Hội đồng trường sẽ có thực quyền

A.T| 30/01/2020 19:53

KHPTO - Theo bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ, tự chủ đại học là xu thế tất yếu. Trước đó, Chính phủ đã có nghị quyết cho thí điểm 23 cơ sở giáo dục đại học. Quá trình thực hiện cho thấy ưu điểm nổi trội của việc thực hiện tự chủ. Từ đó, Bộ giáo dục và đào tạo tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.

Bộ trưởng gợi ý một số nhóm vấn đề quan trọng cần được thống nhất thực hiện. Một là cơ cấu tổ chức nhà trường, thành lập trường đại học trong đại học, điều kiện để từ trường đại học sang đại học... Hai là, liên quan đến thiết chế, đó là hội đồng trường. “Hội đồng trường phải thực quyền, chỉ khi thực quyền thì Luật 34 và Nghị định 99 mới đi vào cuộc sống. Hiện nhiều hội đồng trường chưa thực quyền nhưng khi luật hóa như hiện nay thì không thể còn tình trạng này. Cơ quan chủ quản tránh tình trạng can thiệp hành chính vào hội đồng trường vì tính tự chủ, trách nhiệm giải trình đã được quy định rất rõ”, bộ trưởng nêu rõ.

Ngoài ra, bộ trưởng cũng cho rằng, tên giao dịch quốc tế của cơ sở giáo dục đại học cần phải thống nhất, nếu không thống nhất thì rất khó để hội nhập. Hơn nữa, tự chủ đại học không đơn thuần là trường thực hiện tự chủ hay cán bộ quản lý mà tinh thần tự chủ phải được từng giảng viên, từng đơn vị trong cơ sở giáo dục đại học hiểu đúng, hiểu đủ.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, các quy định trong Luật 34 và Nghị định 99 đã hướng dẫn rất chi tiết những vấn đề liên quan tới hội đồng trường. Theo đó, nhiệm kỳ của hội đồng trường được tính từ khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận. Luật quy định nhiệm kỳ là 5 năm và nhiệm kỳ của hiệu trưởng theo nhiệm kỳ của hội đồng trường.

Như vậy, đối với hiệu trưởng, Luật số 34 không quy định nhiệm kỳ của hiệu trưởng là bao nhiêu năm, nhưng hội đồng trường sẽ quyết định nhiệm kỳ của hiệu trưởng trong thời hạn nhiệm kỳ của hội đồng trường. Quy định này đã nêu rất là rõ trong luật.

Liên quan đến tổ chức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học,

bà Phụng chia sẻ, trong Nghị định 99 đã quy định, nếu sử dụng hội nghị đại biểu thì số đại biểu phải chiếm trên 50% so với tổng số, tức là người thuộc thành phần tham gia hội nghị đại biểu phải chiếm trên 50% so với tổng số; còn hội đồng trường sẽ quyết định là khi nào thì hội nghị đại biểu, khi nào thì hội nghị toàn thể.

“Nghị định 99 quy định rằng tối đa trong thời hạn 6 tháng kể từ khi nghị định này có hiệu lực (15/2/2020), các cơ sở giáo dục đại học phải thành lập hội đồng trường theo đúng quy định. Như vậy có nghĩa rằng từ nay đến ngày 15/8, việc thành lập hội đồng trường phải xong”, bà Nguyễn Thị Kim Phụng lưu ý.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có những lưu ý quan trọng với 3 nhóm chủ thể chính, đó là Bộ giáo dục và đào tạo, cơ quan chủ quản của các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục đại học. Với Bộ giáo dục và đào tạo, trước hết là rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản để triển khai Nghị định 99 và các văn bản khác liên quan, theo tinh thần không phát sinh các thủ tục hành chính và bám sát vào tinh thần tự chủ đại học, đồng thời chú trọng đến các đối tượng chịu tác động là các cơ sở giáo dục đại học. Bộ giáo dục và đào tạo đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định số 138, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để sớm trình Chính phủ ban hành. “Chúng ta phải làm nghiêm để một mặt khuyến khích các trường làm tốt, nhưng đồng thời cũng phải răn đe, có chế tài xử phạt nghiêm các trường làm không tốt”, bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng của bộ hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chuẩn về giáo dục đại học quốc gia. Tất cả các chỉ số của một cơ sở giáo dục đại học phải được công khai trên cơ sở dữ liệu này, qua đó xã hội và các bên liên quan giám sát. Đồng thời, chỉ đạo các trường tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, trong đó khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học kiện toàn bộ phận thanh tra, pháp chế, tăng cường năng lực cho thanh tra đủ mạnh để chủ động rà soát, khắc phục các vấn đề của nhà trường.

Với các cơ quan chủ quản, bộ trưởng cho rằng, chủ quản trước đây nặng về tính hành chính, áp các quy định về tổ chức bộ máy, nhân sự, các chế độ khác... Nhưng nay, các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc bộ ngành, hay địa phương phải thực hiện theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học và Nghị định 99. Vì vậy, các cơ quan chủ quản phải chủ động, minh bạch, sòng phẳng, trách nhiệm đến đâu thực hiện đúng đến đó.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học, bộ trưởng lưu ý, việc trước tiên mà mỗi cơ sở giáo dục cần làm là phổ biến, hướng dẫn, quán triệt sâu rộng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, Nghị định 99 và các văn bản hướng dẫn của Bộ giáo dục và đào tạo, của cơ quan chủ quản, cũng như các văn bản khác đến từng giảng viên, người lao động trong nhà trường. Tiếp đó, phải có kế hoạch chỉ đạo kiện toàn hội đồng trường theo lộ trình quy định, tuyệt đối không vì năng lực hay trách nhiệm còn hạn chế mà để trễ quy định này. Người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm với cơ quan chủ quản về tiến độ, chất lượng kiện toàn hội đồng trường.

Bộ trưởng cũng lưu ý các nhà trường cần có kế hoạch nâng cao năng lực quản trị, trước hết là hội đồng trường, từng vị trí phải rõ vai trò. Cùng với đó, tăng cường năng lực quản trị nội bộ của ban giám hiệu, các vị trí chức năng, phòng, ban, khoa. Lãnh đạo nhà trường cần bám sát các mục tiêu đã được hội đồng trường thông qua để đưa ra quyết định quản lý, không phải dễ làm trước, khó làm sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội đồng trường sẽ có thực quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO