Hương trầu Vị Thủy

THÀNH HIỆP| 16/02/2017 18:57

Xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang hiện còn trên 300 hộ sống bằng nghề trồng trầu. Đến nơi này, ai cũng ấn tượng trước những vườn trầu với hàng trăm, hàng ngàn nọc trầu thẳng băng, lá xanh mơn mởn phảng phất chút vàng óng ả trông thật đẹp mắt.

KHPT-Có lẽ đây là những vườn trầu ấn tượng nhất còn sót lại ở đồng bằng sông Cửu Long, là một góc hồn quê Nam bộ.

13b

Bà Dương Thị Ất, một trong những người trồng trầu lâu năm ở đây cho biết, khi bà lớn lên là ông bà, cha mẹ đã có sẵn vườn trầu. Đến đời bà cho tới con cháu cũng đều trồng trầu. Vườn trầu bà Ất khoảng 1.000 m2, thu nhập bình quân mỗi tháng từ 2 - 3 triệu đồng. Trồng trầu tuy không ai giàu nhưng nhờ thu hoạch quanh năm, đủ cho cái ăn cái mặc và lo cho con cái học hành nên hầu như không ai bỏ nghề.
Trầu Vị Thủy là trầu vàng, hương vị cay nồng được nhiều người ưa thích. Sau 4 - 5 tháng xuống giống, dây trầu sẽ bắt đầu cho lá, cứ nửa tháng lại hái một lần. Thông thường,  thương lái đến tận nhà thu mua  trầu chở đi các nơi giao lại cho bạn hàng ở các tỉnh miền Tây, nhiều nhất là những nơi có đông đảo người Khmer sinh sống như Trà Vinh, Sóc Trăng, Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang). 
Muốn có được một ốp trầu (40 lá), người trồng phải trải qua nhiều công đoạn vất vả: mua hom giống, chọn cây làm nọc, khai mương, đơm gốc, tưới nước, hái trầu rồi xếp lại thành ốp gọi là liễn trầu. Hầu hết phụ nữ ở làng trầu đều giỏi nghề liễn trầu, tức xếp những lá trầu thành chục (chục có khi 10, có khi 16 hoặc 20…tùy nơi), sau đó xếp thành trăm rồi thành thiên trước khi giao cho thương lái. 

_BO_SUNG_VUON_TRAU
Ông Nguyễn Tấn Trị ở ấp 4 cho biết, gần đây, do ít người tiêu dùng nên chỉ tiêu thụ nội địa, một số ít bán sang Campuchia và Đài Loan nên giá cả lúc vầy lúc khác. 
Ngày nay, tuy trầu cau đã mất dần thị trường tiêu thụ vì phụ nữ đã bỏ dần tục ăn trầu, ngay cả người già cũng không thích nhai trầu bỏm bẻm. Do đó, mỗi lần đi ngang qua Vị Thủy, nhìn những giàn trầu óng mượt ai nấy cũng đều lo ngại không biết rồi đây số phận của vườn trầu sẽ ra sao? Mất vườn trầu là mất cả hồn quê.  Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Lan, một bạn hàng chuyên chở trầu đi giao mối quanh năm cho biết, mặt hàng trầu cau ngày càng hiếm vì nhiều nơi đã phá bỏ để trồng cây đặc sản, chỉ có Vị Thủy là tồn tại và phát triển nên luôn chiếm ưu thế và độc quyền ở miền Tây, đặc biệt là vào mùa cưới hỏi, mùa lễ hội, trầu cau trở thành mặt hàng bán chạy, nhất là dịp tết, trầu luôn "sốt", giá gấp đôi ba lần ngày thường. 
Theo bà con ở Vị Thủy, trầu bán chạy nhất vào những ngày lễ hội truyền thống vì theo phong tục cổ truyền, trầu cau được coi như một thứ lễ vật thiêng liêng không thể thiếu trong lúc vui, lúc buồn và hỷ sự như ngày giỗ, ngày tết, hội hè, đình đám, đặc biệt là lễ cưới hỏi bao giờ cũng có mâm trầu cau "Trầu vàng ăn với cau xanh. Duyên em sánh với tình anh mặn nồng".
Ông Lê Hoàng Tiên, phó trưởng phòng văn hóa huyện Vị Thủy cho biết, người trồng trầu thu nhập cao hơn trồng lúa nhiều lần, hơn nữa, trầu là nét đẹp văn hóa của Vị Thủy nên địa phương cần giữ gìn và phát triển, đồng thời nên gắn với tham quan du lịch để nâng cao hiệu quả của một làng trầu truyền thống. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hương trầu Vị Thủy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO