Khi nông dân ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Bài, ảnh: Tuyết Mai| 03/07/2017 10:45

KHPTO - Cuối tuần qua, Sở khoa học và công nghệ (KH&CN) TP.HCM phối hợp với tạp chí Khám phá tổ chức chuyến tham quan mô hình ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Cần Giờ, TP.HCM. Cụ thể, đoàn đã được tham quan về quy trình sấy yến và sấy cá theo công nghệ mới, đem lại nhiều hiệu quả về kinh tế, xã hội cho người sản xuất.

Sấy tổ yến bằng không khí:

Tại cơ sở yến sào Gấm Lộc (ấp An Lộc, xã Tam Thôn Hiệp), đoàn đã được mục sở thị quy trình sấy yến tại cơ sở. Yến sau quá trình làm sạch được đưa vào sấy theo công nghệ sấy không khí. Theo bà Võ Thị Gấm – chủ cơ sở - sấy là một công đoạn cực kỳ quan trọng được áp dụng trong sản xuất, bảo quản tổ yến. Hầu hết tổ yến khi mới vừa chế biến có độ ẩm từ 90 – 100%, đây là độ ẩm quá cao cho quá trình bảo quản lâu dài. Mặt khác, ở điều kiện này các vi sinh và các loại enzym phát triển rất nhanh làm hư hại cũng như tiêu hao các chất dinh dưỡng có trong tổ yến. Quá trình tách ẩm từ tổ yến sẽ làm chậm tốc độ phát triển của vi sinh, enzym và làm chậm quá trình phân hủy. Đây là bước cần thiết phải thực hiện để bảo quản tổ yến trong thời gian dài.

Qua quá trình theo dõi và được sự tư vấn của các chuyên gia, cơ sở đã đầu tư vào việc sử dụng công nghệ sấy bằng không khí và phương pháp này đem lại nhiều ưu điểm hơn so với phương pháp thủ công.

Theo ông Chu Khắc Minh – công ty TNHH kỹ thuật Thiên Ân, tác giả của máy sấy tổ yến – máy sấy tổ yến (ảnh) hoạt động trên quy trình sử dụng quạt thổi theo nguyên lý chênh áp, dòng không khí đối lưu cưỡng bức tiếp xúc với cả mặt trên và mặt dưới của tổ yến. Nhờ thiết kế buồng sấy kín nên hạn chế thất thoát luồng không khí thổi. Lượng khí thổi và khí ẩm thoát ra được tách riêng cho từng vỉ, tránh được hiện tượng nhiễm ẩm và nhiễm vi sinh chéo nên tổ yến có độ khô đều cả hai mặt. Do đó, độ ẩm sau khi hoàn tất quy trình sấy của tổ yến luôn đồng đều, ổn định và đạt yêu cầu cũng như năng suất cao trong quá trình sản xuất.  

Ưu điểm vượt trội của máy sấy so với việc sấy bằng phương pháp thủ công trước đây là máy được sấy bằng không khí tự nhiên, khá thân thiện với môi trường, đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; không làm tổ yến bị biến màu, giúp giữ nguyên mùi hương tự nhiên và các tính chất hóa lý, chất dinh dưỡng có trong tổ yến; giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như tiết kiệm năng lượng.

Cụ thể như, với phương pháp thủ công trước đây, quá trình sấy liên tục 24 giờ cần đến 7 quạt ly tâm, 12 bộ điện trở nhiệt, sử dụng hết 219 kWh/ngày/mẻ thì với máy sấy không khí, số lượng quạt ly tâm chỉ có 3 cái, không dùng điện trở nhiệt nên số lượng điện tiêu thụ chỉ hết 3,75 kWh/ngày/mẻ. Nếu tính bình quân giá điện là 2.000đ/kWh, số lượng trung bình của cơ sở là 240 mẻ sấy/năm thì khi áp dụng máy sấy theo phương pháp thủ công phải cần tiêu tốn đến 105.120.000 đồng tiền điện/năm nhưng nếu sử dụng máy sấy không khí thế hệ mới thì chi phí cho tiền điện chỉ 1.800.000đ/năm, tiết kiệm đến 103.320.000đ/năm. Quả là một con số ấn tượng!

Sấy cá bằng năng lượng mặt trời:

Tại cơ sở chế biến hải sản Kim Yến (ấp Long Thạnh, xã Long Hòa), từ gần một năm nay, để nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ sở đã đưa vào sử dụng máy sấy cá (ảnh). Máy hoạt động theo nguyên lý sử dụng năng lượng mặt trời, có chế độ sấy xuyên khay, đảo chiều không khí giúp trong quá trình sấy không cần phải trở mặt cá, máy có năng suất tối đa là 110kg/mẻ. Ngoài ra, máy còn có bộ phận cấp nhiệt bằng điện trở để dự phòng khi trời mưa hay nắng yếu.

Theo TS. Vương Thành Tiên – Khoa cơ khí công nghệ, Trường đại học nông lâm TP.HCM, tác giả của máy sấy cá - máy hoạt động ổn định trong khoảng nhiệt độ sấy từ 40 – 450C, tùy loại cá mà thời gian sấy từ 3,5 – 4,5 giờ/mẻ/100kg. Sản phẩm khi hoàn thành đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm; chất lượng cá sấy và độ tươi ngon được giữ nguyên.

(Ảnh: máy sấy cá). 

Ông Lương Văn Mạng - chủ cơ sở - cho biết, hiệu quả về kinh tế mà máy sấy đem lại có thể thấy rõ. Theo tính toán của ông: “Nếu như trước đây, so với phương pháp phơi truyền thống phải cần đến 3 nhân công (khoảng 450.000 đồng) trong khoảng 7 giờ, mặt khác, việc phơi ngoài nắng gắt cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như bụi bặm, côn trùng, trời mưa, vì thế chất lượng sản phẩm không ổn định và còn gây mùi hôi ảnh hưởng đến môi trường. Đến nay, khi dùng máy sấy thì những nhược điểm trên dần được khắc phục: chỉ cần 1 người khởi động máy, do máy chạy bằng năng lượng mặt trời nên lượng điện tiêu thụ (nếu có) cũng rất ít không đáng kể, mùi hôi cũng được khắc phục triệt để. Đặc biệt, không phải lo “chạy” khi mưa xuống bất chợt. Vào những ngày nắng gắt của tháng 7 này, lượng điện mặt trời “dư sức” trong việc tích trữ, cũng như giúp máy hoạt động liên tục, ổn định, không cần đến nguồn điện quốc gia.

“Nếu phơi theo phương pháp thủ công trước đây thì mỗi tháng, chỉ riêng tiền nhân công đã là 13,5 triệu đồng, mỗi năm vị chi khoảng 162 triệu đồng. Nay dùng máy sấy thì nhân công chỉ cần 1 người, công việc cũng nhẹ hơn rất nhiều, nếu trừ đi mọi chi phí, chỉ chưa đầy 2 năm, tiền đầu tư mua máy sấy (khoảng 150 triệu đồng) sẽ được gỡ lại”, ông Năm hồ hởi cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi nông dân ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO