Khả năng đậu đại học sẽ như thế nào?

06/06/2008 15:28

Đã kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, trước mắt học sinh lớp 12 bây giờ là kỳ thi đại học, một ngã rẽ quan trọng của mỗi người. Khả năng đậu đại học ra sao, hãy tỉnh táo tham khảo dữ liệu thống kê từ các kỳ thi trước để có quyết định đúng nhất: theo đuổi con đường luyện thi đại học, vào cao đẳng, trung cấp hay học lấy một nghề vừa sức.

Tỷ lệ chọi cao không có nghĩa là khó

Điều đầu tiên phải nói đến là số lượng thí sinh đăng ký dự thi hiện nay có thể chỉ là số ảo - số lượng đến dự thi mới là số thật. Chẳng hạn, năm 2006, Trường đại học bách khoa TP.HCM có 10.975 thí sinh đăng ký dự thi, nhưng thật sự đến dự thi chỉ có 7.528 thí sinh, sang năm 2007, các con số tương ứng là 11.013 và 8.163.

Một số khá đông thí sinh đăng ký dự thi bị “rơi rụng” ở kỳ thi tốt nghiệp THPT (“thi sơ tuyển trước thi đại học”). Con số này càng cao khi kỳ thi tốt nghiệp càng được tổ chức nghiêm túc. Năm học 2005 - 2006, tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT là 93,98%, bổ túc THPT là 82,89%. Sang năm học 2006 - 2007, tỷ lệ này lần lượt là 66,6% và 26,6%!

Tỷ lệ chọi cao không có nghĩa là ngành đó khó vào. Hiện nay thí sinh chọn ngành để đăng ký dự thi thường đã rất cân nhắc sức học của mình, những học sinh không quá giỏi thường sẽ không lựa chọn những trường có điểm tuyển sinh cao như y dược, bách khoa, ngoại thương… mà sẽ dồn nhiều vào những trường ở tốp dưới. Trong khi đó, những trường tốp đầu có tỷ lệ chọi thấp hơn do số thí sinh đăng ký dự thi ít hơn, nhưng nơi đây là cuộc đua của những “siêu sao” nên điểm trúng tuyển cao ngất, học sinh trung bình khó chen chân vào được.

Còn phải kể đến việc rất nhiều thí sinh phải “thi nhờ”. Theo quy định, những thí sinh có nguyện vọng 1 vào trường không tổ chức thi thì phải đăng ký dự thi ở một trường khác (có tổ chức thi), sau đó lấy điểm này để xét tuyển vào trường không tổ chức thi. Năm nay có 95 trường đại học, cao đẳng không tổ chức thi, những thí sinh muốn vào các trường này sẽ phải đăng ký ở trường khác, con số đăng ký thêm này làm tỷ lệ chọi ở trường đó tăng cao, nhưng thực chất không phải vậy.

Phân tích các tỷ lệ trúng tuyển...

Chưa thi thì chưa thể nói được điều gì, nhưng hãy thử nhìn vào con số của các kỳ thi trước mà “tiên đoán”. Năm 2004, TP.HCM có 102.935 thí sinh đăng ký dự thi, 16.580 thí sinh được bước vào giảng đường, tức là đạt tỷ lệ 16,11%; sang năm 2005, tỷ lệ này là 16,92%, năm 2006 là 15,93%, năm 2007 cao hơn một chút: 16,72%. Năm ngoái, ở Hà Nội có 18,91% số thí sinh đăng ký dự thi trúng tuyển.

Có một số nơi có tỷ lệ trúng tuyển cao. Năm 2007, Bạc Liêu chỉ có 4.593 thí sinh đăng ký dự thi, nhưng có đến 1.525 thí sinh trúng tuyển (33,2%); Vĩnh Phúc có 20.022 thí sinh đăng ký dự thi, 6.194 thí sinh trúng tuyển (30,94%); số thí sinh của Hậu Giang đăng ký là 5.298, số trúng tuyển là 1.576 (29,75%).

Nhìn theo hướng khác, thử so sánh giữa nam và nữ: năm 2002 chỉ có 44,99% số thí sinh trúng tuyển là nữ; đến 2007, con số này là 52,33% - chứng tỏ thí sinh nữ ngày càng học giỏi hơn! So sánh nông thôn và thành thị: năm 2002, chỉ có 29,78% thí sinh trúng tuyển là ở nông thôn, sau đó con số này tăng dần theo từng năm: 30% - 35,36% - 36,73% - 37,22% - 38,04% (năm 2007).

Năm 2007, có 35,76% tổng số thí sinh dự thi đủ ba môn đạt tổng điểm từ 15 trở lên (2006: 20,8%), trong đó khối A là 37,4%, khối B 49,68%, khối C 21,87%, khối D 20,33%... v

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khả năng đậu đại học sẽ như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO