HoREA: Không xin tiền, chỉ xin cơ chế để giải cứu thị trường bất động sản

H. CHIẾN| 13/05/2020 12:01

KHPTO - Trong Công văn số 50/2020/CV-HoREA gửi Thủ tướng Chính phủ vào ngày 7/5 về “Đề xuất các giải pháp chủ yếu để thị trường bất động sản (BĐS) phục hồi và phát triển ổn định, lành mạnh trong tình trạng bình thường mới, chung sống an toàn với dịch Covid-19”, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng:

Theo báo cáo của hiệp hội, thị trường BĐS đã gặp khó khăn, vướng mắc từ 2018 - 2019. Hàng trăm dự án bị ách tắc. Nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở có giá vừa túi tiền bị sụt giảm mạnh. Giá nhà tăng. Nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai và BĐS bị sụt giảm. Sang năm nay, dịch Covid-19 càng làm trầm trọng thêm các khó khăn của các doanh nghiệp BĐS và người mua nhà.

Nhận thấy thị trường BĐS có khả năng hồi phục nhanh qua cuộc khủng hoảng 2008 - 2009, HoREA - đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp BĐS TP.HCM - khẳng định, doanh nghiệp không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin hỗ trợ về cơ chế chính sách. Theo hiệp hội, thị trường BĐS như chiếc lò xo bị nén, càng bị nén thì chỉ cần Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc về quy trình thủ tục hành chính và khai thông nguồn vốn tín dụng thì sẽ bùng lên mạnh mẽ, tạo nên cú hích cho nền kinh tế.

Các doanh nghiệp BĐS sẽ tập trung vào thị trường nội địa, chuyển hướng mạnh mẽ vào phân khúc thị trường nhà ở có giá vừa túi tiền, nhất là căn hộ 1 - 2 phòng ngủ, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực của đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị và chuẩn bị sẵn sàng hấp thụ làn sóng đầu tư nước ngoài.

HoREA kiến nghị Chính phủ sớm ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai”, theo thủ tục rút gọn. Trong đó, nghị định có bổ sung hình thức “giao đất” đối với thửa đất do Nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở; trường hợp thửa đất do Nhà nước quản lý có đủ điều kiện tách được thành dự án độc lập thì thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Nếu không đủ điều kiện tách được thành dự án độc lập thì giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án và xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Hiệp hội kiến nghị các bộ, ngành rà soát và hướng dẫn ban hành “Quy trình chuẩn 4 bước” về thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp theo quy định pháp luật hiện hành, để thống nhất thực hiện. Quy chuẩn “4 bước” gồm lập thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; công nhận chủ đầu tư, cấp giấy phép xây dựng, lập thủ tục xác định tiền sử dụng đất, cấp “số đỏ” dự án.

HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại áp dụng Thông tư 01 đối với các doanh nghiệp BĐS và người mua nhà được xem xét cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30 - 50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020), giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn đối với các khoản nợ đến hạn trong năm 2020.

Bên cạnh đó, các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp BĐS được tiếp cận nguồn vốn tín dụng (vay mới) và xem xét giảm 50% giá trị tài sản thế chấp để thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay. Điều này áp dụng với doanh nghiệp được tổ chức tín dụng thẩm định khả năng đáp ứng các điều kiện vay vốn; có phương án sử dụng vốn khả thi; có khả năng tài chính để trả nợ; và các doanh nghiệp BĐS có uy tín thương hiệu, có chỉ số tín nhiệm cao, có đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước (trong 3 năm gần đây), có dự án khả thi.

Tương tự, ngân hàng tiếp tục cho cá nhân, hộ gia đình vay tín dụng mua nhà cũng được giảm khoảng 30 - 50% lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020) và xem xét, có cơ chế cho người trẻ được vay tín dụng thương mại với lãi suất hợp lý, theo phương thức tín chấp để mua căn nhà đầu tiên, áp dụng từ năm 2020 và các năm tiếp theo.

Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét cho phép nới thêm 5% giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 20%; đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 30% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chỉ áp dụng đặc thù trong năm 2020.

Ngoài ra, HoREA còn cho rằng Chính phủ có cơ chế sớm bố trí nguồn vốn ngân sách 3.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhất là nguồn vốn 2.000 tỷ đồng bố trí cho 4 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank vừa nhằm thực hiện chính sách nhà ở xã hội, vừa góp phần kích cầu thị trường BĐS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
HoREA: Không xin tiền, chỉ xin cơ chế để giải cứu thị trường bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO