Hội thảo khoa học sau đại học: diễn đàn học thuật, thúc đẩy sáng tạo và bứt phá trong nghiên cứu khoa học

Như Quỳnh| 14/10/2018 08:55

KHPTO - Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM vừa tổ chức hội thảo khoa học sau đại học năm 2018 , hơn 300 nhà nghiên cứu, cán bộ giảng viên, nghiên cứu sinh và học viên cao học đã tham dự.

Theo TS. Lê Hữu Phước, phó hiệu trưởng nhà trường, hội thảo là diễn đàn học thuật, thúc đẩy năng lực sáng tạo và bứt phá trong nghiên cứu khoa học của những nhà khoa học trẻ, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học trong môi trường văn hóa đại học hiện nay.

Trong số những nghiên cứu khoa học được công bố tại hội thảo, có nghiên cứu “Tìm hiểu động cơ nghiên cứu khoa học của giảng viên Trường đại học Sài Gòn” được nhiều người quan tâm. Đề tài do NCS.Lê Thị Thanh Thủy, khoa giáo dục, Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM thực hiện. Tác giả cho biết, hoạt động nghiên cứu khoa học là hoạt động quan trọng, được xác định là một trong những hoạt động cơ bản, chiến lược của các trường đại học. Việc thúc đẩy giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học là một trong những biện pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Động cơ là một trong những yếu tố tác động đến hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên nói chung và giảng viên Trường đại học Sài Gòn nói riêng. Tác giả trình bài một số yếu tố tác động đến động cơ nghiên cứu khoa học và đề xuất giải pháp nhằm tạo động cơ nghiên cứu khoa học cho giảng viên theo lý thuyết hành vi hoạch định của Ajzen: thái độ đối với việc thực hiện nghiên cứu; các biến cố nằm ngoài tầm kiểm soát; nhận thức về kiểm soát hành vi nghiên cứu; thành quả nghiên cứu.

NCS.Lê Thị Thanh Thủy xác định, như một quy luật chung, thái độ đối với nghiên cứu càng tích cực, các yếu tố ngoài tầm kiểm soát càng thuận lợi, sự kiếm soát hành vi đầy đủ, thành quả được đánh giá càng cao thì động cơ để thực hiện hành vi nghiên cứu càng mạnh mẽ.

Tìm hiểu thuận lợi và khó khăn khi doanh nhân làm thầy trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, nhóm nghiên cứu bao gồm các học viên cao học Đặng Minh Thiện, Lê Quỳnh Lan, Phan Thị Bích Hạnh, khoa giáo dục đã đưa ra một số khuyến nghị và giải pháp để giải quyết vấn đề.

Theo nhóm nghiên cứu, để theo kịp với xu hướng của thời đại, hiện nay, các trường cao đẳng, đại học không ngưng nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới mô hình đào tạo "những gì thị trường sẽ cần trong tương lai",  nhiều trường đã chủ động hợp tác với các doanh nhân trong đào tạo nghề cho sinh viên, mục đích là giúp người học có nhiều cơ hội tìm được việc làm tốt sau khi ra trường. Tuy nhiên, khi các doanh nhân vừa làm kinh tế, vừa làm công tác giảng dạy cũng còn nhiều vấn đề cần làm rõ thêm. Các tác giả đã sử dụng phương pháp nghiên cứu lý thuyết, tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau và tiếp cận một số trường hợp cụ thể trong thực tế. Đề tài tập trung đề cập đến những thuận lợi và khó khăn của người doanh nhân làm công tác giảng dạy trong thời đại công nghiệp 4.0, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị và giải pháp để giải quyết những khó khăn của người doanh nhân làm công tác giảng dạy.

Đi vào vấn đề “nóng” đang được xã hội quan tâm, nhóm học viên cao học Uông Nguyễn Thu Trâm, Nguyễn Ngọc Anh Trâm, Nguyễn Thị Quỳnh Loan đã nghiên cứu so sánh tỷ lệ bạo lực học đường trong 3 năm, từ 2015 – 2017 theo thang đo AVS.

Theo nhóm nghiên cứu, bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm, trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thế xác, diễn ra trong phạm vi trường học. Bạo lực học đường bao gồm các hành vi bạo lực về thể chất, trong đó, đánh nhau giữa các học sinh hoặc các hình phạt thể chất của nhà trường; bạo lực tinh thần, bao gồm cả việc tấn công bằng lời nói; bạo lực tình dục, bao gồm hiếp dâm và quấy rối tình dục; các dạng bắt nạt bạn học và mang vũ khí đến trường.

Ớ Việt Nam, trong khoảng 10 năm trở lại đây, các vụ bạo lực học đường xuất hiện thường xuyên và được cập nhật trên các kênh thông tin đại chúng. Theo báo cáo của Bộ giáo dục và đào tạo, năm học 2009 - 2010 trên toàn quốc đã xảy ra khoảng 1.598 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, nhiều vụ có tính chất nguy hiểm, gây thương tích thậm chí tử vong. Nhóm nghiên cứu tìm hiểu vấn đề bạo lực học đường và các yếu tố liên quan được nghiên cứu trên nhiều địa phương khác nhau, tổng hợp từ nhiều nguồn trong vòng 3 năm gần đây, mọi thông tin hệ thống hóa các kết quả nghiên cứu, các nhận định và ý kiến đóng góp của các nhà nghiên cứu liên quan đến vấn đề bạo lực học đường và yếu tố liên quan ở các khu vực khác nhau.

hoi_thao_khoa_hoc

                                         Tiểu Ban giáo dục làm việc - Ảnh: HOÀNG HUY 

Đi sâu nghiên cứu về quan điểm của giảng viên về cộng đồng học tập chuyên môn, NCS.Trần Bảo Ngọc nhận thấy, từ đầu thế kỷ XX, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy việc thành lập những cộng đồng học tập chuyên môn (CĐHTCM) ở các nhà trường phổ thông và đại học là cần thiết, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm cho giáo viên để đáp ứng mục tiêu giáo dục hướng đến phát triển toàn diện người học. Trong cơ sở giáo dục đại học công lập ở Việt Nam, sự tồn tại của các CĐHTCM chưa rõ nét và chưa có tác động tích cực đến đào tạo và nghiên cứu của nhà trường. Để tìm hiểu thực trạng này, tác giả đã tiến hành phỏng vấn bán cấu trúc một số  giảng viên của một khoa, thuộc trường đại học công lập tại TP.HCM nhằm làm rõ nhận thức của họ về vai trò và đặc điểm cấu thành của CĐHTCM, khám phá nguyên nhân về yếu tố con người và môi trường làm việc cản trở việc hình thành và phát triển của CĐHTCM trong một khoa, đề xuất biện pháp thúc đẩy sự phát triển của CĐHTCM trong cơ sở giáo dục đại học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo khoa học sau đại học: diễn đàn học thuật, thúc đẩy sáng tạo và bứt phá trong nghiên cứu khoa học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO