Hội thảo “Trách nhiệm của trí thức khoa học và công nghệ TP.HCM trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO”

28/09/2007 15:12

Hội thảo trên được Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM tổ chức ngày 26/9/2007 tại TP.HCM. Theo GS.TS. Nguyễn Ngọc Giao, chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM, một cách tổng quát, cơ hội và thách thức của việc gia nhập WTO được thể hiện ở các nội dung: nhận thức, hiểu biết về luật chơi mới, thay đổi thói quen trong nếp suy nghĩ cũng như trong thực tiễn hoạt động; năng lực cạnh tranh của các đơn vị, các tổ chức kinh tế - dịch vụ, phối hợp các đơn vị ngành nghề, đặc biệt phối hợp Hội luật gia; cơ chế, chính sách: nhà nước hỗ trợ, không làm thay, phát huy vai trò các hội, hiệp hội, chống xu hướng hành chính hóa các hoạt động hội. Hội thảo này tập trung vào vai trò trí thức TP. HCM trước vận hội mới đang đặt ra cho thành phố. Báo Khoa Học Phổ Thông xin lược ghi một số ý kiến của các đại biểu tham gia hội thảo.

Những biện pháp về khoa học công nghệ không thể thiếu được trong việc giải quyết nhiều vấn đề bức xúc của Thành phố

Về thị trường khi gia nhập WTO, có hai vấn đề đáng quan tâm. Một là làm thế nào quản lý được tốt chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam không chứa hóa chất bị cấm, hóa chất ngoài danh mục cho phép, hay bị nhiễm hóa chất quá giới hạn cho phép hầu nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, đóng góp được phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vấn đề thứ hai cũng không kém phần quan trọng là trong các mặt hàng nhập đa dạng, phong phú, làm thế nào loại ra khỏi thị trường những mặt hàng kém chất lượng, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng chắc chắn cũng sẽ tràn vào, lợi dụng những sơ hở của ta trong quản lý. Một số giải pháp đề nghị như sau:

Về phía cơ quan quản lý:

Trên cơ sở luật, pháp lệnh, Chính phủ cần xem lại phương thức tổ chức quản lý về mặt nhà nước để giảm bớt chồng chéo, ít nhiều ảnh hưởng xấu đến hiệu quả đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Để đảm bảo VSATTP, việc dự kiến thành lập trong thời gian sắp tới Tổng cục ATVSTP trực thuộc Bộ y tế và các chi cục ở tỉnh, thành phố, cũng như Viện kiểm nghiệm thực phẩm quốc gia và một số viện kiểm nghiệm thực phẩm địa phương phải chăng là một bước đi thích hợp?

Tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, nên chăng có một ủy ban điều phối chung mà đứng đầu là một phó chủ tịch UBND để thống nhất hành động trong việc quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, tránh dàn trải, đùn đẩy trách nhiệm, lãng phí tiền của và nhân lực. Mặt khác, cần gấp rút tăng cường và mở rộng hệ thống kiểm nghiệm đến các phòng thử nghiệm của viện, trường đại học, phòng thử nghiệm tư nhân nếu xét thấy hội đủ các yêu cầu quy định về chất lượng kiểm nghiệm…

Về phía nhà sản xuất:

- Tuân thủ các quy định về chất lượng trong sản xuất và lưu hành hàng hóa đúng theo tiêu chuẩn chất lượng đã công bố hoặc đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.

- Không được sử dụng hóa chất phụ gia ngoài danh sách cho phép, nguyên liệu, hóa chất phụ gia không có nguồn gốc rõ ràng.

- Thường xuyên theo dõi các thông tin trong và ngoài nước, nhất là có liên quan đến các mặt hàng mình sản xuất.

- Áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, xây dựng và triệt để tuân thủ hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất để tạo ra được sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh mạnh, đáp ứng ngày càng cao an toàn cho người tiêu dùng.

Về phía người tiêu dùng:

Thực tế là người tiêu dùng rất khó lựa chọn trước rất nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú ở chợ, siêu thị, tuy nhiên cần quan tâm đến: thương hiệu, thời hạn sử dụng, các chỉ tiêu về chất lượng, an toàn ghi trên nhãn hiệu. Phải làm sao để chứng tỏ rằng người tiêu dùng là người quyết định chất lượng sản xuất đúng theo nghĩa “khách hàng là thượng đế”.

Về phía cơ quan truyền thông, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các hội khoa học và kỹ thuật có liên quan:

- Thông qua nhiều hoạt động đa dạng và phong phú, nâng cao kiến thức cho người tiêu dùng và cho cả người sản xuất, đặc biệt các kiến thức về chất lượng hàng hóa, về VSATTP.

- Giúp cho người sản xuất luôn cải tiến chất lượng hàng sản xuất, người buôn bán lẻ hiểu những nguyên tắc giữ hàng hóa luôn ở tình trạng an toàn cho tiêu dùng.

- Giúp người tiêu dùng biết cách chọn lựa hàng, nhất là trong thời gian sắp tới khi nhiều mặt hàng ngoại đa dạng được đưa vào thành phố trong thời kỳ hội nhập.

- Trong thực tế hiện nay, các hội phải phát huy vai trò tư vấn phản biện, giám định xã hội trong lĩnh vực chuyên môn của hội.

Trong những giải pháp nêu trên, khoa học và công nghệ đóng vai trò rất quan trọng. Những sự kiện xảy ra trên địa bàn TP.HCM trong vòng hai năm trở lại đây cho thấy những biện pháp về khoa học công nghệ không thể thiếu được trong giải quyết nhiều vấn đề bức xúc của thành phố. Thành phố nên khai thác mạnh hơn nữa đội ngũ khoa học công nghệ trên địa bàn, đặc biệt là Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật và các hội thành viên.


TS. Phạm Minh Trí - chủ tịch Hội khoa học kinh tế và quản lý TP.HCM:

Cần xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học

Cần phải xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học nhằm huy động rộng rãi tiềm năng khoa học trong giới khoa học, trong xã hội, nhằm nâng cao tính cạnh tranh chất lượng của sản phẩm nghiên cứu khoa học. Xã hội hóa nghiên cứu khoa học là phải phát huy tính cạnh tranh trong nghiên cứu khoa học thông qua việc huy động rộng rãi tổ chức, cá nhân, không phân biệt nhà nước, tư nhân, tổ chức xã hội, nghề nghiệp để qua đó có được sản phẩm khoa học có chất lượng và hiệu quả tốt. Cũng cần phải cải cách cơ chế tài chính trong nghiên cứu khoa học, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học có cuộc sống xứng đáng với đóng góp của mình, bằng chính sản phẩm của mình. Tiếp sau việc xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học là phải xác định một chiến lược khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và nền kinh tế.Chiến lược khoa học công nghệ trong điều kiện hội nhập kinh tế cần chú trọng các định hướng: ưu tiên cho ứng dụng, gắn chặt với thực tiễn và hiệu quả; đưa khoa học công nghệ, công nghệ mới vào sản xuất và dịch vụ; thông qua khoa học công nghệ tác động đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Trong bối cảnh hội nhập, từ nhà khoa học cho đến cán bộ quản lý cần phải có tư duy đổi mới, tư duy hội nhập toàn cầu hóa với ý thức độc lập, tự chủ, sáng tạo trong việc soạn thảo pháp luật, hoạch định chính sách, cơ chế chiến lược, chương trình mục tiêu nghiên cứu khoa học… tất cả cần phải có tầm nhìn bao quát trên phạm vi rộng, thay cho lối suy nghĩ hạn hẹp, cục bộ, ngành hay địa phương như trước đây.


GS. Trần Đình Bút - Hội khoa học kinh tế và quản lý TP.HCM:

Trí thức phải thực hiện vai trò nhà tư vấn, phản biện

Ở thành phố ta, cũng như trong bất kỳ xã hội nào khác, người trí thức thường có ba loại đối tượng phải thường xuyên tiếp xúc và phục vụ, đó là nhân dân, cơ quan nhà nước và doanh nhân.

Đối với quảng đại nhân dân:

Thứ nhất, trí thức phải là người tuyên truyền có trách nhiệm về WTO trong quảng đại quần chúng. Nội dung tuyên truyền, theo kinh nghiệm bản thân, trước tiên, thường xoay quanh hai vấn đề rất cơ bản sau đây:

1. Một tầm nhìn mới.WTO tạo ra những chân trời mới, mở rộng phạm vi hoạt động và tầm tư duy ra toàn thế giới. Điều đó, đòi hỏi một bước nhảy vọt về tầm nhìn khi hội nhập: không thể bó hẹp tầm nhìn, tầm suy nghĩ trong phạm vi nhỏ hẹp từng quốc gia, mà “phải suy nghĩ toàn cầu và hành động thiết thực tại chỗ”.

2. Một phương pháp tư duy mới.Với sự cộng tác bình đẳng, rộng rãi do môi trường WTO tạo ra giữa các quốc gia, với sự phát triển đột biến trên nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ, những biến động đột ngột về thể chế chính trị, về các tổ chức quản lý kinh tế, có thể thấy một quy luật phát triển mới, không theo con đường tuyến tính như trước, mà theo con đường phi tuyến, với những bước nhảy vọt.

Thứ hai, trí thức phải đủ kiến thức để giải đáp những băn khoăn, lo lắng bức xúc của quần chúng về WTO. Cần khẳng định rằng những đòi hỏi có những hiểu biết chuẩn xác và kịp thời về những câu hỏi trên là chính đáng lắm.

Đối với cơ quan nhà nước các cấp:

Trí thức phải là nguời tư vấn nhạy cảm, khôn khéo và phản biện nghiêm túc. Trí thức cần phát huy vai trò cảnh báo kịp thời, cảnh giác cao độ đối với bệnh tự cao tự mãn khi có thế “thuận buồm xuôi gió”, để “biết mình, biết người” đúng mức.

Đối với doanh nhân:

Hiệu quả luôn là tiêu chí quan trọng số một mà mọi doanh nhân cần nắm chắc. Khí phách anh hùng, một tố chất quan trọng của doanh nhân là biết lăn vào những lĩnh vực mới, khai phá thị trường mới, tìm giải pháp công nghệ mới, tổ chức và quản lý mới, làm ra sản phẩm mới, kiếm đối tác mới, nói gọn lại là dám mạo hiểm lao vào cái mới, cái độc đáo, cái mà người khác không dám làm; tất nhiên là mạo hiểm có tính toán đến cái mất ít nhất, cái được nhiều nhất. Cạnh tranh trong WTO đang cần có nhiều doanh nhân có khí phách anh hùng, tinh thần mạo hiểm như vậy, còn nếu bằng lòng với đường mòn quen thuộc, thì làm sao đuổi kịp những người khỏe hơn đang bỏ xa ta sau họ? Câu hỏi làm sao đó của doanh nhân đang chờ đợi giới trí thức gợi ý, tư vấn... O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo “Trách nhiệm của trí thức khoa học và công nghệ TP.HCM trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO