Hội thảo cán bộ trẻ Trường đại học sư phạm TP.HCM: nghiên cứu khoa học để áp dụng vào giảng dạy

Anh Thư| 19/11/2017 11:35

KHPTO - Với chủ đề: “Cán bộ trẻ với thực tiễn giáo dục”, hội thảo cán bộ trẻ Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh mở rộng năm 2017 là diễn đàn trao đổi những thành quả nghiên cứu của các bộ trẻ các trường đại học, hướng tới việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy cả ở các trường đại học cũng như ở các trường phổ thông. Hội thảo đã nhận được 52 bài viết, sau quá trình phản biện, lựa chọn 35 bài với sự tham gia của 47 tác giả thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nghiên cứu nhiều vấn đề của giáo dục

Tìm hiểu kế hoạch phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2017 – 2020, ThS. Phạm Thị Xuân Hương, Trường đại học sư phạm TP.HCM cho biết, ngày 28/10/2016, Bộ giáo dục và đào tạo đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành giáo dục giai đoạn 2016 - 2020. Từ bản kế hoạch này và từ kết quả phổ cập giáo dục và xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thời gian qua, ThS. Phạm Thị Xuân Hương đã phác thảo kế hoạch phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long trong thời gian tới.

ThS.Trần Thị Kim Anh, Trường cao đẳng sư phạm Đà Lạt thì nghiên cứu biện pháp khắc phục những sai lầm về đặt câu hỏi trong dạy học môn tự nhiên - xã hội cho sinh viên ngành giáo dục tiểu học. Theo ThS.Trần Thị Kim Anh, kỹ năng đặt câu hỏi là một trong những kỹ năng quan trọng trong dạy học cũng như trong học tập. Vai trò của câu hỏi lại càng quan trọng hơn với đối tượng sinh viên sư phạm. Thực trạng thực tập và thực hành giảng dạy môn tự nhiên – xã hội của sinh viên năm 2 ngành giáo dục tiểu học của Trường cao đẳng sư phạm Đà Lạt cho thấy sinh viên còn mắc nhiều lỗi khi thiết kế và sử dụng câu hỏi trong tổ chức các hoạt động dạy học. Điều này cho thấy cần có biện pháp giúp sinh viên ngành giáo dục tiểu học Trường cao đẳng sư phạm Đà Lạt nói riêng và sinh viên ngành giáo dục tiểu học nói chung khắc phục những sai lầm mắc phải khi đặt câu hỏi trong giảng dạy môn tự nhiên - xã hội.

Nghiên cứu tình huống dạy học cho trẻ mẫu giáo trong giáo dục mầm non, ThS. Hứa Thị Lan Anh, Trường cao đẳng sư phạm trung ương TP.HCM, trình bày về việc sử dụng tình huống dạy học trong giáo dục mầm non nhằm giúp trẻ mẫu giáo có thể áp dụng những hiểu biết, kĩ năng vào việc giải quyết những tình huống trong sinh hoạt, đời sống hằng ngày và phát triển một số phẩm chất cá nhân khác cho trẻ. Đồng thời, tác giả giới thiệu hai tình huống cụ thể và nêu rõ các bước sử dụng hai tình huống. Qua đó, giáo viên và phụ huynh sẽ có thêm kinh nghiệm trong việc lựa chọn và tổ chức các hoạt động cho trẻ.

Giải quyết vấn đề của xã hội

Nhờ vào các yếu tố khí hậu thuận lợi, cà phê - một loại cây công nghiệp lâu năm và có giá trị cao đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực của nước ta. Sử dụng các phương pháp phân tích, tổng hợp, thống kê dữ liệu kết hợp thực địa tại một vài địa bàn đặc trưng, TS. Phan Văn Phú, Trường đại học sư phạm TP.HCM đã xác định đầy đủ các yếu tố sinh khí hậu của cây cà phê tại Việt Nam gồm: ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm không khí, gió và nước. Thông qua đó, kết hợp tham khảo các biểu đồ sinh khí hậu Việt Nam (do tác giả Nguyễn Khanh Vân và cộng sự thực hiện), kết quả bài viết cũng đã chỉ ra
những vùng lãnh thổ có điều kiện sinh khí hậu thuận lợi nhất cho sự phát triển của cà phê, cũng như những vùng có các kiểu sinh khí hậu không thuận lợi.

Ứng dụng của luật kết hợp được sử dụng rất phổ biến trên nhiều lĩnh vực như: y học, kinh doanh, hỗ trợ ra quyết định… Song, với khối lượng dữ liệu khổng lồ như hiện nay, vấn đề đặt ra là làm sao để ứng dụng luật kết hợp một tối ưu? ThS. Ngô Vũ Hoàng Trung, Trường đại học Tiền Giang giới thiệu thuật toán kết hợp Apriori dựa trên mô hình MapReduce của Hadoop - đây là nền tảng giúp tối ưu hóa việc ứng dụng luật kết hợp để khai phá dữ liệu trong môi trường cơ sở dữ liệu phân tán.

Kiên Giang là một trong những tỉnh có diện tích và sản lượng nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất cả nước, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do môi trường nước và các hệ sinh thái trong phát triển nuôi trồng thủy sản bị biến đổi gây suy thoái, ô nhiễm nghiêm trọng. Dựa trên kết quả quan trắc các chỉ tiêu môi trường nước mặt năm 2016 ở tỉnh Kiên Giang, ThS. Trần Thế Định, ThS. Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trường Đại học An Giang
tiến hành phân tích hiện trạng chất lượng nước ở một số địa điểm của tỉnh thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên. Kết quả phân tích các chỉ tiêu được so sánh với QCVN 08-MT: 2015/BTNMT để đánh giá
chất lượng nước mặt của khu vực này.

Theo nghiên cứu của ThS. Huỳnh Tâm Sáng, HVCH. Trần Vũ Linh, Trường đại học Thủ Dầu Một, trong thế kỷ XVII - XVIII, ngành đóng thuyền ở Đông Nam Bộ đã từng bước định hình vai trò quan trọng trong tổng thể bức tranh kinh tế - xã hội ở Đông Nam Bộ. Những thành quả tích cực của ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở Đông Nam Bộ không chỉ giải quyết nhu cầu đi lại của người dân, bổ trợ cho hoạt động kinh tế thương nghiệp mà còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển lực lượng quân sự của chúa Nguyễn. Bên cạnh đó, những tiến bộ vượt bậc này còn phản ánh được năng lực của những người thợ thủ công tại Gia Định cũng như tài năng của Nguyễn Ánh trong việc tiếp thu và cải tiến kỹ thuật đóng thuyền và tàu thuyền của người phương Tây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo cán bộ trẻ Trường đại học sư phạm TP.HCM: nghiên cứu khoa học để áp dụng vào giảng dạy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO