KHI GIẢNG VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC “KÉO” SINH VIÊN NGHIÊN CỨU THEO

16/02/2005 10:57

Ở Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đang có một phong trào phát triển mạnh: giảng viên nghiên cứu khoa học luôn tìm các đề tài nhánh để sinh viên cùng làm, mục tiêu là đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học (NCKH) trong sinh viên.

Có chủ trương rõ ràng

TS.Vũ Thị Ân, Trưởng Khoa Giáo dục Tiểu học cho biết: “Việc kết hợp giữa hoạt động NCKH của cán bộ giảng dạy với hoạt động NCKH của sinh viên bắt đầu từ nhiều năm nay. Càng về sau, sự gắn kết này càng được khoa chú ý và có chủ trương rõ ràng: khuyến khích giảng viên nghiên cứu những vấn đề về khoa học sư phạm và hướng dẫn sinh viên thực hiện các đề tài nghiên cứu gần với công việc”. Một trong những đề tài thực hiện có hiệu quả từchủ trương này là đề tài cấp bộ “Kỹ năng sử dụng tiếng Việt của sinh viên Khoa Giáo dục Tiểu học Trư­ờng ĐHSP TP.HCM - Thực trạng và giải pháp” (nhóm tác giả Vũ Thị Ân, Trương Thị Thu Vân, Bùi Tất Tươm, được hội đồng nghiệm thu xếp loại xuất sắc và đề nghị biên soạn thành tài liệu tham khảo cho sinh viên, giáo viên tiểu học), khi thực hiện, lãnh đạo khoa và các giảng viên đã tiến hành triển khai các tiểu luận, khóa luận cho sinh viên một số đề tài, chẳng hạn như “Thực trạng và giải pháp rèn luyện kỹ năng chính tả, dùng từ, viết câu của học sinh tiểu học”…

Việc gắn bó giữa hoạt động NCKH của giảng viên với hoạt động NCKH của sinh viên còn được thể hiện qua việc thực hiện luận án, luận văn của các cán bộ giảng dạy trong khoa. Chẳng hạn, gắn với luận án tiến sĩ “Đặc trưng từ vựng trong Thơ Mới so sánh với thơ truyền thống Việt Nam” của tác giả Vũ Thị Ân là các nghiên cứu của sinh viên về phương pháp dạy học phân môn từ ngữ ở trường tiểu học và việc trau dồi năng lực cảm thụ thơ, giáo dục thẩm mỹ qua hình tượng thơ cho học sinh tiểu học. Có trường hợp, nhiều NCKH cùng được triển khai: gắn với đề tài NCKH cấp bộ về vấn đề “Thực trạng NCKH của sinh viên Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh” cùng với luận án tiến sĩ “Một số biện pháp nâng cao chất lượng NCKH giáo dục của sinh viên Trường ĐHSP” của tác giả Lê Thị Thanh Chung là hàng loạt nghiên cứu của sinh viên trong khoa.

Thầy và trò cùng thực hiện

Ý thức được sự cần thiết NCKH trong sinh viên, không chỉ dừng lại ở việc tìm đề tài nhánh cho sinh viên làm, nhiều giảng viên của khoa còn đưa sinh viên cùng thực hiện chung một số nội dung nghiên cứu. Kết quả là có những hội nghị khoa học mà cả thầy và trò cùng tham gia báo cáo về những phương diện khác nhau của một hướng nghiên cứu chung. Chẳng hạn, tại hội thảo “Những vấn đề về môn tiếng Việt trong chương trình và sách giáo khoa mới” do Hội Ngôn ngữ học TP. HCM phối hợp với các cơ quan nghiên cứu tổ chức, báo cáo của TS. Nguyễn Thị Ly Kha và sinh viên Trần Thị Hoàng Oanh đã được nhiều người tán thưởng, hoặc tại hội thảo “Chuẩn giáo viên tiểu học nhìn từ góc độ các môn học” do Trường Đại học Vinh phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, TS. Nguyễn Thị Ly Kha và sinh viên của mình là Lê Ngọc Huyền Thu đã báo cáo một đề tài chung.

Từ thực tế việc giảng dạy, viết tài liệu, sách giáo khoa, nhiều giảng viên còn hướng dẫn sinh viên thực hiện các niên luận, khóa luận để giải quyết một vấn đề nào đó. Hầu hết các nghiên cứu này đều hướng vào việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa bậc tiểu học. Trong đó có không ít nghiên cứu của sinh viên đã giành được giải cao trong các kỳ thiNCKH cấp trường và cấp quốc gia, trong đó có thể kể đến công trình nghiên cứu về chính tả của một nhóm sinh viên do TS. Hoàng Dũng hướng dẫn đã đạt giải ba sinh viên NCKH cấp bộ, luận văn “Vấn đề cảm thụ thơ của học sinh tiểu học” của sinh viên Lê Vĩnh Phúc (TS. Lê Thu Yến hướng dẫn) được giải khuyến khích sinh viên NCKH cấp bộ, công trình “Vấn đề dạy học dấu câu ở bậc tiểu học” của sinh viên Trần Thị Hoàng Oanh (TS. Nguyễn Thị Ly Kha hướng dẫn) được giải nhì Eureka…

Tuy nhiên, việc kết hợp NCKH của thầy và trò Khoa Giáo dục Tiểu học không phải lúc nào cũng như ý. TS.Vũ Thị Ân cho biết: “Chẳng hạn, ý tưởng hướng dẫn sinh viên lập một bản đồ chính tả. Nếu thực hiện được sẽ có hiệu quả rất cao. Để triển khai đề tài này cần có một số lượng không ít sinh viên cùng thực hiện, song nó đã không được triển khai chỉ vì gặp khó khăn mà cả thầy lẫn trò đều không gỡ được do quy chế không cho phép 2 - 3 chục sinh viên cùng thực hiện một đề tài, và giảng viên cũng không được một lúc hướng dẫn một nhóm sinh viên đông như thế”...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
KHI GIẢNG VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC “KÉO” SINH VIÊN NGHIÊN CỨU THEO
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO