Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020 sẽ diễn ra tại Hà Nội

VỸ PHƯỢNG| 26/10/2020 20:36

Tại buổi gặp mặt báo chí thông tin về tổ chức hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020 diễn ra tại TP.HCM vào sáng ngày 26/10, BTC cho biết, hội thi được tổ chức trong tháng 10 và 11 năm 2020 tại thành phố Hà Nội, thời gian tiếp nhận sản phẩm từ ngày 25 - 30/10/2020.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác – Phát triển nông thôn cho biết, những năm qua, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ngành nghề thủ công mỹ nghệ của Việt Nam trên thị trường quốc tế rất cao, tăng trưởng các năm qua đạt khoảng 10%/năm và có đóng góp không nhỏ vào tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Theo báo cáo, 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gốm sứ đạt 309 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019; sản phẩm mây tre cói đạt 250 triệu USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2019; sản phẩm thêu, dệt thủ công đạt 90 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019.

Đây cũng là ngành đã tạo việc làm, thu nhập cho trên 2,3 triệu lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng chuyển từ lao động nông nghiệp có thu nhập thấp sang lao động ngành nghề có thu nhập cao hơn. Cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn có những chuyển biến tích cực, nhiều làng nghề tỷ trọng ngành tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tăng lên 60-80%, trong khi nông lâm thủy sản chỉ còn 20-40%. Mức thu nhập của người lao động ngành nghề cao gấp 2 đến 3 lần so với thu nhập của người lao động thuần nông. Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực có ngành nghề thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước.

Đến 30/6/2020, cả nước công nhận 165 nghề truyền thống và 1.951 làng nghề. Trong đó, có 935 làng nghề (chiếm 47,9%) sản xuất đồ mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ, điêu khắc. Các làng nghề ngoài việc tạo thêm nhiều việc làm, sản phẩm có giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân, còn giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn không gian, cảnh quan làng nghề, vùng nguyên liệu truyền thống…làng nghề cũng có tiềm năng lớn phát triển du lịch, dịch vụ.

Buổi gặp mặt báo chí có sự tham gia của hiệp hội các tỉnh, các hội ngành nghề và các cơ quan liên quan

Tại buổi họp báo, BTC công bố thể lệ, nội dung, ý nghĩa hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020. Theo đó, hội thi được tổ chức từ tháng 10 - 11/2020 tại thành phố Hà Nội, thời gian tiếp nhận sản phẩm từ ngày 25 - 30/10/2020, thời gian chấm thi từ 1 - 7/11/2020. Lễ trao giải dự kiến diễn ra tối ngày 5/11/2020. Hội thi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, nhằm tôn vinh, khơi dậy và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế các sản phẩm thủ công phát huy ý tưởng sáng tạo, đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đóng góp vào sự phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn. Qua phát động đến nay, hội thi nhận được trên 200 sản phẩm đăng ký dự thi.

Buổi họp báo cũng tiếp thu ý kiến của hiệp hội các tỉnh, các hội nghề nghiệp và ngành thủ công mỹ nghệ về sự cần thiết tổ chức hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ 2020; về công tác tổ chức; chính sách các sản phẩm gửi dự thi; về quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm đạt giải; vấn đề quy hoạch và phát triển làng nghề (như quy hoạch vùng nguyên liệu, phát huy năng lực sáng tạo của nghệ nhân); về đẩy mạnh và phát triển làng nghề; vai trò của các hiệp hội (hiệp hội mây tre đan, gốm sứ, thủ công mỹ nghệ) đối với việc thúc đẩy và phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn.


Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết sắp tới Bộ sẽ triển khai Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020 sẽ diễn ra tại Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO