Hướng nghiệp cho sinh viên năm cuối: Muộn!

<_o3a_p>| 01/01/2010 10:37

Sau một thời gian ít chú ý, hiện nay các trường đại học đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề hướng nghiệp cho sinh viên năm cuối. Thực ra để đến lúc sinh viên sắp ra trường mới tổ chức các hoạt động hướng nghiệp là hơi muộn. Nếu hoạt động hướng nghiệp được tổ chức tốt thì tác động quan trọng nhất đến sinh viên là họ sẽ có chuẩn bị, có định hướng và có động cơ học tập tốt hơn; sẽ chọn những môn học và khóa học phù hợp, chủ động hơn trong việc xin thực tập, tìm kiếm việc làm về sau.

Anh sinh viên mới ra trường, đi xin việc tại một công ty. Đơn xin việc của anh rập khuôn, máy móc, sơ sài, không có điểm nhấn. Anh đã bị rớt ngay tại vòng sơ tuyển (xét hồ sơ).

ThS. Nguyễn Thị Kim Loan, Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, khi khảo sát về vấn đề này đã đưa ra nhận định: “Những câu hỏi phỏng vấn thường gây khó khăn cho ứng viên là: định hướng nghề nghiệp, hiểu biết về công việc dự tuyển và về công ty. Những câu hỏi tưởng chừng rất “phụ” đó trong nhiều trường hợp lại đóng vai trò quyết định trong việc tuyển dụng”.

Nhà tuyển dụng thường lý luận rằng nếu không có một định hướng công việc rõ ràng thì ứng viên sẽ không có sự chuẩn bị đầy đủ cho công việc mới; ứng viên sẽ dễ dàng nhận việc nhưng cũng dễ dàng bỏ việc khi gặp khó khăn hoặc không phù hợp.

ThS. Nguyễn Thị Kim Loan cho rằng: “Không nên nghĩ công tác hướng nghiệp chỉ có tác động đến sinh viên trong giai đoạn vừa tốt nghiệp và đi xin việc. Nếu hoạt động hướng nghiệp được tổ chức tốt thì sinh viên sẽ có động cơ học tập tốt hơn. Một người biết mình cần những kiến thức, kỹ năng gì sẽ chọn những môn học, khóa học phù hợp và chủ động hơn trong việc xin thực tập, tìm hiểu môi trường làm việc sau này. Công tác hướng nghiệp cũng tác động đến các giáo viên, giúp bài giảng của họ mang tính định hướng nghề nghiệp, bớt lý thuyết hơn, sống động hơn”.

Hiện nay các trường đại học đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề này thông qua các trung tâm hỗ trợ sinh viên hoặc bộ phận quan hệ doanh nghiệp. Tuy nhiên, các hoạt động hướng nghiệp chủ yếu được nhắm vào các sinh viên năm cuối. Để đến lúc đó là hơi muộn.

Tại hội thảo khoa học về định hướng nghề nghiệp cho sinh viên do Đại học quốc gia TP.HCM tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Ánh Hồng, Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đã cảnh báo về việc sinh viên chưa hiểu biết nhiều về mức độ quan trọng của các yếu tố đối với công việc tương lai. Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 18,3% sinh viên năm cuối biết rõ về thị trường lao động đối với ngành nghề của họ, 72,8% chỉ biết một phần và 8,9% hoàn toàn không biết gì.

Kiến thức chuyên môn là yếu tố được các nhà sử dụng lao động và cựu sinh viên đánh giá là quan trọng nhất để giúp người lao động thành công trong công việc, nhưng với sinh viên năm cuối, kiến thức chuyên môn chỉ ở vị trí thứ 5. Chính vì chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của kiến thức chuyên môn trong thực tiễn công việc, nên một bộ phận không nhỏ trong sinh viên chưa tích cực tích lũy tri thức trong thời gian học tập trên giảng đường đại học.

NHƯ HOA

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng nghiệp cho sinh viên năm cuối: Muộn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO