Huyện Hóc Môn TP. Hồ Chí Minh: Trồng rau muống VietGAP gắn với tiêu thụ

PHƯỢNG VỸ| 17/07/2019 13:43

KHPTO - Cánh đồng rau muống nước của xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn đã dần khẳng định được uy tín chất lượng nhờ áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) gắn với tiêu thụ.

Để sản xuất rau muống đảm bảo an toàn và giúp người tiêu dùng an tâm về chất lượng, Trạm Khuyến nông huyện Hóc Môn phối hợp với Trạm bảo vệ thực vật triển khai mô hình trình diễn trồng rau muống nước theo quy trình VietGAP cho 62 hộ trên diện tích 50 ha.

Triển khai mô hình, ngoài hướng dẫn về kỹ thuật, các đơn vị còn hỗ trợ xây dựng chuỗi rau muống nước. Theo đó, xây dựng Tổ hợp tác rau muống nước Nhị Bình với trên 36 hộ tham gia, mục tiêu tạo ra sản phẩm đồng đều về chất lượng và đảm bảo nguồn rau muống sạch tại chỗ cho địa phương và cho thành phố.

Bên cạnh đó, tìm đối tác bao tiêu sản phẩm để tổ hợp tác yên tâm sản xuất. Nắm bắt cơ hội này, tổ hợp tác nỗ lực xây dựng vùng rau sạch, trong đó, tuân thủ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, bón phân đúng liều lượng để tạo ra vùng rau sạch và chất lượng. Với việc cam kết tạo ra sản phẩm chất lượng, tổ hợp tác đã tạo dựng niềm tin với nhà cung ứng để rồi trong 3 năm liên tục, Công ty Bách hóa xanh, Công ty Sông Xanh và Hợp tác xã Mai Hoa ký kết nhiều hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân với sản lượng 3 tấn/ngày, giá 5.000 - 7.000 đồng/kg.

Anh Phạm Văn Tín, ấp 1, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn chia sẻ: “Qua bốn năm tham gia mô hình sản xuất rau muống theo quy trình VietGAP, tôi luôn đảm bảo việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng, an toàn cũng như thời gian cách ly của thuốc khi thu hoạch, từ đó, an tâm hơn khi xuống đồng ruộng. Mặc dù sản xuất rau muống theo quy trình VietGAP tốn nhiều công chăm sóc hơn, nhưng sản phẩm làm ra được bao tiêu nên giá cả ổn định, lợi nhuận từ đó tăng lên 900 triệu đồng/năm/12 lứa/1,3 ha”.

Tuy nhiên, quá trình sản xuất rau muống theo quy trình VietGAP gặp nhiều khó khăn do giá rau sạch thấp, bán bằng giá rau chợ. Mặt khác, năng lực sản xuất rau sạch còn hạn chế dẫn đến nông hộ không còn mặn mà với mô hình sản xuất rau theo quy trình VietGAP. Điều này gây nhiều bất lợi cho địa phương, bởi hiện tại, Nhị Bình đang xây dựng cánh đồng rau muống nước, do vậy nếu diện tích trồng rau VietGAP giảm dần thì hiệu quả đạt được sẽ rất thấp. Hiện tại, toàn huyện có 112 hộ trồng rau muống trên diện tích 67 ha tập trung tại ấp 1 và ấp 2, trong đó, dưới 50% diện tích trồng rau của xã đang được sản xuất theo quy trình VietGAP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Hóc Môn TP. Hồ Chí Minh: Trồng rau muống VietGAP gắn với tiêu thụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO