Khắc khoải... “sầu chung”!

Bài và ảnh: PHAN CÚC| 04/06/2020 07:32

KHPTO - Cai Lậy (Tiền Giang) là vùng đất trù phú, bốn mùa cây trái sum suê, là “thủ phủ” sầu riêng ở miền Tây với những vườn sầu riêng nối tiếp nhau dọc theo những con đường làng… Thế nhưng, miệt vườn bây giờ nhuộm màu héo úa của những cây sầu riêng trơ thân… chờ chết. Vì đâu nên nỗi?

Chuyện nhà ông Ngỏ - ngỏ nỗi sầu riêng

Về Cai Lậy giữa mùa hạn mặn, chúng tôi tìm đến nhà ông Đặng Văn Ngỏ (ấp Mỹ Thạnh A, xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) khi trời vừa ngả bóng.

Người đàn ông lưng trần, chân đất, đậm chất nông dân “một nắng hai sương” cho biết, toàn bộ vườn sầu riêng của nhà ông có khoảng 50 gốc nhưng hiện nay tất cả đều đang “thoi thóp” chờ chết, có cây không thể chống chọi được thêm nên đã “ra đi”...

Ông Ngỏ kể: trước đó thấy vườn khô xơ xác, ông cầm lòng không đặng, nên đã bỏ ra một khoản tiền khá lớn để mua nước về tưới, vậy mà... cũng không thấm tháp gì.

Ông còn tốn mấy chục triệu đồng chăm sóc vườn cây, nhưng vì hạn, mặn đến sớm, trái thu hoạch được cho chất lượng rất thấp nên đành bán với giá rẻ mạt, số tiền bán được chỉ đủ để bù vào tiền mua nước tưới.

“Ở tuổi lục tuần, tôi chưa bao giờ thấy có hiện tượng hạn, mặn như năm nay”, ông Ngỏ chua chát đúc kết.

Để minh chứng, người đàn ông khắc khổ lầm lũi dẫn chúng tôi ra thăm vườn.

Vừa chỉ chúng tôi xem những cây sầu riêng từ nhỏ đến lớn đều bị cháy, rụng lá và khô nhánh, ông buồn rầu, tuyệt vọng: “Kiểu này chắc chỉ có nước chờ đốn cây để làm củi thôi”.

Rồi ông chỉ tay vào cây sầu riêng “cổ thụ” có trên 20 năm tuổi, tiếc đứt ruột: “Cây này năm nào cũng cho lợi nhuận cao, có năm lên đến 300 - 400 triệu đồng. Vậy mà giờ nó cũng đứng sừng sững đó... chờ chết”.

Câu chuyện của ông Ngỏ với chúng tôi bên vườn sầu riêng chờ chết cứ đều đều theo từng bước chân nặng nề. Thi thoảng, có những khoảng lặng, những cơn gió nhẹ bất chợt lay cành khô, xào xạc lá sầu riêng rơi. Dường như “ông trời” đang phụ họa cho bức tranh thất bát miệt vườn. Chưa bao giờ người nông dân “thủ phủ” sầu riêng... nặng sầu như vậy!

Mà nỗi sầu này đâu chỉ riêng ông Ngỏ! Cạnh vườn nhà ông là vườn sầu riêng của anh Nguyễn Văn Hiền, cũng khoảng 50 gốc, nhưng có lẽ với anh Hiền thì nỗi đau này lớn hơn bởi đây là những cây sầu riêng anh còn chưa kịp thu hoạch lần nào.

Trò chuyện với chúng tôi tại vườn, vợ anh Hiền cho biết: “Vợ chồng tôi không còn hy vọng gì nữa, giờ đang tính chuyện đi làm mướn để có cái mà ăn, chứ vụ này xem như mất trắng hết rồi”.

Khi ông Tiền... hết tiền

Loay hoay tìm đường mất hơn 15 phút thì chúng tôi cũng đến được nhà ông Võ Văn Tiền (ấp Mỹ Phú, xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy).

Ông Tiền trạc 70 tuổi, dáng người cao gầy và làn da rám nắng.

Nhà ông có hai vườn sầu riêng, một ở phía sau nhà với 75 cây con khoảng 5 tháng tuổi và một vườn cách nhà khoảng 2 km với 75 cây đã được 8 năm tuổi, nhưng... vừa được ông cho người chặt bỏ hết.

Biết chúng tôi đến ghi nhận về tình trạng trồng cây sầu riêng hiện nay của bà con, ông nhiệt tình dẫn ra khu vườn ông vừa chặt.

Chúng tôi không thể tin nổi cảnh tượng đang hiện ra trước mắt - một vườn sầu riêng trơ gốc trên những mô đất cao.

Ông Tiền bên vườn sầu riêng trơ gốc.

Cũng như những hộ trước đó chúng tôi gặp, vườn sầu riêng của ông Tiền cũng bị nhiễm mặn mà chết hết.

Ông ngậm ngùi chia sẻ: “Tính ra, vườn này của tôi trồng được 8 năm, chỉ mới thu hoạch được một vụ.

Tôi định dưỡng cho cây có sức, đến tháng 4 này thu hoạch một vụ nữa, vậy mà... chưa gì đã nhiễm mặn chết hết rồi.

Ngày tôi cho người đến chặt cây, tôi phải bỏ đi vì không dám nhìn đến vườn cây của mình nữa”.

Trong lúc trò chuyện, thi thoảng chúng tôi đã thấy đôi mắt sâu trũng của ông ứa lệ...

Người con gái đi cùng ông vẻ mặt cũng rầu rĩ nói với chúng tôi:

“Suốt ngày ba tôi ổng cứ cặm cụi ngoài vườn, chăm chút từng chút một, ổng cưng mấy cây sầu riêng như cưng con ổng vậy đó. Mà giờ thành ra như vầy, hỏi sao không buồn cho được”.

Những ngày ở Cai Lậy, chúng tôi thấy nhiều điểm bán sầu riêng với bảng đề “30.000 đồng/kg”. Nhưng có lẽ, giá đó vẫn còn chưa “thảm hại” như lời ông Ngỏ, ông Tiền đã nói với chúng tôi, bởi đó là những trái đã được tuyển chọn, chứ còn sầu riêng chín héo thì chỉ từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Chưa bao giờ thị trường sầu riêng thê thảm như vậy!

Xưa nay, sầu riêng vốn là loại cây làm giàu ở đây, chỉ cần trồng một lần là có thể thu hoạch đến 50 - 60 năm, có thể sống sung túc... cả đời. Nhưng thiên tai đến bất thình lình, mọi vốn liếng, tiền của đầu tư vào vườn sầu riêng xem như đổ sông, đổ biển.

Gỡ mối “sầu chung”

Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang cũng đã thực hiện giải pháp hỗ trợ nông dân trồng sầu riêng. Tuy nhiên, dường như nỗi sầu của người trồng sầu riêng và giải pháp của ngành chức năng, các nhà khoa học chưa cùng một mối, chưa có hướng tháo gỡ hữu hiệu.

Trả lời thắc mắc của chúng tôi: “Vì sao sử dụng nước ngọt mua từ các nhà cung cấp, tưới cây thì cây chết hết, ông Trần Lý Ngự Bình - trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cai Lậy cho rằng:

“Trong thời điểm gay gắt nhất của hạn mặn không phát hiện sầu riêng bị chết.

Tuy nhiên, khi có mưa và có nước ngọt để tưới thì phát sinh chết nhiều.

Theo tôi, cây sầu riêng đã nhiễm hạn mặn và đang rất nóng, gặp nước vô bị chết, gọi là hiện tượng sốc nước.

Hiện tượng chết cây đã được ngành chuyên môn xuống điều tra, lấy mẫu nhưng chưa tìm được nguyên nhân”.

Với những vườn cây kiệt sức, cần chăm sóc phục hồi, theo ông Bình, huyện đang tìm nhà khoa học, viện trường tập huấn tái thiết lại vườn cây, phục hồi cây có dấu hiệu suy kiệt. Đồng thời, nghiên cứu giống sầu riêng, loại cây trồng chịu hạn mặn cao, để đưa vào trồng thay thế giống hiện tại, nhưng mọi thứ vẫn chưa có kết quả.

Đừng để người nông dân đơn độc với vườn sầu riêng của mình! Cần sự đồng hành, riêng - chung một mối. Mong lắm thay!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc khoải... “sầu chung”!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO