Khi giảng viên xắn tay áo làm nông dân

TUYẾT MAI| 23/11/2020 11:20

KHPTO - Xuất thân từ nhà nông, đam mê nông nghiệp từ nhỏ qua những lần tập trồng rau, cà chua cùng bà nội. Lớn lên say mê với ngành điện tử viễn thông và cơ duyên đưa đẩy bản thân tìm tòi, nghiên cứu, chế tạo các loại máy móc ứng dụng cho nông nghiệp hiện đại. Chững chạc trong công việc của một giảng viên nhưng khi cần “xắn tay áo” làm bạn với nhà nông thì cũng “nhập vai” xuất sắc.

Tất cả đã tạo nên một chân dung rất riêng của ThS. Phan Văn Hiệp – giảng viên khoa Kỹ thuật công nghệ Trường đại học Văn Hiến TP.HCM. 

Trăn trở việc nâng tầm thương hiệu và chất lượng nông sản, thủy sản Việt

ThS. Phan Văn Hiệp nổi tiếng với một số công trình máy móc, trong đó đã có nhiều công trình đã được thương mại hóa ở nhiều địa phương trên cả nước. Nổi bật là dòng sản phẩm máy sấy (trục ngang/trục đứng) ứng dụng năng lượng mặt trời. Ưu điểm vượt trội của công nghệ là chủ động, không phụ thuộc thời tiết, đảm bảo chất lượng và cảm quan sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiết kiệm điện năng lên đến 90% so với thiết bị bơm nhiệt tương ứng; rút ngắn thời gian sấy khoảng 40% so với phơi nắng truyền thống; giảm nhân công khoảng 60%; giảm mặt bằng xây dựng khoảng 80%...

Các dòng sản phẩm trên được ra đời xuất phát từ nỗi trăn trở góp phần thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của bà con nông dân, hướng đến việc nâng tầm thương hiệu và chất lượng nông sản, thủy sản Việt. Muốn thế, sản phẩm sáng chế phải thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như tận dụng được nguồn năng lượng sạch rất tiềm năng của Việt Nam.

Một góc mảng xanh tại tư gia ThS. Phan Văn Hiệp. Ảnh: V.H.

Cơ duyên của một người thầy “xắn tay áo” làm nông dân

Để thử sức mình, ông đã dành nhiều năm làm nông nghiệp sạch. Khi đó, nhìn bên ngoài hình dáng và cách cầm cuốc, gieo đất của ông, người dân xung quanh lại nghi ngờ, không tin ông là thầy giáo. Và họ cũng không tin ông có thể thành công với mô hình nông nghiệp sạch “nói không với phân bón hóa học và thuốc trừ sâu”.

Nhưng ông đã làm được, thành công với mô hình nuôi trồng chuyển đổi hữu cơ, bao gồm 1.000 m2 rau chuyển đổi hữu cơ, 1.000 gà thả vườn, 20 heo rừng lai, gần 50 rắn hổ hèo nuôi theo hướng hữu cơ...

Về sau, ông không làm nông nghiệp nữa. Ông lại mang mảng xanh về nhà với hoa, rau ăn lá, trái cây (tìm những loại rau lạ để trồng trên sân thượng). Vận dụng kiến thức sẵn có, ông thiết kế một vườn mini hoàn toàn tự động trong việc tưới tiêu và chiếu sáng nhân tạo.

Thầy Hiệp hồ hởi nói: “Tôi vui khi được làm bạn với nhà nông để phổ biến kiến thức về nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, đây là nhu cầu lớn của người dân, họ rất khao khát sử dụng nông sản sạch”.

Chính vì xuất thân từ nông dân, từng có thời gian xắn tay áo làm một nhà nông chính hiệu nên ông khá tự hào vì mình “nói chuyện được với nông dân”, cũng như hiểu được tâm lý nông dân, biết được người nông dân muốn gì, cần gì... Ngoài ra, ông còn lên sóng truyền hình qua một số chương trình dành cho nhà nông, như: chương trình Nút bấm VTV2, Bạn nhà nông VTV2, giới thiệu máy sấy trên HTV, đài Bình Dương, chương trình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thành phố trên đài VOH.

Thời hội nhập 4.0, cũng như bao nhà khoa học khác, ông rất đề cao việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và ứng dụng máy móc. Theo ông thì ba thành tố liên quan không thể thiếu đó là kiến thức sẵn có – kinh nghiệm của nhà nông – ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Theo ông Hiệp, nếu muốn làm nông nghiệp công nghệ cao thì người kỹ sư nông nghiệp cần kết hợp với kỹ sư điện tử và công nghệ thông tin để đưa các công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Tự nhận những ý tưởng sáng chế của mình đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của nông dân. Ông Hiệp cho rằng: bản thân tìm được ý tưởng từ nông dân từ những kinh nghiệm, ý tưởng từ cuộc sống. Ý tưởng từ nông dân thì đã có sẵn nhưng họ chưa có công cụ, phương tiện để thực hiện nên nhà nghiên cứu phải làm sao có thể kết hợp giữa ý tưởng và công cụ để tạo ra sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu. Vì thế, sâu sát với nông dân là nhiệm vụ không thể thiếu của một người sáng chế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi giảng viên xắn tay áo làm nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO