Kết nối phát triển 4 nhóm sản phẩm chủ lực của Thành phố Hồ Chí Minh

TUYẾT MAI| 08/11/2019 15:54

KHPTO - Ngày 7/11/2019, UBND TP.HCM đã chủ trì tổ chức hội thảo khoa học “Kết nối phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực của TP.HCM (Nhà nước - Nhà khoa học - Ngân hàng - Doanh nghiệp)” nhằm thúc đẩy và hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các ngành công nghiệp chủ lực, gồm: cơ khí – tự động hóa; điện – điện tử, công nghệ thông tin; công nghệ sinh học; y tế; nông nghiệp.

Hội thảo đã tập trung làm rõ các vấn đề lớn, như: Xác định những khó khăn trong hợp tác liên kết giữa các bên và đề xuất cơ chế chính sách; phân tích nhu cầu về phát triển, chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp (DN) để từ đó định hướng phát triển các sản phẩm chiến lược của DN; Nhận định năng lực nghiên cứu của các tổ chức khoa học công nghệ, các trường/viện nghiên cứu cùng các kết quả có thể chuyển giao cho DN. Từ đó, nhiều ý kiến đề xuất khả thi được đưa ra nhằm tham mưu cho lãnh đạo thành phố trong việc tối ưu hóa việc liên kết các nhà, đem lại hiệu quả thực tế nhất.

Tại TP.HCM, Sở khoa học và công nghệ, Sở công thương, Ngân hàng nhà nước rất chú trọng đến việc thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ trong DN, với việc xác định lấy DN là trung tâm của đổi mới khoa học và công nghệ, trong mối quan hệ hợp tác phát triển giữa Nhà nước – DN – Trường, viện.

Có nhiều mô hình hợp tác giữa trường, viện và DN. Tuy nhiên, xét ở cấp độ kết quả, có thể kể đến 8 hình thức hợp tác:

- Hợp tác trong nghiên cứu khoa học và công nghệ;

- Thương mại hóa các kết quả nghiên cứu;

- Thúc đẩy khả năng lưu chuyển của sinh viên;

- Thúc đẩy sự vận động, lưu chuyển của giới hàn lâm;

- Xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo;

- Học tập suốt đời;

- Hỗ trợ tinh thần đổi mới sáng tạo và các hoạt động khởi nghiệp;

- Tham gia quản trị nhà trường.

Trong nhiều năm qua, các chương trình hỗ trợ của TP.HCM đã tạo dựng cơ chế liên kết hợp tác các bên với kết quả khả quan. Trên 90% nhiệm vụ khoa học và công nghệ xuất phát từ yêu cầu đổi mới công nghệ thiết bị, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp.

Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM báo cáo tổng kết quá trình xây dựng nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp TP.HCM từ năm 2015 đến nay. Dựa trên cơ sở các số liệu, điều tra từ 5 dự án quy hoạch đã và đang được Hội đồng thẩm định TP.HCM thông qua, Sở đã tham mưu cho UBND TP.HCM xây dựng danh mục nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, gồm: rau, hoa – cây kiểng, bò sữa (con giống, sữa), heo (con giống, thịt), tôm nước lợ và cá cảnh (sản phẩm có tiềm năng). Đồng thời, UBND TP.HCM cũng ban hành nhiều chương trình, chính sách nhằm khuyến khích phát triển nền nông nghiệp đô thị, đặc biệt là các chương trình hỗ trợ lãi suất vay, từ 60% - 100% khi đầu tư phát triển và chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp.

Xác định tầm nhìn trong mục tiêu chiến lược đến năm 2030 là trở thành đại học nghiên cứu, Đại học quốc gia TP.HCM khẳng định, tiếp tục học hỏi mô hình các nước trên thế giới (chọn sản phẩm khoa học và công nghệ, xây dựng chiến lược….). Đặc biệt, đơn vị này nhấn mạnh mối quan hệ giữa nhà trường và DN phải được xem là mối liên kết bình đẳng hai bên cùng có lợi chứ không phải là mối liên kết chỉ có sự hỗ trợ một chiều. Trong đó, chuyển giao công nghệ và phát triển các vườn ươm hỗ trợ khởi nghiệp được coi như một “nhiệm vụ thứ ba” của các trường đại học. Trên cơ sở đó, Đại học quốc gia TP.HCM có những khuyến nghị chính sách phát triển khoa học và công nghệ cho TP.HCM, trong đó chú trọng tới cách tiếp cận xác định công nghệ theo hai phương thức là xuất phát từ nhu cầu thị trường và từ năng lực công nghệ.

Là một trong những đại diện của nhóm chủ lực trong liên kết theo mô hình này, ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM khẳng định, trong hơn 5 năm qua đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN với các biện pháp và hành động cụ thể, như: tổ chức triển khai thực hiện chương trình kết nối Ngân hàng – DN; chương trình cho vay bình ổn thị trường; chương trình cho vay các DN trong khu chế xuất – khu công nghiệp; chương trình cho vay kích cầu đầu tư; cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay DN công nghiệp hỗ trợ…

Đặc biệt, tại hội thảo này, ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã chọn lựa và giới thiệu 3 chương trình tín dụng hỗ trợ DN tiêu biểu đang tổ chức hiệu quả. Đó là chương trình Kết nối ngân hàng – DN bằng hình thức giảm lãi suất cho vay DN, tăng mức tín dụng, cơ cấu lại kỳ hạn nợ trả nợ. Chương trình cho vay bình ổn thị trường với mức lãi suất thực trả hợp lý, đồng thời hỗ trợ cả về mặt thị trường tiêu thụ thông qua việc đưa hàng hóa vào mạng lưới các siêu thị của TP.HCM như Satra Food, Co.op Mart. Cuối cùng là chương trình cho vay phát triển nông nghiệp – nông thôn nhằm gắn kết chính sách tiền tệ, tín dụng theo cơ chế thị trường với chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nông dân của Nhà nước.

Sở công thương TP.HCM giới thiệu nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP.HCM giai đoạn 2018 – 2020 và các cơ chế, chính sách hỗ trợ, gồm: 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và 1 nhóm tiềm năng.

Trong khi đó, Sở kế hoạch và đầu tư TP.HCM trình bày báo cáo kết quả chương trình kích cầu đầu tư và căn cứ theo tình hình thực tế đề xuất điều chỉnh một số ngành thuộc lĩnh vực mà TP.HCM đang khuyến khích phát triển. Cụ thể, TP.HCM đã phê duyệt 281 dự án với tổng mức đầu tư hơn 23.798 tỷ đồng, trong đó số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi suất là 11.209,137 tỷ đồng, bình quân số vốn đầu tư một dự án là 84,69 tỷ đồng…

Tuy nhiên, Sở cũng khuyến nghị một số hạn chế cơ bản của chương trình này cần được khắc phục, như: thị trường tiêu thụ sản phẩm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố (lãi suất, thị trường, nguồn nhiêu liệu đầu vào, địa điểm đầu tư...) nên một số DN chưa mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại; các DN đa số là vừa và nhỏ nên thiếu kinh nghiệm, thiếu chuyên môn trong việc lập dự án và không có tài sản thế chấp nên không được các tổ chức tín dụng thẩm định và đồng ý cho vay nên chưa thể tham gia chương trình kích cầu; các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho các dự án đăng ký tham gia chương trình kích cầu đầu tư chưa thẩm định hết nội dung theo quy định như tính khả thi của dự án, khả năng tài chính, kế hoạch trả nợ; một số lĩnh vực như văn hóa thể dục, thể thao và nông nghiệp chưa hoặc có rất ít dự án đăng ký tham gia.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo là chương trình ký kết hợp tác giữa các đơn vị trong nhóm chủ lực, khẳng định những nỗ lực của chính quyền TP.HCM trong việc quyết tâm xây dựng mối liên kết 4 nhà nhằm phát triển nguồn nhân lực, hình thành các sản phẩm mới và cải tiến nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh cho DN trên địa bàn TP.HCM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối phát triển 4 nhóm sản phẩm chủ lực của Thành phố Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO