Khi nào sinh viên ra trường “làm việc được ngay”?

05/10/2007 09:01

Hiện nay các doanh nghiệp đều thích tuyển dụng những người đã có “kinh nghiệm”, nghĩa là sau khi ra trường đã đi làm và hoàn thiện kiến thức một cách hoàn chỉnh, không phải “đào tạo lại”. Thực trạng này khiến cho sinh viên mới ra trường rất khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, và vòng lẩn quẩn này khiến nhiều sinh viên không biết làm sao để khẳng định mình “có kinh nghiệm”, bởi không ai nhận người mới thì làm sao “có kinh nghiệm”? Vấn đề này đặt ra cho các trường đại học một cách nhìn mới: sinh viên ra trường phải là những người đã có một thời gian làm việc thực tế, chương trình đào tạo phải tăng cường thực hành, gắn với thực tế sản xuất và đời sống hơn.

Nhà tuyển dụng lên tiếng

Theo một khảo sát của ThS. Trương Hồng Ánh, Trường đại học kinh tế TP.HCM đối với 1.485 doanh nghiệp cho thấy, chương trình đào tạo đại học thời gian qua chưa phù hợp lắm với yêu cầu công việc thực tế. Có ý kiến cho rằng: “Chưa có sự phân bố hợp lý giữa lý thuyết và thực hành”. Phần lớn sinh viên chỉ ngồi trên ghế nhà trường và học lý thuyết, thời gian dành cho thực hành và đi thực tế quá ít.

Tìm việc tại trung tâm giới thiệu việc làm

Chị Đặng Thị Thu Hà, Công ty Procter & Gamble nhận xét: “Vào đại học là mục đích tối thượng của học sinh tốt nghiệp PTTH, là khát vọng của các bậc cha mẹ, để có một tương lai tươi sáng, để tự hào là… sinh viên đại học. Nhưng nếu không có nỗ lực từ phía cả người dạy lẫn người học để thật sự mang lại sự thay đổi về chất trong suy nghĩ, tư duy thì việc giáo dục ở giai đoạn này trở thành chương trình học lớp 13”. Chị cũng nêu tình trạng sinh viên làm trái nghề, rất lãng phí tiền bạc của xã hội: “Việc này bắt nguồn từ việc không có thông tin, không được định hướng đúng nghề nghiệp của sinh viên”. Chị đề nghị phải có chương trình định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học, với sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, từ đó học sinh lựa chọn đúng ngành học thích hợp nhất với cá tính của mình, xây dựng lòng say mê với môn học và xóa bỏ ảo tưởng về một “ngành thời thượng” nào đó. Chị Hà có nhận xét chung: “So với các nước khác, sinh viên Việt Nam không kém thông minh và chăm chỉ. Tuy nhiên, chúng ta lại có thói quen ít nói, ít bộc lộ suy nghĩ của mình một cách thẳng thắn, điều này làm hạn chế phần nào kỹ năng giao tiếp, trình bày ý tưởng”.

Đại diện Công ty cổ phần Kinh Đô thì cho rằng: “Sinh viên tập trung vào chuyên môn nhiều nên không tập trung vào quản lý, chưa sẵn sàng tiếp cận nhiều công việc cùng một lúc. Kỹ năng thuyết trình bị giới hạn, ngoại ngữ cũng hạn chế, kỹ năng thực tiễn chưa có và còn thụ động trong công việc”.

Những mô hình mới

Thời gian gần đây, Trường đại học kinh tế TP.HCM đã đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm đưa việc đào tạo đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động. Trong đó có việc mời báo cáo viên đến từ các doanh nghiệp, phối hợp với doanh nghiệp để trang bị kỹ năng thực tế cho sinh viên, tổ chức diễn đàn giao lưu… Điển hình như các cuộc thi “Dynamic - sinh viên, nhà doanh nghiệp tương lai”, thử tài kinh doanh, “CPA - cơ hội thử thách tỏa sáng”… Đặc biệt, nhà trường sẽ thành lập một bộ phận chuyên trách quan hệ với doanh nghiệp, có chức năng giúp ban giám hiệu thực hiện các hoạt động gắn kết với doanh nghiệp, đưa toàn bộ chương trình này thành một dự án triển khai một cách bài bản trong toàn trường.

Trường đại học hàng hải Việt Nam cũng có cách làm riêng. Theo TS. Đặng Văn Uy, hiệu trưởng, từ đầu năm 1991, được Chính phủ cho phép, nhà trường đã thành lập Công ty vận tải biển Thăng Long. Mọi hoạt động của công ty như quản lý, khai thác tàu, thuyền viên trên tàu… đều do thầy và trò của trường đảm nhận. Trường mạnh dạn vay vốn và mua được một tàu trọng tải 15.000 tấn nhằm vươn ra tiếp cận thế giới và nâng cao tay nghề của đội ngũ giáo viên và đảm bảo thực tập cho sinh viên. Sau đó, trường đã đề nghị và được Chính phủ cho phép thành lập Công ty vận tải biển Đông Long, liên doanh giữa Công ty Thăng Long và một công ty vận tải biển của Nga. Hiện nay có 6 con tàu chạy khắp thế giới dưới sự điều hành của các giảng viên và sinh viên Trường đại học hàng hải Việt Nam. Những con tàu này đã góp phần thường xuyên đào tạo tay nghề và kỹ năng, kinh nghiệm cho đội ngũ giảng viên trẻ và sinh viên. Nhà trường cũng đi bước đột phá khi thành lập các trung tâm huấn luyện nhằm nâng cao tay nghề của sinh viên trước khi ra trường. Theo đánh giá của TS. Đặng Văn Uy: “Đây là bước đi mang tính chiến lược trong đào tạo và huấn luyện hàng hải của Việt Nam. Trước đây, sinh viên tốt nghiệp ra trường phải mất ít nhất từ 2 - 3 năm tập sự, sau đó mới có khả năng đảm nhận chức danh sĩ quan trên tàu, nay thời gian đó chỉ còn 12 tháng”. O

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khi nào sinh viên ra trường “làm việc được ngay”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO