Hợp tác xã đóng vai trò “nhạc trưởng” trong chuỗi giá trị ngành hàng ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái

NHƯ NGỌC| 04/01/2019 06:06

KHPTO - Nói về chính sách phát triển mang tính đột phá để xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu hiện nay, PGS.TS. Vũ Trọng Khải, nguyên hiệu trưởng Trường cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II cho rằng, chính sách phát triển các hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp cần đóng vai trò “nhạc trưởng” trong chuỗi giá trị ngành hàng ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái.

Chính sách phát triển các HTX và doanh nghiệp

Chính sách phát triển các HTX và doanh nghiệp đóng vai trò “nhạc trưởng” trong chuỗi giá trị ngành hàng ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái. Các trang trại gia đình sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao chỉ có ưu thế trong các khâu sản xuất mang tính sinh học trên từng thửa ruộng, vườn cây, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và ao nuôi trồng thủy hải sản, và đóng vai trò chủ thể quan trọng đầu tiên trong chuỗi giá trị ngành hàng nông sản. Nhưng để áp dụng công nghệ cao trong toàn chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, tạo dựng thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước, cần có vai trò “nhạc trưởng” của các doanh nghiệp và HTX bảo đảm cung ứng dịch vụ đầu vào - đầu ra bằng công nghệ cao cho các trang trại.

Một mặt, các doanh nghiệp và HTX cung ứng giống xác nhận theo yêu cầu chủng loại, phẩm chất của thị trường, cung ứng các trang thiết bị và vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chăn nuôi, nuôi trồng theo GlobalGAP cho các trang trại. Mặt khác, các doanh nghiệp và HTX phải bảo đảm chế biến, bảo quản, phân phối, tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường. Ba vấn đề mà các trang trại không thể tự giải quyết là: thị trường và thương hiệu, ứng dụng công nghệ cao, vốn sản xuất. Ba vấn đề này phải do các doanh nghiệp và HTX đảm trách. Khi đó, về pháp lý các trang trại có quyền tự chủ kinh doanh, nhưng trên thực tế, chỉ là đơn vị sản xuất gia công cho các doanh nghiệp, HTX ở những khâu sản xuất mang tính sinh học.

Do vậy, cần có chính sách đào tạo một đội ngũ doanh nhân, các chuyên gia kinh tế, kỹ thuật đủ năng lực khởi nghiệp và

phát triển các doanh nghiệp và HTX đóng vai trò “nhạc trưởng” trong chuỗi giá trị của mỗi ngành hàng nông sản trên mỗi vùng sinh thái nông nghiệp.Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tài trợ kinh phí khuyến nông, tài trợ vốn khởi nghiệp và lãi suất tín dụng cho các dự án ứng dụng công nghệ cao của các doanh nghiệp và HTX đảm nhiệm vai trò “nhạc trưởng” trong chuỗi giá trị ngành hàng nông sản.

Về đổi mới tư duy

PGS.TS. Vũ Trọng Khải nhận định, điều này chỉ có thể thực hiện được khi và chỉ khi các yếu tố cấu thành của hệ thống đó còn nhiều “dư địa” phát triển. Nhưng hiện nay, các yếu tố cấu thành nền nông nghiệp Việt Nam đã đạt đến “ngưỡng phát triển tới hạn”. Do vậy, phải tạo ra các yếu tố mới về chất cấu thành nên nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cả trong sản xuất và quản trị, dẫn đến sự phát triển có hiệu quả và bền vững cả về kinh tế - xã hội và môi trường. Đó chính là tiến trình xây dựng lại nền nông nghiệp, chứ không phải là tái cấu trúc.

Mặt khác, tiến trình xây dựng lại nền nông nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ cao trong sản xuất và quản trị, là một bộ phận cấu thành quan trọng nhất của công cuộc xây dựng nông thôn mới. Cho nên, xây dựng lại nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới không phải là hai khái niệm đồng đẳng, không phải là hai nội dung cùng diễn tiến đồng thời và gắn kết với nhau.

Chính sách phát triển biến nông dân thành thị dân

Cần có chính sách phát triển công nghiệp và đô thị đúng đắn để biến nông dân thành thị dân một cách bền vững, làm giảm dân cư và sức lao động nông nghiệp, tạo ra nguồn “cung” đất nông nghiệp cho thị trường, tạo lập các trang trại sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, đủ năng lực ứng dụng công nghệ cao.

Theo PGS.TS. Vũ Trọng Khải, trên thực tế, chúng ta đã không thực hiện được điều này. Chính sách phát triển nền công nghiệp gia công, lắp ráp, có giá trị gia tăng thấp, dựa trên “ưu thế” sức lao động giá rẻ, chỉ cần “cơ bắp”, và dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên, chấp nhận tình trạng ô nhiễm môi sinh nghiêm trọng để đổi lấy tăng trưởng kinh tế. Do vậy, người nông dân rời bỏ đồng ruộng để làm công nhân trong các khu công nghiệp buộc phải chấp nhận thu nhập thấp, điều kiện lao động xấu, buộc phải làm tăng ca để bảo đảm mức sống tối thiểu...

Mặt khác, chúng ta chỉ xây dựng các khu công nghiệp để tạo việc làm, mà không xây dựng khu dân sinh với các tiện ích công cộng, như nhà ở xã hội có điện, nước sạch, nhà trẻ, trường học, bệnh viện, chợ, nhà văn hóa, đường giao thông...

Hơn nữa, các khu công nghiệp thường phổ biến xây dựng ở các đô thị đã có, tạo ra các siêu thành phố với những vấn nạn về kinh tế - xã hội và môi trường, không thể giải quyết được.

Cho nên, người nông dân ra thành phố làm công nhân trở thành công dân hạng 2, sống trong các nhà ổ chuột, không được hưởng các tiện ích công cộng như cư dân đô thị. Người nông dân ra thành phố làm công nhân trong điều kiện “không an cư, nên không lạc nghiệp”, họ không thể trở thành thị dân. Làm công nhân chỉ là tạm bợ và luôn sống trong tâm thế sẵn sàng trở về quê làm nông dân khi có những biến động bất lợi trong đời sống. Do vậy, họ không sẵn sàng bán hay cho thuê lâu dài số đất nông nghiệp ít ỏi của mình ở quê hương. Điều đó đã không tạo ra nguồn “cung” cho thị trường đất nông nghiệp. Vì thế, cần phải thay đổi căn bản tư duy và chính sách phát triển công nghiệp và đô thị, tạo lập nhiều khu đô thị có đủ tiện ích văn minh ở vùng kinh tế - sinh thái để thu hút sức lao động dư thừa từ nông nghiệp, nông thôn, biến nông dân thành thị dân một cách thực sự và bền vững.

Chính sách đào tạo đội ngũ nông dân chuyên nghiệp

Nền nông nghiệp truyền thống tồn tại dựa trên những “lão nông tri điền”, những nông dân “cha truyền con nối”, nên không thể sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản trị. Vì vậy, một mặt, phải có chính sách đầu tư đào tạo một đội ngũ “thanh nông tri điền”, những nông dân chuyên nghiệp, đủ năng lực quản lý các trang trại gia đình sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thực hiện GlobalGAP và đủ năng lực thành lập và quản lý hợp tác xã kiểu mới theo Luật hợp tác xã 2012.

Cả hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nông, lâm, ngư nghiệp dày đặc trong cả nước phải được Nhà nước giao nhiệm vụ và cấp kinh phí để đào tạo lớp thanh niên nông thôn thành nông dân chuyên nghiệp. Chỉ khi có đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, “cầu” trên thị trường đất nông nghiệp mới hình thành và phát triển, tạo lập các trang trại ứng dụng công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng nông sản trên thị trường trong và ngoài nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác xã đóng vai trò “nhạc trưởng” trong chuỗi giá trị ngành hàng ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO