Khát vọng phát triển từ Thành phố Thủ Đức

GIA AN - QUỐC TUẤN| 13/02/2021 07:01

KHPTO - Thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM được thành lập theo Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội là một mô hình mới nhằm giải quyết vấn đề mang tính chiến lược, không chỉ hình thành hạt nhân phát triển mạnh mẽ, nâng tầm vị thế cho TP.HCM mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển của vùng và cả nước.

TP.HCM cũng kỳ vọng việc hình thành TP. Thủ Đức sẽ tạo ra một động lực tăng trưởng mới dựa vào đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó góp phần nâng cao tính cạnh tranh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhiều lợi thế

TP. Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại ba quận ở phía đông TP.HCM gồm quận 2, 9 và Thủ Đức. Khi đó, TP. Thủ Đức mới sẽ có diện tích hơn 211 km2, dân số khoảng hơn một triệu người, bằng 10% diện tích và chiếm khoảng 10% dân số toàn TP.HCM. Việc sắp xếp lại các quận này dựa trên tiềm năng, lợi thế chung của cả ba quận.

Với vị trí là cửa ngõ phía đông của TP.HCM, TP. Thủ Đức có được rất nhiều lợi thế vốn có về hạ tầng giao thông kết nối trực tiếp với các tỉnh miền Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu với các tuyến đường chính như quốc lộ 13, đường xuyên Á (quốc lộ 1A), Xa lộ Hà Nội, Cao tốc Long Thành - Dầu Giây... Đây là vùng kinh tế năng động, phát triển nhất cả nước với hàng trăm khu công nghiệp lớn hàng đầu được tập trung về đây. Đặc biệt, nơi đây có những trục đường xuyên tâm kết nối từ Bắc đến Nam, Đông đến Tây TP.HCM. Đồng thời với đó là sự gắn liền với các tuyến hàng hải quốc tế như cửa sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Vải và Cụm cảng biển số V, chiếm hơn 50% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển của cả nước. Gần đây nhất, Quốc hội, Chính phủ đã thông qua và đi vào triển khai thực hiện dự án Sân bay quốc tế Long Thành, kết nối trực tiếp với TP. Thủ Đức, tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 51, Xa lộ Hà Nội... sẽ là động lực rất lớn để thúc đẩy kinh tế.

Kỳ vọng vào sự đột phá kinh tế

TP. Thủ Đức (với quy mô diện tích hơn 211 km2, dân số hơn 1.013.000 người) là nơi mà TP.HCM kỳ vọng đóng góp 1/3 GRDP của TP.HCM, tương đương khoảng 7% GDP cả nước, chỉ sau TP. Hà Nội. TP. Thủ Đức sẽ trở thành “hạt nhân” thúc đẩy kinh tế TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển vượt bậc trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần hình thành chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế, từ khâu sáng tạo tri thức mới, đào tạo nhân lực, thí nghiệm các ý tưởng mới, cung cấp và thương mại hóa giải pháp, sản phẩm chất lượng cao, với sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho nghiên cứu khoa học, quá trình khởi nghiệp sáng tạo và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, việc thành lập TP. Thủ Đức thuộc TP.HCM được kỳ vọng là một vùng động lực tăng trưởng mới, dựa trên tam giác tăng trưởng với 3 cực, gồm: (1) Trung tâm tài chính quốc tế, (2) Trung tâm giáo dục trình độ cao, (3) Trung tâm khoa học, công nghệ cao. Ba cực này sẽ giúp TP.HCM ngày càng phát triển nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng sống của nhân dân, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư để TP.HCM tiếp tục phát huy vai trò là động lực mạnh mẽ phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần tạo đà tăng trưởng cho các tỉnh lân cận cùng phát triển. Từ đó, TP.HCM có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước và phát triển xứng tầm là một thành phố lớn trong khu vực và quốc tế.

Để phát huy tối đa lợi thế của 3 cực tăng trưởng này là việc đầu tư, xây dựng và phát triển 8 trung tâm được đề xuất của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố, nhằm tạo ra một vùng kết nối, tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững. Đó là (1) Trung tâm tài chính gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm; (2) Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; (3) Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao (khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, khu chế xuất); (4) Trung tâm giáo dục, đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học công nghệ trình độ cao (gồm Đại học quốc gia TP.HCM, Đại học Fulbright, Đại học Nông Lâm và các đại học lân cận...); (5) Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; (6) Trung tâm công nghệ sinh thái - Khu vực Tam Đa và Long Phước; (7) Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ và Cảng quốc tế Cát Lái; (8) Khu đô thị cảng Trường Thọ - đô thị tương lai. Song song đó, muốn phát huy thế mạnh của các trung tâm, các khu chức năng cần một bộ máy quản lý hành chính nhà nước thống nhất, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả, một cấp chính quyền đô thị phù hợp có đầy đủ thẩm quyền, sự chủ động để tạo sự kết nối, tương tác cao giữa các nhân tố phát triển nhằm phát huy tổng hợp tiềm năng, thế mạnh của 3 quận, của TP.HCM, khu vực và cả nước. Bộ máy này có năng lực quản lý, điều hành hiệu quả cao, biến Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành một động lực mạnh mẽ nhất, lớn nhất của TP.HCM, khu vực và cả nước.

TS. Trần Quang Thắng, viện trưởng Viện kinh tế và quản lý TP.HCM cho rằng, đô thị thành phố khu đông giúp chuyển đổi và nâng tầm nền kinh tế hiện tại của thành phố trở thành nền kinh tế tri thức, công nghệ cao. Qua đó tạo ra nhiều việc làm có chất lượng hơn, sáng tạo hơn, thu nhập tốt hơn; hạ tầng được nâng cấp và thêm không gian xanh, có môi trường trong lành hơn... Không chỉ người dân các quận 2, 9, Thủ Đức hưởng lợi trực tiếp từ việc được đầu tư, khu đô thị còn giúp thành phố có nền kinh tế phát triển hơn, đáng sống hơn. Sự hình thành một “thành phố trong thành phố” là phù hợp với việc điều chỉnh quy hoạch chung mà hiện nay TP.HCM đang làm.

Phát triển đô thị hiện đại

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để TP. Thủ Đức thật sự phát triển đúng tầm thì một trong những điều kiện đầu tiên cần được chú trọng là quy hoạch. Đây luôn là vấn đề rất lớn, quy hoạch phải đặt lợi ích của xã hội, người dân lên trước.

Với TP. Thủ Đức, đây là khu vực đang có rất nhiều cơ hội để phát triển đô thị mới, khi quỹ đất vẫn còn nhiều, trải đều ở cả ba quận và đồng thời đây luôn là điểm nóng trong phát triển đô thị. Thực tế, việc nâng cấp và phát triển hạ tầng tại khu vực cửa ngõ phía đông của TP.HCM cũng đang cần một nguồn lực rất lớn. Ngay trong giai đoạn 2020 - 2022, Sở giao thông vận tải TP.HCM đang tiếp tục mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh; xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (bao gồm nút giao thông Bình Thái); xây dựng đường nối từ cảng Cát Lái ra đường vành đai 2; nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Thị Định lên 77 mét với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng từ ngân sách, riêng tiền giải phóng mặt bằng hơn 850 tỷ đồng. Đồng thời, đầu tư dự án nút giao thông Mỹ Thủy với tổng số vốn gần 2.400 tỷ đồng. Khi dự án hoàn thiện sẽ giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải hàng hóa vào cảng Cát Lái và kết nối với đường vành đai 2 từ cầu Phú Mỹ lên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ngoài ra, lãnh đạo UBND TP.HCM và lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã và đang bàn phương án triển khai xây dựng cầu Cát Lái, nối quận 2 của TP.HCM với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Đây được xem là “cú huých” rất quan trọng để thành phố thực hiện nhanh chiến lược phát triển những khu đô thị vệ tinh và quy hoạch vùng đô thị mở rộng hướng đông. Theo tính toán ban đầu, dự án có tổng vốn đầu tư (gồm cả chi phí đền bù giải tỏa) lên gần 9.000 tỷ đồng.

TS. Trương Minh Huy Vũ, giám đốc Khu công nghệ phần mềm (ITP), Đại học quốc gia TP.HCM, đơn vị được giao nhiệm vụ tham mưu cho Đại học quốc gia về đề án thành phố phía đông Sài Gòn, chia sẻ, Khu đông được định hướng thành 6 trọng điểm sáng tạo, bao gồm Thủ Thiêm, Rạch Chiếc, Trường Thọ, Tam Đa, Đại học quốc gia và Khu công nghệ cao. Sự phân cụm này tập trung vào việc phát triển có trọng tâm và chọn tiếp cận hình thành các khu đô thị trước. Nhìn lại 6 trọng điểm được chọn, hiện nay khu Trường Thọ và Tam Đa mật độ dân cư, cũng như các hoạt động liên quan đến các ngành nghề sáng tạo gần như chưa có. Khu Rạch Chiếc chỉ mới khởi động với nhiều dự án đô thị, khu thể thao chức năng đang hình thành. Như vậy chỉ còn 3 khu là Thủ Thiêm, Đại học quốc gia, Khu công nghệ cao đã có sẵn con người, các hoạt động tương tác, cơ bản có thể đáp ứng yêu cầu hình thành các cụm dân cư với các hoạt động định hướng sáng tạo. Trong đó, Khu công nghệ cao và Đại học quốc gia là hai nơi khả thi, sẵn sàng nhất và cần ưu tiên phát triển. Hai nơi này tập trung nhân lực có trình độ, chuyên môn cao, có các doanh nghiệp thường xuyên làm việc với khoa học công nghệ, nghiên cứu, sản xuất...

TS. Trương Minh Huy Vũ cho rằng, khó nói về diện mạo tương lai của 6 trọng điểm sáng tạo như thế nào vì không ai nói được tương lai sẽ đi đến đâu, đặc biệt là tốc độ phát triển của công nghệ. Tại hai khu Đại học quốc gia và Khu công nghệ cao đã có tính sáng tạo nhưng vẫn cần tăng cường sự tương tác cao nội khu, bởi không gian còn bị chia cắt và thiếu hạ tầng tương tác. Để giải quyết những vấn đề trên, TP.HCM cần tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các kết nối giao thông, xây dựng không gian dùng chung giữa hai trọng điểm. Đó có thể là đường kết nối giao thông hai khu, khu hầm đi bộ, cầu vượt... để tạo ra giao thông kết nối nội khu và giữa hai khu một cách thuận tiện nhất. Đó cũng có thể là các quần thể ăn uống, thương mại, khu sự kiện... để các doanh nghiệp, chuyên gia, giảng viên, sinh viên... của hai khu tương tác với nhau. Sự tương tác cao còn nằm ở các chương trình hợp tác được thúc đẩy bằng ngân sách của Nhà nước.

Theo chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, TP. Thủ Đức sẽ được phát triển theo các chuẩn mới, như chuẩn về quy hoạch đô thị, chuẩn về chất lượng sống, chuẩn về dịch vụ chất lượng cao. Có như thế mới đảm bảo phát triển tốt các ngành hiện đại, đáp ứng tốt các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp để khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Điều này đòi hỏi phải có con người, bộ máy chuẩn mực, đảm bảo trình độ phù hợp, có kỹ năng tốt, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý đô thị thông minh và tiên phong trong quản lý hiện đại. Đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những vị trí then chốt tại TP. Thủ Đức cần có năng lực, trí tuệ, phẩm chất đạo đức và khát vọng cống hiến cho sự phát triển của TP. Thủ Đức nói riêng và của TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khát vọng phát triển từ Thành phố Thủ Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO