Khi các sáng chế hữu ích đi vào đời sống

Tuyết Mai| 14/11/2016 15:28

(KHPTO) Được hình thành từ nhu cầu thực tiễn cuộc sống, những giải pháp và sáng chế dưới đây có điểm nổi bật là phổ thông, an toàn, dễ sử dụng và giá cả rất rẻ nếu so với sản phẩm nhập ngoại cùng loại.

 Ông Trần Chí (TP.HCM – Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích số 1035) đã thành công trong việc sáng chế ra cơ cấu lắp mặt tản gió dùng cho quạt điện dạng hộp . Mặt tản gió của các loại quạt là một vành tròn có thể quay quanh trục trên đó có các cánh hướng kính được đặt nghiêng đi một góc so với phương trục. Theo đó, luồng gió được thổi thẳng ra từ quạt sẽ vừa đẩy mặt tản gió quay tròn, vừa được chuyển thành luồng gió xiên đi theo hướng nghiêng của các cánh hướng kính để mở rộng không gian cấp gió, đồng thời, luồng gió xiên cũng quay tuần hoàn theo mặt tản gió. Nhờ vậy, mặt tản gió có thể dùng thay thế cho bộ tuốc-năng (giúp quạt quay qua quay lại), giúp thu gọn kích thước choán chỗ của quạt và giảm công bảo trì, thay thế các chi tiết. Tuy nhiên, các mặt tản gió hiện có cũng như các bộ tuốc-năng chỉ có thể quay ở một hoặc một số vận tốc nhất định. Cơ cấu của tác giả dùng lực ép lò xo thông qua ổ bi để ép lên nhằm điều chỉnh vô cấp vận tốc quay của mặt tản gió, giúp người sử dụng có thể chọn lựa được chu kỳ cấp gió theo nhu cầu sử dụng.

Ông Nguyễn Đình Phương (TP.HCM – Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích số 1223) – với “Bẫy bắt chuột tự động” (ảnh), bẫy gồm hai phần chính: lồng bẫy chứa cơ cấu bẫy và lồng chứa chuột bẫy được. Khi chuột vào lồng bẫy theo mồi nhử, sẽ bò qua một tấm đế có trục xoay và tác động lên cơ cấu đòn bẩy đóng cửa lồng lại. Chuột chỉ có thể đi tiếp sâu vào  phía trong và sẽ tuần tự đi qua tiếp các tấm đế có trục xoay khác cũng liên kết với cơ cấu đòn bẩy để tuần tự mở các cửa dẫn chuột đi hẳn vào lồng chứa, đồng thời mở trở lại cửa lồng để nhử chuột khác vào. Ưu điểm: có thể bắt đồng thời nhiều chuột mà không gây thương tích.

Ông Nguyễn Phi Bằng (TP.HCM - Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích số 1282) với “Cơ cấu cất xe tiết kiệm không gian”, gồm hầm chứa hình trụ, bên trong có kệ đậu xe đặt trên một cơ cấu nâng hạ bằng pít tông – xi lanh thủy lực dạng chữ X. Trên mặt kệ có các con chặn để cố định xe và khi kệ hạ xuống vị trí thấp nhất, nắp kệ sẽ khép kín mặt hầm chứa và trả lại mặt phẳng sinh hoạt cho nền nhà. Hầm có giếng bảo trì ở bên cạnh, có cơ cấu tự giữ để đề phòng sự cố, cơ cấu nâng hạ cơ để xử lý trường hợp mất điện, có các cảm biến và phần mềm điều khiển dừng hoạt động  khi có người già hoặc gia súc đến gần để đảm bảo an toàn và có thể tích hợp vào các bộ điều khiển từ xa.

Ông Trần Trung Nghĩa (TP.HCM – Bằng độc quyền sáng chế số 15098) với “Gạch ống xi măng cốt liệu”. Gạch được phối liệu từ cát hay khoáng silic với tỷ lệ 64,75 – 77%, xi măng với tỷ lệ 20 – 35% và phụ gia polyme với tỷ lệ 0,25 – 3%, trộn với nước để đạt độ ẩm từ 6 – 10% trước khi tạo hình bằng phương pháp ép khuôn, góp phần phát triển xu hướng sản xuất gạch không nung thay thế dần gạch đất sét nung để giảm thiểu khí thải và bảo vệ môi trường. Công ty đã được Sở khoa học và công nghệ TP.HCM cấp Giấy chúng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong việc đưa sản phẩm cùng thiết bị sản xuất tương ứng ra thị trường và đã có khách hàng tại nhiều địa phương: Cà Mau, Sóc Trăng, Vũng Tàu, Bình Định, Quảng Trị, Nam Định ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi các sáng chế hữu ích đi vào đời sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO