Hội hóa học TP.HCM: Dùng khoa học để giải quyết nhiều vấn đề cuộc sống

ANH THƯ| 24/04/2019 08:38

KHPTO - Nhiều nông dân lo lắng khi đi xuống ruộng, chân bỗng bị đen, chà rửa không ra; sự cố về ngộ độc tập thể của nhiều nữ công nhân ở một công ty may mặc quốc tế khiến nhiều người hoang mang do không rõ nguyên nhân. Các nhà khoa học của Hội hóa học TP.HCM đã giải thích các hiện tượng tưởng như “kỳ lạ”, “khó hiểu” trên bằng khoa học, nhờ đó mọi việc được giải quyết và người dân yên tâm làm việc.

Khi nghiên cứu khoa học, đào tạo là thế mạnh của hội

Ông Chu Phạm Ngọc Sơn, phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM, chủ tịch Hội hóa học TP.HCM cho biết, hoạt động chuyên môn, nghiên cứu khoa học, đào tạo là thế mạnh của hội. Các ủy viên ban chấp hành là những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ tại các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu đều tham gia đào tạo đại học và sau đại học, hướng dẫn và tham gia hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh, thực hiện, xét duyệt - nghiệm thu các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng cấp nhà nước, cấp thành phố, cấp đại học quốc gia, cấp cơ sở..., làm chủ tịch hay thành viên các hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, tốt nghiệp đại học. Thành viên của hội viên trong ngành sản xuất công nghiệp cũng có những hoạt động nghiên cứu ứng dụng phục vụ trực tiếp sản xuất (Công ty hóa dược thảo, Tân Hiệp Phát, Mỹ phẩm Thorakao...).

Một số hoạt động điển hình như: khảo sát hàm lượng hóa chất độc hại acrylamide sinh ra trong quá trình chuẩn bị và chiên các loại khoai hay ăn là khoai tây, khoai lang, khoai môn. Kết quả khảo sát các chủng loại khoai, quy trình và điều kiện chiên đã nêu ra một số hướng dẫn để thu được sản phẩm khoai chiên ngon và có hàm lượng độc chất acrylamide thấp nhất, dưới giới hạn khuyến cáo của châu Âu. Sử dụng thuật toán thống kê trên cơ sở đo độ hấp thu bằng thiết bị UV - VIS để xác định độ pha trộn các chất khác trong các mẫu cà phê rang xay đang lưu hành trên thị trường TP.HCM (đang thực hiện).

Một số kết quả nghiên cứu ứng dụng có thể kể đến như: Công ty TNHH SX TM DV hóa dược thảo đã nghiên cứu chế tạo được chế phẩm khử mùi có tác dụng khử mùi nhanh và rất hiệu quả các loại nước thải công nghiệp và chăn nuôi, giết mổ. Công trình này năm 2016 được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ khoa học và công nghệ cấp bằng sáng chế độc quyền 20 năm về “Chế phẩm khử mùi không khí từ trái bơ”. Công ty cũng đã xây dựng thành công “Mô hình công nghệ xử lý rác thải hữu cơ” tổ chức tại huyện Giồng Trôm, Bến Tre, đáp ứng các yêu cầu đề ra về môi trường.

Viện phát triển công nghệ và đào tạo đã nghiên cứu thành công quy trình tách chiết tinh dầu lá trầu để Công ty cổ phần dược phẩm OPC chế thuốc uống hỗ trợ trị bệnh tay chân miệng, công trình này được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 1441, 2016 cho quy trình chiết tách tinh dầu từ lá trầu có tác dụng ức chế được virus EV 71 gây bệnh tay chân miệng.

Một số thành viên của Viện công nghệ hóa học đã chế tạo thành công: “Lò hầm than kiểu kết hợp sấy trực tiếp và nhiệt phân gián tiếp nguyên liệu chứa cellulose cần than hóa và phương pháp vận hành lò hầm than này” được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích năm 2016; “Thiết bị sấy và phương pháp vận hành thiết bị này” được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích năm 2017...

Đóng góp hiệu quả trong việc hỗ trợ khoa học cho các cơ quan chức năng

Theo ông Chu Phạm Ngọc Sơn, các thành viên tập thể trong lĩnh vực phân tích kiểm nghiệm như Trung tâm kỹ thuật đo lường chất lượng III, Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm, Phân viện khoa học hình sự Bộ công an phía Nam, Trung tâm đào tạo và phát triển sắc ký, Công ty dịch vụ khoa học công nghệ sắc ký Hải Đăng... qua công tác chuyên môn đã đóng góp rất có hiệu quả trong việc hỗ trợ các đơn vị của cơ quan chức năng trong đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe, phòng chống tệ nạn xã hội, giúp đỡ nhiều đơn vị sản xuất và kinh doanh, xuất nhập khẩu trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa, tư vấn xây dựng phòng thí nghiệm, trang bị máy móc, hiệu chuẩn bảo trì thiết bị.

Một số thành viên của hội tham gia giải quyết với tư cách chuyên gia kỹ thuật những sự cố đã xảy ra do ô nhiễm hóa chất, an toàn vệ sinh thực phẩm. Vài thí dụ cụ thể điển hình như giải thích sự cố nông dân lội ruộng có chân bị đen ở quận 2. Qua phân tích tại Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm về bùn, nước tại ruộng làm chân đen và bùn, nước đối chứng bằng phổ IR, XRF và một số phương pháp phân tích cổ điển, đã kết luận bùn đen là do sự phân hủy yếm khí lâu dài rơm rạ mục rữa đầy ruộng tạo ra FeS có màu đen, chất này kết dính với các acid hữu cơ, ester béo, gây bám dính, khó tẩy rửa khi người dân lội ruộng.

Các nhà khoa học của hội cũng đã giải thích sự cố về ngộ độc tập thể của nhiều nữ công nhân ở một công ty may mặc quốc tế; nguyên nhân do sự tiết chậm từ nguyên liệu vải đen hóa chất tributyl phosphat, chất này có thể gây nôn mửa, chóng mặt, khó thở ở những nữ công nhân quá mẫn cảm, hiệu ứng dây chuyền xảy ra dẫn đến nhiều nữ công nhân của công ty cũng bị hiện tượng tương tự. Hiện tượng tiết chậm chất phosphat này được xác minh khi tìm thấy chất ấy trên các tấm chặn bụi máy lạnh.

Bên cạnh đó, các thành viên của hội còn cải tiến cách sử dụng kit nguyên thủy dùng để phát hiện clenbuterol và salbutamol trong nước tiểu heo để phát hiện các chất cấm này ngay trong thịt ở các chợ, bếp ăn tập thể. Phương pháp thử cực kỳ đơn giản, người nào cũng có thể áp dụng được. Ngoài ra, các nhà khoa học còn giải thích cho người tiêu dùng hiểu tại sao thịt tôm chín nấu canh chua có những lõi dai, hoàn toàn không phải là do trộn nhựa vào tôm và có thể dùng an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội hóa học TP.HCM: Dùng khoa học để giải quyết nhiều vấn đề cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO