Hội làng ngày Xuân

Tấn Hoài Dạ Vũ| 31/01/2011 15:57

Hội làng, hay còn gọi là làng vào đám ở miền Bắc, là tổ chức lễ hội long trọng nhất của làng quê xưa, để cúng bái, tế lễ và sau đó là những cuộc vui chơi náo nhiệt.

Trong đời sống nông nghiệp ngày trước, “tháng giêng là tháng ăn chơi”, nên hội làng thường được tổ chức sau ba ngày Tết, kéo dài từ một tuần lễ đến mười ngày, thậm chí có nơi còn kéo dài hơn nữa. Ở quê tôi, hội làng thường được tổ chức vào rằm tháng giêng. Ở nhiều làng xã, hội làng gắn liền với lễ Kỳ yên (Tế Xuân, Tế Thu) mà ngoài mục đích cúng Thành hoàng, các bậc tiền hiền có công khai canh, lập làng, còn mang ý nghĩa tâm linh, cầu mùa, cúng tổ nghề…

Lễ nghi tế tự là phần quan trọng nhất. Tôi không thể nào quên khi lần đầu tiên theo ông nội lên đình làng xem lễ. Một cảm xúc khá lạ lùng, vừa có một chút gì đó e dè, kiêng sợ, lại vừa có sự tò mò, háo hức, mong được thấy, được hiểu. Vào đúng nửa đêm, tất cả các vị chức sắc trong làng đều khăn đóng, áo dài đen, tề tựu ở đình làng, cáo yết Thành hoàng để xin phép được tắm Thần vị. Ông tôi giải thích rằng nước tắm là thứ nước trong sạch nhất, được người ta chèo thuyền ra giữa sông để lấy vào lúc tinh mơ của ngày Mộc đục (tắm Thần vị). Tắm xong, Thần vị còn được những chức sắc của làng lau lại bằng nước trầm hương, sau đó đặt trở lại trên bệ thờ nghiêm chỉnh, để dân làng thay nhau vào dâng đồ tế lễ.

Trang nghiêm nhưng nhộn nhịp, nhiều màu sắc nhất trong các nghi thức tế lễ là đám rước Thần vị. Bao nhiêu cờ quạt, tàn lọng, chiêng trống, gươm giáo, đội nhạc bát âm, long kiệu… đi qua đường làng, với sự tham dự của tất cả các quan viên, chức sắc địa phương, và dĩ nhiên không thể thiếu những thanh niên nam nữ, ăn mặc đẹp đứng chật hai bên đường để nhìn ngắm, trầm trồ.

Ngoài phần tế tự, bao giờ cũng có những trò vui xuân, là phần thu hút dân làng, nhất là các chàng trai, cô gái, cũng là cơ hội để họ làm quen, trao duyên. Các cụ xưa thường gọi các trò vui xuân là bách hí, nhưng ta phải hiểu rằng, dẫu không có tới 100 trò vui, thì niềm vui trong lòng người chắc hẳn vẫn vượt xa con số đó.

Ở các làng quê thuộc đồng bằng Bắc bộ, các trò vui xuân khi làng vào đám rất đa dạng. Nào là đánh đu, bắt trạch trong chum, đua thuyền, đánh vật, kéo co, thi nấu cơm, thi dệt vải; có nơi lại có trò chơi cổ vũ chăn nuôi, như thi trâu bò, thi lợn gà, hoặc cổ vũ trồng trọt, như thi dưa hấu ở làng Thổ Tang, phủ Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Đặc biệt nổi tiếng là ngày Hội Lim, được tổ chức trên đồi Lim (Hồng Vân Sơn), thuộc xã Lũng Giang, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, là ngày hội của hát quan họ.

Ở miền Trung thì có đua ghe, đánh cờ người, thi đá gà, thi múa rồng, hát hò khoan, hát đối đáp trao duyên..., nhưng phổ biến nhất là trò chơi bài chòi. Bài chòi ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế thường được tổ chức với 11 chòi, còn từ Quảng Nam trở vào Bình Định thì chỉ dựng 9 chòi. Mỗi cái chòi lợp tranh, có gác một thanh tre ngang, chỉ đủ chỗ cho hai người ngồi.

Hội bài chòi thường không cốt ăn thua, mà chủ yếu là để người tham dự được vui xuân, thử thời vận, nhất là thưởng thức những câu hò bài chòi trữ tình hay dí dỏm, gây cười. Hội bài chòi thường mở ra dưới bóng những mái chùa, hay bên gốc đa làng, bãi chợ, với những ngọn đèn lồng mờ ảo được thắp lên lúc sương chiều buông xuống.

Đáng nhớ nhất là những đám hát bội. Tuổi thơ tôi ngập tràn màu sắc và âm thanh của những đêm hát bội trong dịp hội làng. Là một trong những cái nôi của hát bội, cùng với Bình Định, Quảng <_st13a_place w:st="on"><_st13a_country-region w:st="on">Nam đã từng có thời kỳ cực thịnh của loại hình nghệ thuật lôi cuốn này. Ngày xuân, khắp nơi đều nghe rộn rã tiếng trống chầu. Hấp dẫn và lôi cuốn: “Nghe rao trống chiến, không khiến cũng đi/Nghe giục trống chầu, đâm đầu mà chạy”. Hát bội ngày thường vốn đã hấp dẫn, đến ngày Tết nó lại càng quyến rũ, lôi cuốn hơn: “Nghe tiếng trống chiến, nó điếng trong ruột”…

Nhưng dấu ấn sâu sắc nhất trong lòng tôi, mỗi khi nhớ lại ngày hội làng của quãng đời thơ ấu, là âm thanh của tiếng trống đình, tiếng trống ấy mang âm hưởng của hồn làng, của ký ức tổ tiên, tình nghĩa gia tộc, làng xóm. Hồn làng kết nối với mệnh nước. Dân tộc ta luôn lấy sự hòa đồng, sự quây quần sum họp làm niềm vui, vì khi cùng chia sẻ với nhau nỗi hân hoan thì người ta sẽ cảm thấy niềm vui dường như được tăng lên bội phần. Chính với quan niệm cộng sinh cộng lạc này mà người dân quê Việt Nam luôn có tinh thần cố kết cộng đồng, hình thành tư tưởng huyết thống, cội nguồn, gắn bó với mảnh đất “một tấc không đi, một ly không rời”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội làng ngày Xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO