Hỗn loạn thị trường thuốc thú y và thức ăn thủy sản

31/08/2007 15:33

Song song với cơn lốc đào ao nuôi cá tra, cá basa ồ ạt là sự bát nháo của hiện trạng mua bán thuốc thú y và thức ăn thủy sản. Vô số thuốc kháng sinh, thức ăn kém chất lượng, hóa chất xử lý nước chưa công bố chất lượng, chưa được phép lưu hành với bao bì nhãn mác không rõ ràng... đang gây nhiễu loạn thị trường ĐBSCL.

Thuốc thú y: nhãn mác đua nở

Mỗi khi tìm đến các đại lý thuốc thú y thủy sản, người nuôi không khỏi “hoa mắt” bởi hàng trăm tên thương mại, nhãn mác của các loại thuốc. Được đóng gói trong những bao bì “sạch, đẹp”, cùng một loại thuốc được gắn nhiều tên và nhiều công dụng khác nhau. Với cùng một loại thuốc, nhưng vì nhiều “lý lẽ” khác nhau, người bán có thể rao bán đó là thuốc thú y thủy sản hay thuốc trị bệnh cho gia súc, gia cầm. “Đã là kháng sinh thì tất nhiên trị bệnh cho cá mắm hay gà vịt cũng hiệu quả như nhau! ”- chủ đại lý S. ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) giải thích.

Với việc dùng decal, những bao thuốc không nhãn đã được gán cho bất kỳ tên gì và công dụng gì, đáng sợ là với những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn, và tất nhiên không được phép lưu hành. Người bán có thể bóc nhãn từ một bao thuốc này và dán vào bất kỳ bao thuốc khác. Đó là cảnh buôn bán thuốc thủy sản của gần 80/112 đại lý, cửa hàng mà chúng tôi ghi nhận được khi theo chân đoàn thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp trong nửa đầu tháng 8/2007 vừa qua. Đoàn thanh tra đã tịch thu hàng trăm kilogram thuốc thú y thủy sản mà cán bộ chuyên ngành cũng không biết đó là thuốc gì, bởi trên bao bì không có nhãn mác. Đấy là chưa kể vô số các loại thuốc nhập khẩu chưa được phép lưu hành. Có những loại thuốc còn đang trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm cũng được bày bán công khai. Thanh tra Sở NN&PTNT Đồng Tháp thống kê, có trên 68% đại lý, cửa hàng vi phạm các lỗi như: kinh doanh thuốc thú y không công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa theo quy định, thuốc quá hạn dùng, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, cửa hàng kinh doanh thuốc thú y thủy sản không có chứng chỉ hành nghề.

Tình trạng trên phổ biến ở khắp các tỉnh ĐBSCL. Đáp ứng nhu cầu rất lớn về lượng thuốc thú y thủy sản, các đại lý đã mọc lên như nấm, đặc biệt ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long và Tiền Giang.

Chỉ tính riêng tại huyện Thốt Nốt của TP. Cần Thơ, ngành chức năng cũng đã phát hiện phân nửa số đại lý hiện có (36/70) vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh thuốc thú y thủy sản. Vi phạm với quy mô lớn là các đại lý Tr. Th., H.H., K.D.

Thức ăn thủy sản: co giãn theo lòng tham

Theo thanh tra Sở thủy sản An Giang, lực lượng kiểm tra liên ngành đã phát hiện hàng chục thương hiệu thức ăn thủy sản kinh doanh gian lận. Hình thức gian lận phổ biến nhất là các loại thức ăn có hàm lượng đạm thấp hơn so với con số công bố trên bao bì. Ví dụ: nhãn hiệu Gold Feed 918 có hàm lượng đạm thấp hơn 3,2% so với số công bố; Én Vàng gian lận 2,5%, Vihaco - Trà Vinh gian lận tới 28,7%... 14 loại thức ăn được lấy mẫu phân tích đều bị phát hiện gian lận. Công ty sản xuất thức ăn Việt - Bỉ bị phạt hai lần vẫn còn cố tình vi phạm. Tất cả các mẫu thức ăn được lấy mẫu phân tích đều bị phát hiện gian lận.

Theo một chủ đại lý thức ăn ở Long Xuyên (An Giang), các công ty sản xuất chấp nhận chịu phạt, và họ sẵn sàng chi hoa hồng thật cao cho các đại lý để tung ra các loại sản phẩm gian lận kiểu này.

Nhà nông chịu thiệt

Toàn vùng ĐBSCL hiện có hàng chục ngàn cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, thức ăn thủy sản. Con số này sẽ còn tiếp tục tăng cao theo đà phát triển nóng của ngành nuôi cá tra, basa xuất khẩu. Có vẻ như ngành chức năng quản lý chưa theo kịp sự đua nở của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Và trong khi chờ đợi các cơ chế chính sách ổn định để phát triển bền vững, dư luận đang đòi hỏi phải có biện pháp mạnh đối với những cá nhân, đơn vị sản xuất kinh doanh theo kiểu “đục nước béo cò”. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗn loạn thị trường thuốc thú y và thức ăn thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO