Khám phá cây cổ thụ hàng trăm tuổi và giai thoại vùng Thất Sơn (kỳ 2)

Thanh Tâm| 14/09/2017 14:38

Trong cái nắng hanh vàng vùng biên giới, men theo con đường quanh co ngạt ngào hương lúa, chúng tôi tìm đến cây me có tuổi đời lớn nhất vùng đất Nam bộ - 600 năm. Mấy căn nhà yên ắng giữa ban trưa, xóm vắng không thấy bóng người, chỉ ngoài đồng rộn tiếng chim ca.

Chúng tôi trở thành những người lạ lẫm tìm hiểu cây me thiêng nơi này. Cây me thuộc phần đất của ông Châu Phi (ấp Tô Trung, xã Núi Tô, H. Tri Tôn), ai trồng và cây có từ lúc nào thì người cao niên nhất vùng cũng không biết rõ. Ông Châu Phi (78 tuổi) kể rằng, cố nội ông nói cây này có mấy đời trước đó nữa, ông truyền dặn con cháu ráng giữ cây, hái trái chứ không đốn. Xưa đất hoang vu, cây me nằm trên gò cao, là cây của cả làng. Trưa làm đồng mệt vào gốc me nằm ngủ, tới mùa trái ai cần thì tới nhưng tuyệt đối không hái bán. Một hàng xóm kể, lúc chưa giải phóng cây me xum xuê, thấy trái nhiều có người lên hái đem bán, bán hết me thì bệnh nặng vào nhà thương…từ đó không ai dám hái bán, thậm chí không dám trèo, chỉ chờ trái rụng thôi.

Cây me di sản 600 năm tuổi

Đây là cây me bình yên, là cây trụ giúp vùng quê này “tai qua nạn khỏi”, ngày trước ai tới đây lập nghiệp phải khấn vái xin phép “thần cây” phò hộ thì ổn cả, mấy ai ngang bướng làm ruộng thất hoài, có người phải bỏ đi. Giữa trưa đứng bóng, ngồi dưới gốc me mà rờn rợn, không gian tĩnh lặng còn thân cành cổ thụ già nua luôn chuyển mình với “cơ bắp” lực lưỡng vươn ra không trung như muốn “thị uy” mấy người khách lạ. Gốc cây xoắn vặn khoảng 10 người ôm nhìn đầy “thần sắc”, chuyển mình nhiều tư thế rất lạ, riêng phần cành đến mấy người ôm chưa giáp. Đúng thật là “ông me” của dân làng.

Cây dầu hơn 700 năm tuổi

Cây dầu hơn 700 năm tuổi uy nghi, lừng lững giữa trời xanh với chiều cao khoảng 30m ở xã Cô Tô (H. Tịnh Biên, An Giang) thuộc hàng “đại lão cây” nhất vùng Tây Nam bộ. Ông Châu Pon cất căn chòi nhỏ gần gốc cây, ngày ngày uống trà ngắm cây, nghe chim muôn kéo về kêu vang trên ngọn. Lão cây thọ hơn 7 thế kỷ vẫn còn hiên ngang, rễ cây lớn bằng người nhấp nhô uốn lượn hình rồng, rắn quấn quýt nhau trên mặt đất. Trên ngọn, ngửa hết cổ nhìn mấy cành cao vặn mình như chú rồng đang giỡn với mây ngàn. Ông Pon kể, tính ra tui là cháu chít của ông cây này. Linh thiêng lắm, mấy đời các sải ở chùa đều cúng cây mỗi năm một lần, cả xóm tới cúng vì kính trọng như thần giữ xóm làng. Nghe đâu có người leo lên cây hốt ổ chim, về sau như người mất trí, rồi không ai dám leo nữa. Những người sống xung quanh tôn kính thì cây như vị thần chở che, sống yên vui tháng ngày. Mỗi tối tui đều thắp nhang, những đêm rằm trăng sáng, nhìn lên ngọn cây như có thần tiên tụ hội, lạ thật.

Rễ cây dầu 700 năm tuổi

Câu nói “cổ thụ ắt hữu thần” không sai, với tuổi đời tính bằng thế kỷ, những “lão cây” vùng đất Thất Sơn huyền thoại này hấp thụ linh khí đất trời trở nên uy nghiêm, huyền bí. Để trở thành cổ thụ hôm nay, những cây xanh của hàng trăm năm trước trải qua với bao nghiệt ngã thời gian và thử thách. Đứng vững, hiên ngang và tồn tại vẹn nguyên, “lão cây” cũng chống chịu để sinh tồn. Cổ thụ cũng trải qua những thăng trầm thế sự, vì thế nhìn cây tràn đầy “thần khí”, bao dung như những vị cao niên nhiều trải nghiệm của xóm làng. Nhẫn nại và chở che cho dân làng qua năm tháng. Những cây cổ thụ hiếm hoi nơi này được công nhận là cây di sản Việt Nam từ năm 2013, trở thành tài sản quý báu của dân làng. Ai một lần đứng dưới bóng mát của tán cây cổ thụ sẽ cảm nhận không gian ký ức tuổi thơ, là nơi gắn với những nét văn hóa, tập tục xóm làng miền biên giới xa xôi này. Cổ thụ như chứng nhân lịch sử, là tài sản thiêng liêng, chở che dân làng qua bao năm tháng. Cùng cam chịu nắng mưa, bão tố kinh hoàng để tồn tại.

Vượt qua đằng đẵng thời gian, trải qua bao đổi thay thế cuộc…cổ thụ vùng Bảy Núi trường tồn đúng nghĩa với trăm năm. Cổ thụ ăn sâu vào đời sống tâm linh con người, họ thành kính, “khấn vái”, “ký thác” niềm tin, mong cầu của mình vào đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khám phá cây cổ thụ hàng trăm tuổi và giai thoại vùng Thất Sơn (kỳ 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO