trong đại dương thông tin, phải năng động, thạo nghề, có trình độ ngoại ngữ, tin học để chỉ ra những tài liệu mà bạn đọc cần một cách nhanh nhất, chính xác nhất. Bên cạnh đó, cán bộ thư viện phải luôn có ý thức trách nhiệm động viên, nuôi dưỡng thói quen và sự hứng thú đọc sách của sinh viên”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi thư viện không còn là thư viện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO